Với những cái đầu kinh tế đủ sức đưa Man United trở thành CLB thể thao làm ăn phát đạt nhất trên thương trường, BLĐ đội bóng này đương nhiên lường trước mọi hệ lụy từ thương vụ Sanchez. Nhưng cũng giống như cách họ vẫn suy nghĩ, bản hợp đồng mang tên Sanchez chắc chắn chẳng lỗ quá bao nhiêu về mặt kinh doanh so với thứ mà nó mang lại (tiền quảng cáo, áo đấu, bản quyền hình ảnh...), nhưng lại bắn sâu một lỗ vào danh dự.
Man United đạp bỏ mọi khung lương, phá vỡ mọi quy chuẩn để trả cho Sanchez 350.000 bảng/tuần, có thể tăng lên xấp xỉ 500.000 bảng/tuần nếu đạt đủ một vài tiêu chí. Ở đây, hiểu đơn giản là, Man United chẳng còn tin vào những gì mình đang có nên sẵn sàng làm những thứ điên rồ nhất để rước một ngôi sao xa lạ về Old Trafford, rồi coi anh ta là vị cứu tinh trong truyền thuyết.
Cách làm này đương nhiên sai hoàn toàn, kể cả trong thời kỳ hỗn loạn như thời đại này. Man United không phải chưa từng mua tiền đạo trụ cột của Arsenal, nhưng Robin van Persie hiểu rằng anh sẽ không bao giờ đạt được đãi ngộ như Wayne Rooney. Van Persie phải chấp nhận điều đó nếu muốn sang Man United và tiền đạo người Hà Lan hài lòng làm nhân vật số 2, ít nhất về mặt hình ảnh.
Alexis Sanchez đang là gánh nặng oằn vai của Man United, không chỉ trên khía cạnh chuyên môn.
Một cách dễ hiểu, Van Persie nhanh chóng thành công trong mùa đầu tiên còn trật tự tại Man United vẫn được giữ vững. Khi lên nhận cúp, vẫn phải là Rooney đứng đầu. Khi ăn nhà hàng, vẫn phải là Rooney đãi. Khi ký sổ lương, vẫn phải là Rooney ở đỉnh danh sách.
Ở đây, không đơn giản là chuyện tiền bạc bởi như chúng ta vẫn biết, chẳng ai sống bằng lương ở thời đại này. Như David Beckham, dù không còn thi đấu nữa vẫn đứng trong tốp những VĐV thu nhập lớn nhất thế giới. Các cầu thủ biết cách kiếm tiền ở ngoài, thậm chí là gấp nhiều lần đãi ngộ của CLB. Còn việc của CLB là làm cách nào để các cầu thủ hiểu được vị trí của mình trong tập thể.
Với cách đối đãi Sanchez, Man United tự rước họa vào thân. Kể cả khi Sanchez thi đấu thành công, mang về những danh hiệu cho đội bóng mới, hệ lụy của nó cũng giống hệt như bây giờ. Lần lượt David De Gea rồi Paul Pogba đòi hỏi những con số tương đương với Sanchez, thậm chí còn hơn. Đến một cầu thủ nổi tiếng "lành" như Ander Herrera cũng đang làm mình làm mẩy vì tiền lương trong buổi đàm phán gia hạn.
Ở Man United, chưa bao giờ Robin van Persie dám vượt mặt Rooney.
350.000 bảng/tuần đã chạm tới, 500.000 bảng/tuần đang đòi hỏi, sắp tới có thể là cột mốc khủng khiếp nào nữa thì đến thánh thần cũng chịu. Ở đây, phải hiểu là sự tham lam của con người là vô tận. Chỉ cần bạn cho họ cơ hội để làm thế, họ sẽ làm thế, dù có hiền như cục đất.
Cơ chế mà Man United đưa ra khiến người ta hiểu như vậy, chỉ cần bạn giỏi nhất, bạn sẽ được lương cao nhất. Nhưng giỏi nhất chỉ là một khái niệm mơ hồ, như cách BLĐ Quỷ đỏ nghĩ Sanchez giỏi nhất hay Pogba hoặc David de Gea nghĩ mình giỏi nhất. Chẳng có cơ sở nào cả và vòng lặp tồi tệ này chưa bao giờ triệt tiêu.
Nhìn vào Sanchez, chả tội gì mà Pogba và David de Gea không "đòi quyền lợi" cho mình cả.
Nên nhớ, Sanchez vẫn đang hưởng lương đều, dù chẳng đóng góp gì. Chris Smalling và Phil Jones là 2 trung vệ chuyên môn thấp gần nhất lịch sử Man United vẫn vừa được gia hạn. Pogba và De Gea rõ ràng có quyền đòi hỏi trong một tập thể vô lý như vậy.
Chẳng bao lâu nữa, sau một vài trận chơi tốt, sẽ đến lượt Marcus Rashford, Anthony Martial, Jesse Lingard hay thậm chí là Scott McTominay bước vào cuộc họp đàm phán gia hạn với thái độ trịch thượng. Tiền bạc ở đây chỉ là vật phản chiếu một hiện thực rằng Old Trafford đang tồn tại quá nhiều giá trị ảo, còn lòng trung thành thì thậm chí được niêm yết giá.