Quả bơ tươi đến 48 ngày
PGS.TS Lê Trần Bảo Hà, Trưởng Bộ môn Sinh lý học và công nghệ sinh học động vật, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP HCM cho biết, thành phần chủ yếu của chế phẩm là sợi tơ tằm. Chế phẩm ở dạng dung dịch.
Khi cần sử dụng, chỉ cần nhúng rau, củ, quả tươi vào trong dung dịch, để ráo bề mặt để hình thành lớp màng mỏng trên bề mặt của rau củ. Lớp màng mỏng này có hai vai trò, ngăn chặn sự xâm nhập của vi sinh vật gây thối rữa từ bên ngoài và làm chậm quá trình hô hấp của rau củ quả khiến quá trình chín bị chậm hơn, bảo quản được lâu hơn.
Tơ tằm là loại vật liệu đã xuất hiện từ hàng nghìn năm trước, không chỉ ứng dụng trong dệt may, sợi tơ tằm còn được ứng dụng rộng rãi trong các ngành y sinh, quang tử và điện tử. Theo PGS.TS Hà, sợi tơ tằm khi xử lý hòa tan thành dung dịch để nhúng sản phẩm sẽ tạo ra lớp màng bảo vệ vững chắc.
TS Hà cùng nhóm nghiên cứu đã sử dụng chế phẩm để bảo quản trái bơ. Kết quả cho thấy, trái bơ có thể được bảo quản tươi ngon trong 48 ngày sau khi thu hái. Quả vải có thể bảo quản được 45 ngày, măng tây bảo quản trong 21 ngày.
“Hai lý do chính khiến chúng tôi tập trung nghiên cứu chế phẩm từ tơ tằm. Đầu tiên là việc tiếp cận nguồn nguyên liệu từ tơ tằm khá đơn giản. Từ 7 năm trước, nhóm nghiên cứu đã có những thành quả như nghiên cứu vật liệu nano từ tơ tằm để dưỡng da, tẩy tế bào chết.
Từ nghiên cứu đó, nhóm phát triển sản phẩm dùng để bảo quản rau củ. Nhóm đã có kinh nghiệm nhiều năm nghiên cứu nguồn nguyên liệu tơ tằm này. Hai là nhóm muốn khôi phục ngành trồng dâu nuôi tằm vốn rất phát triển ở nước ta, sau này đã bị mai một”.
Hiện, các doanh nghiệp, hợp tác xã sử dụng một số cách bảo quản rau củ quả truyền thống như sử dụng màng nilon PE hay bao gói khí quyển biến đổi (màng MAB) là loại màng có bản chất giống với nilon.
Chế phẩm này có nguồn gốc sinh học là tơ tằm, trong thành phần dung dịch không có chất độc hại. Các nghiên cứu chứng minh sản phẩm có thể ăn được, nghĩa là bảo quản rau quả xong, có thể ăn được ngay mà không gây độc hại. Quá trình chế tạo sản phẩm cũng không gây ảnh hưởng gì đến môi trường, không có chất thải. Chế phẩm sinh học từ tơ tằm dùng để bảo quản rau quả tươi đã được sản xuất và thử nghiệm ở quy mô phòng thí nghiệm.
Sẽ bảo quản thử nghiệm 10.000 tấn rau củ
PGS.TS Lê Trần Bảo Hà hy vọng đưa sản phẩm ứng dụng rộng rãi để bảo quản rau quả.
Tổ chức Nông lương thế giới (FAO) ước tính, khoảng 1/3 thực phẩm sản xuất mỗi năm cho nhu cầu tiêu thụ của con người thường bị hư hỏng hoặc thất thoát trong suốt dây chuyền sản xuất từ khi trồng ở nông trại đến khi thu hoạch. Đặc biệt đối với mặt hàng rau quả, theo ước tính của FAO, hơn 50% nông sản bị thất thoát trong chuỗi cung ứng, chủ yếu ở các giai đoạn sau thu hoạch, phân phối và tiêu thụ.
Sự thất thoát này phần lớn đến từ bản chất dễ hư hỏng của nông sản. Nhiều loại trái cây và rau có hoạt dộng trao đổi chất mạnh, đồng thời chịu nguy cơ nhiễm vi khuẩn cao, khiến chúng có đời sống thấp, dễ bị sâu nấm, mất màu và mất hương vị. Nhiều phương pháp đã được thử nghiệm để kéo dài thời gian sống sau thu hoạch của rau quả nhưng chưa phát huy được hiệu quả như mong muốn.
Thành phần chính trong tơ tằm là fibroin. Đây là vật liệu dạng sợi tơ không tan, có nguồn gốc từ một vài loại nhện hoặc côn trùng. Tơ fibroin có cấu trúc protein, giống như collagen nhưng lại có một đặc điểm độc đáo: Được sản xuất bằng quá trình chiết tách huyền phù amino acide từ cơ thể các động vật sống.
Một trong những ứng dụng gây chú ý của tơ fibroin chính là khả nâng sử dụng để tổng hợp các vật liệu nén tương thích sinh học và phân hủy sinh học để làm diện cực trong não hay làm đầu dò kiểm soát độ chín của trái cây.
PGS.TS Lê Trần Bảo Hà cho biết, nhóm dự tính sẽ sản xuất khoảng 10.000 lít để bảo quản khoảng 10.000 tấn rau củ quả. Đối tượng mà nhóm nghiên cứu hướng tới là doanh nghiệp hoặc hợp tác xã thu mua nông sản, sau đó chuyển giao công nghệ sử dụng và quy trình bảo quản.
Chế phẩm giúp bảo quản rau củ tươi đáp ứng vệ sinh an toàn thực phẩm giúp bảo đảm giá trị lâu dài cho sản phẩm rau quả kinh doanh trong nước và xuất khẩu.