Kỹ sư Lê Tâm tên thật là Nguyễn Hy Hiền, sinh năm 1921 tại làng Niêm Phò, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Năm 1939, ông được đi Pháp du học. Sau hơn 6 năm học tập tại Pháp, ngày 23-12-1946, ông về đến bến Sài Gòn khi Toàn quốc kháng chiến bắt đầu.
Từ bỏ mọi quyền lợi và những thói quen sinh hoạt ở trời Tây, ông lên đường ra chiến khu tham gia kháng chiến.
Tại đây, Nguyễn Hy Hiền được giao phụ trách ngành quân giới. Cũng tại đây, ông đã phải đổi cả họ tên thành Lê Tâm để không liên lụy đến mấy trăm con người thuộc dòng họ Nguyễn Hy đang còn sống trong vùng địch tạm chiếm.
Trong muôn vàn khó khăn, xưởng quân giới lớn dưới sự chỉ huy của kỹ sư Lê Tâm vẫn được xây dựng, như xưởng của Bộ Tư lệnh Nam Bộ có gần 1.000 người. Lực lượng quân giới Nam Bộ đông tới 8.000 người. Trong rừng Sác lầy lội đầy muỗi, vắt, súng cối, bộc lôi, địa lôi, đạn súng trường, súng lục đã ra đời, trong đó có súng chống tăng SS.
Kỹ sư Lê Tâm cùng vợ sau ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu
Thời điểm đó, chứng kiến những loại phương tiện hiện đại của quân Pháp như tàu thủy, xe tăng gây tổn thất lớn cho quân ta và trước yêu cầu bức thiết về vũ khí của chiến trường, kỹ sư Lê Tâm đã tự nghiên cứu, chế tạo ra một loại súng có sức công phá bằng cả cỗ đại bác, nhưng chỉ nhẹ khoảng 5-10kg, nòng súng làm bằng ống thép đầu máy xe lửa trông tựa như chiếc điếu cày, có thể vác trên vai.
Súng sử dụng đạn lõm cũng do ông tự nghiên cứu, chế tạo dựa trên số tài liệu ít ỏi, sơ lược do Giáo sư Trần Đại Nghĩa gửi từ Bắc vào. Khi bị kích nổ, đạn lõm tập trung năng lượng, đủ tạo ra sức nóng tới 3.000 độ C, áp suất hàng trăm át-mốt-phe để có thể xuyên thủng được vỏ thép xe tăng, vỏ tàu thủy của địch.
Đầu viên đạn lõm to hơn nòng súng, nằm ngoài, chỉ có chuôi đạn nằm trong nòng. Thuốc đẩy viên đạn bay ra phía trước và cùng lúc đẩy khối lùi (có thể tiện bằng gỗ) bay lại phía sau, do đó triệt tiêu lực giật. Kỹ sư Lê Tâm đã đặt tên cho loại vũ khí mới này là SS, nghĩa là "Súng rừng Sác".
Súng SS do kỹ sư Lê Tâm chế tạo đã góp phần cùng quân và dân ta đẩy lùi nhiều trận càn của địch, tạo nên nhiều chiến thắng lớn khiến quân địch vô cùng hoảng hốt, không còn dám hung hăng như trước.
Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ (1954), ông được điều về Hà Nội giữ chức Phó cục trưởng Cục Kỹ thuật đường sắt, tham gia chỉ đạo phục hồi nhiều tuyến đường sắt, rồi làm Chủ nhiệm khoa Xây dựng của Trường Đại học Bách khoa, Cục trưởng Cục Đo lường, Ủy viên Ủy ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước (nay là Bộ Khoa học và Công nghệ)...
Năm 1996, ông được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về công trình "Một số vũ khí đặc biệt trong kháng chiến chống Pháp (1945-1954)" trong đó có vũ khí SS do ông và đồng đội sáng chế từ trong rừng Sác.