Chỉ có ở Trung Quốc: Bị chê bai, không bán được nhưng vẫn "đẻ" ra ti tỉ loại vũ khí

QS |

Ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc có lẽ đang cho rằng họ đã "đủ trưởng thành để đánh bại ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ và chiếm ưu thế" – ông Haddick nói.

Tràn ngập các chương trình vũ khí "thừa thãi và lãng phí"

Không thể chỉ dựa vào bản phân tích lợi ích chi phí để lý giải nỗ lực của Trung Quốc trong việc chế tạo nhiều loại vũ khí hơn toàn bộ thế giới gộp vào.

Theo nhà báo Wendell Minnick chuyên về các vấn đề an ninh & quân sự tại châu Á, hiện đang có rất nhiều giả thuyết về sự lan tràn các chương trình vũ khí "thừa thãi và lãng phí" của tổ hợp công nghiệp-quốc phòng Trung Quốc.

Triển lãm hàng không Trung Quốc tại Chu Hải gần đây là một ví dụ hoàn hảo. Bắc Kinh đã trưng bày một loạt hệ thống vũ khí và năng lực mới. Ngay cả công ty đóng tàu CSOC (China Shipbuilding & Offshore International Company) của Trung Quốc cũng tham gia vào lĩnh vực tác chiến trên bộ khi giới thiệu các hệ thống phòng không di động.

Paul Giarra, Chủ tịch tổ chức Global Strategies & Transformation nhận định, cuộc triển lãm này đã hé lộ rằng, nỗ lực hiện đại hóa của Trung Quốc đang được đẩy lên "mức cao nhất", và triển lãm Chu Hải "được tổ chức với mục đích rõ ràng là để gây choáng ngợp và hăm dọa".

Không gì khiến Hải quân Mỹ lo sợ hơn là các nỗ lực phát triển tên lửa chống tàu của Trung Quốc, tiêu biểu là chương trình tên lửa đạn đạo chống tàu DF-21D.

Chỉ có ở Trung Quốc: Bị chê bai, không bán được nhưng vẫn đẻ ra ti tỉ loại vũ khí - Ảnh 1.

Tên lửa siêu thanh CM-401 tại triển lãm hàng không Chu Hải 2018.

"Với các loại vũ khí như tên lửa hành trình chống tàu và tên lửa đất-đối-không, Trung Quốc chỉ đơn giản là quẳng thật nhiều tiền vào nhiều dự án khá nhau, với lý do đơn giản là vì họ có tiền" – ông Richard Bitzinger, đến từ Trường nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam (Singapore), cho hay.

Mức độ gia tăng cấp số nhân trong ngân sách quốc phòng 20 năm qua đã mang lại cho quân đội Trung Quốc hàng tỷ nhân dân tệ để đầu tư vào chương trình nghiên cứu & phát triển (R&D).

"Thêm vào đó, nhiều chương trình trong số này, chẳng hạn như tên lửa hành trình chống tàu (ASCM), thực ra lại phân thành nhiều loại khác nhau, như về tầm bắn và mục đích sử dụng" – ông Bitzinger nói.

Tại triển lãm Chu Hải năm nay, Trung Quốc đã trưng bày một loại ASCM siêu thanh mới có tên CM-401. Bên cạnh đó là ASCM cơ động đường trường BP-12B. Ngoài ra còn có ASCM siêu thanh HD-1 phóng từ trên không – đây có thể là phiên bản xuất khẩu của YJ-12.

Điều kỳ quái

Các công ty Trung Quốc đang đua nhau phát triển nhiều chương trình ASCM và UAV thừa thãi, không chỉ có các doanh nghiệp nhà nước như AVIC, CASC, CASIC và CETC, mà còn cả các công ty tư nhân.

Theo nhà nghiên cứu cấp cao Roger Cliff tại Trung tâm An ninh Mỹ mới (CNA), việc phát triển nhiều hệ thống vũ khí mà "không có người mua, hoặc thị trường tiêu thụ ở nước ngoài", là một điều rất "kỳ quái", hiếm khi thấy ở phương Tây.

Vasily Kashin, chuyên gia Nga về ngành công nghiệp vũ khí Trung Quốc, cho rằng các ASCM này là "phần thừa thãi của chương trình R&D phục vụ chiến lược chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD) của Trung Quốc, chúng không phục vụ nhiều mục đích thương mại nhưng vẫn khá thích hợp để phô trương".

"Bằng cách khiến các công ty tư nhân tham gia vào chương trình R&D nhiều hơn, Trung Quốc sẽ được thấy nhiều nguyên mẫu đạt đến giai đoạn tung ra thị trường, dù đó có thể không phải là thị trường lớn. Trong quá trình này, quân đội Trung Quốc có thể chọn ra các sản phẩm có chất lượng tốt nhất dành cho họ" – ông Kashin nhận định.

Chỉ có ở Trung Quốc: Bị chê bai, không bán được nhưng vẫn đẻ ra ti tỉ loại vũ khí - Ảnh 2.

Trung Quốc được cho là đang phát triển quá nhiều chương trình vũ khí thừa thãi.

Theo nhà nghiên cứu Cliff, chương trình máy bay chiến đấu của Trung Quốc có thể gặt hái được thành công, hai mẫu máy bay nội địa của họ đang cạnh tranh để đáp ứng yêu cầu về tiêm kích tàng hình của không quân.

Các báo cáo chưa được xác nhận từ truyền thông cho thấy Không quân Trung Quốc đang có kế hoạch mua J-31 – mẫu tiêm kích được cho là do công ty Thẩm Dương tự bỏ tiền túi phát triển, sau khi Không quân Trung Quốc dồn lực đầu tư cho mẫu J-20 của công ty Thành Đô.

Hiện trong ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc đang có nhiều sự cạnh tranh nội bộ. Chẳng hạn như trong Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc (AVIC) có 2 nhà sản xuất lớn, gồm Thẩm Dương và Thành Đô. Họ thường xuyên cạnh tranh nhau ở các dự án máy bay, như J-8 và J-10, J-20 và J-31.

Ông Kashin cho biết, đây là cách tiếp cận truyền thống của Trung Quốc nhằm giảm bớt các rủi ro công nghệ do sự yếu kém của nền tảng công nghiệp nội địa gây ra. Trong lịch sử Trung Quốc đã từng ghi nhận sự phát triển đồng thời hai hệ thống.

Đầu tiên là một dự án có rủi ro cao, đắt đỏ, với những thành phần tiên tiến được nhập khẩu. Thứ hai là một dự án bớt tham vọng hơn, ít rủi ro hơn, phù hợp với các yêu cầu tối thiểu của PLA, có thể được hoàn thiện mà không cần sự hỗ trợ từ bên ngoài.

Kết quả là PLA sẽ có được các hệ thống mới ngay cả khi chuỗi cung cấp bên ngoài bị đứt quãng hoặc dự án thất bại.

Tuy nhiên, theo chuyên gia Robert Haddick tại Viện Nghiên cứu Hàng không Vũ trụ Mitchell, việc nhân giống quá nhiều loại vũ khí như thế này cũng có nguy cơ gây nhiễu loạn trên trường quốc tế.

Các nhà lãnh đạo cấp cao Trung Quốc đang thấy mình ở trong một cuộc chạy đua với Mỹ để giành tầm ảnh hưởng đối với các quốc gia then chốt trên khắp thế giới.

Họ cho rằng, sự hiện diện rộng rãi của Mỹ trong lĩnh vực xuất khẩu vũ khí tới các quốc gia quan trọng ở châu Phi, châu Á, châu Âu, Mỹ Latinh và Trung Đông là một hình thức hiện diện toàn cầu của Washington, và Trung Quốc cần ngăn chặn điều này.

Nếu Trung Quốc thay thế Mỹ, trở thành nhà cung cấp vũ khí được ưa thích thì điều đó sẽ nghiêng cán cân về tầm ảnh hưởng kinh tế và chính trị về phía Trung Quốc.

Ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc có lẽ đang cho rằng họ đã "đủ trưởng thành để đánh bại ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ và chiếm ưu thế" – ông Haddick nói.

Chris Pocock, chuyên gia hàng không vũ trụ tại Anh, cho rằng Trung Quốc sẽ không đắn đo khi xuất khẩu vũ khí tới những quốc gia bất ổn mà phương Tây sẽ không đồng ý cung cấp.

"Trung Quốc là một giấc mơ cho những kẻ chuyên chế, bởi họ cung cấp chi phí mua sắm thấp và, tất nhiên, cả các khoản vay rẻ" – ông Pocock nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại