Chạy đua với thượng đỉnh Mỹ-Triều 2, ông Tập trao thân phận "nặng ký" cho thân tín sang Mỹ

Thủy Thu |

Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc đang thăm Mỹ và ông được trao thêm chức danh đặc biệt.

Thời hạn cuối cùng cho thời hạn 90 ngày "đình chiến" của cuộc chiến tranh thương mại Trung- Mỹ (ngày 1/3/2019) chỉ còn khoảng một tuần nữa là kết thúc. Trong đó, hai ngày cuối tháng 2 (27-28) Tổng thống Donald Trump sẽ đến Việt Nam dự thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2.

Do đó, ông Lưu Hạc - Phó Thủ tướng, trưởng đoàn đàm phán thương mại Trung Quốc - người đang thực hiện chuyến công du Mỹ - được cho phải đối mặt với rất nhiều áp lực trong nhiệm vụ tìm "chìa khóa" hóa giải mâu thuẫn thương mại với Wahsington.

Đáng chú ý, đây không chỉ là chuyến công du Mỹ lần thứ 4 nhằm đối thoại giải quyết tranh chấp thương mại mà ông này còn được trao thêm sứ mệnh - đặc phái viên của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Thêm chức danh đặc phái viên đồng nghĩa việc ông Lưu Hạc được tăng thêm quyền lực. Về một số vấn đề quan trọng, ông này không chỉ đại diện cho chính phủ Trung Quốc mà còn đại diện cho nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình.

Thân phận khác nhau trong 4 lần sang Mỹ

So với chuyến thăm Mỹ hồi tháng 1, việc ông Lưu Hạc được trao thêm chức danh đặc phái viên của Chủ tịch Tập Cận Bình đã thu hút sự chú ý của dư luận thế giới.

Kể từ khi cuộc chiến tranh thương mại bùng phát vào năm 2018 đến nay, không bao gồm các cuộc tham vấn cấp phó thì hai nước Mỹ-Trung đã tổ chức 7 vòng đàm phán thương mại cấp cao.

Vòng đầu tiên vào cuối tháng 2/2018, Lưu Hạc sang Mỹ. Vòng thứ hai vào đầu tháng 5/2018, Bộ trưởng tài chính Mỹ Steven Terner Mnuchin sang Trung Quốc. Vòng thứ ba vào cuối tháng 5/2018, Lưu Hạc dẫn đầu phái đoàn quan chức Trung Quốc sang Mỹ. Vòng thứ tư vào đầu tháng 6/2018, Bộ trưởng thương mại Mỹ Wilbur Louis Ross Jr. thăm Trung Quốc. Vòng thứ năm vào cuối tháng 1/2019, Lưu Hạc sang thăm Mỹ và vòng thứ sáu vào giữa tháng 2, Đại diện thương mại Mỹ Robert Emmet Lighthizer và Bộ trưởng tài chính Mỹ Steven Terner Mnuchin thăm Bắc Kinh. Vòng đàm phán thứ 7 đang diễn ra ở Mỹ.

Đối với đoàn đàm phán Mỹ, ba lần sang Bắc Kinh đều có sự thay đổi về trưởng đoàn trong khi phía Trung Quốc, trưởng đoàn đàm phán duy nhất là ông Lưu Hạc. Tuy nhiên, thân phận của ông hầu hết mỗi vòng đàm phán lại không giống nhau.

Từ ngày 27/2-3/3/2018 khi chưa trở thành Phó thủ tướng nên trong chuyến tham vấn thương mại đầu tiên, ông được giới thiệu là Ủy viên Bộ chính trị, Chủ nhiệm văn phòng tiểu tổ lãnh đạo tài chính trung ương và Trưởng đoàn đàm phán kinh tế toàn diện Trung-Mỹ.

Cuộc đàm phán khi đó được đánh giá không mang lại mấy kết quả tốt đẹp đối với Bắc Kinh khi thành tựu lớn nhất chỉ là thiết lập cơ chế trao đổi song phương.

Từ ngày 15-19/5, khi đã trở thành Phó Thủ tướng Trung Quốc và sang thăm Mỹ lần hai, ông Lưu Hạc khi đó mang chức danh - Đặc phái viên của Chủ tịch Tập Cận Bình, Ủy viên Bộ chính trị, Phó Thủ tướng và Trưởng đoàn đàm phán kinh tế toàn diện Trung-Mỹ.

Tuy nhiên, cuộc đàm phán lần này vẫn không thể thay đổi cục diện mâu thuẫn thương mại song phương. Vào ngày 6/7, Mỹ quyết định áp thuế đối với lô hàng hóa Trung Quốc trị giá 34 tỷ USD. Bắc Kinh ngay lập tức tiến hành các biện pháp trả đũa. Chiến tranh thương mại Trung-Mỹ bắt đầu chính thức bùng nổ.

Tháng 12/2018, hai nhà lãnh đạo Tập Cận Bình và Donald Trump có cuộc đối thoại ngắn trong hoạt động bên lề hội nghị G20 ở Argentina, thống nhất "thỏa thuận đình chiến" 90 ngày.

Trong chuyến thăm Mỹ cuối tháng 1/2019, ông Lưu Hạc chỉ mang chức danh Trưởng đoàn đàm phán kinh tế toàn diện Trung-Mỹ.

Nhưng đến chuyến thăm Mỹ mới nhất, bắt đầu từ ngày 21/2, ông này mang đầy đủ chức danh: Đặc phái viên của Chủ tịch Tập Cận Bình, Ủy viên Bộ chính trị, Phó Thủ tướng và Trưởng đoàn đàm phán kinh tế toàn diện Trung-Mỹ.

Chạy đua với thượng đỉnh Mỹ-Triều 2, ông Tập trao thân phận nặng ký cho thân tín sang Mỹ - Ảnh 1.

Ông Lưu Hạc trong chuyến thăm Mỹ. Ảnh: Reuters

Chức danh đặc phái viên có ý nghĩa gì?

Về các vấn đề như, chức danh đặc phái viên của Chủ tịch Tập Cận Bình đối với ông Lưu Hạc có ý nghĩa gì hay trong quá trình đàm phán tại Mỹ, ông này được ủy quyền đặc biệt nào, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đều không giải thích rõ.

Nhưng giới quan sát cho rằng, ông Lưu Hạc có quyền lực rất lớn trong chuyến thăm Mỹ lần này. Việc phái đoàn Mỹ vừa rời Trung Quốc được 6 ngày thì Bắc Kinh đã cử Lưu Hạc sang Washington cho thấy, nước này mong muốn đạt được thỏa thuận chung với Mỹ trước thời hạn chót 1/3.

Có ý kiến dự đoán, ngoài đàm phán, không loại trừ khả năng ông này sẽ đại diện nhà lãnh đạo Trung Quốc ký kết một số văn kiện quan trọng. Do đó, nếu lần này, ông Lưu có thể đại diện ông Tập ký kết thỏa thuận với Mỹ sẽ cho thấy chuyến thăm của ông đạt được bước tiến triển quan trọng.

Một số ý kiên khác cho rằng, với tư cách là đại diện ngoại giao, đặc phái viên của nguyên thủ quốc gia thường gánh vác thêm một sứ mệnh đặc biệt về chính trị hoặc nghi thức.

Theo báo tiếng Hoa Đa chiều, chuyến đi lần này của ông Lưu Hạc không mang nhiệm vụ nghi thức, nghi lễ, do đó chỉ có thể là sứ mệnh chính trị.

Trước đó, trong cuộc gặp gỡ với phái đoàn Mỹ vào ngày 15/2, nhà lãnh đạo Trung Quốc liên tục nhắc tới từ "hợp tác". Ông nhấn mạnh, "hợp tác là lựa chọn tốt nhất" nhưng cũng đồng thời chỉ ra rằng, "hợp tác là nguyên tắc".

Một số kênh truyền thông cho biết, trong cuộc đàm phàn lần này, Trung Quốc cho rằng, an ninh quốc gia sẽ bị đe dọa nếu đưa ra nhượng bộ rất lớn về lĩnh vực công nghệ cao cho nên yêu cầu của Washington đã bị Bắc Kinh từ chối và chỉ cam kết tăng cường nhập khẩu các sản phẩm của Mỹ, bao gồm chất bán dẫn để giảm thâm hụt thương mại.

Nhưng Nhà Trắng cho rằng, nếu Trung Quốc thu mua lượng lớn chất bán dẫn sẽ khiến các nhà sản xuất Mỹ phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc và giúp nước này hoàn thành kế hoạch "Made in China 2025".

Còn chưa đầy 10 ngày nữa sẽ đến thời điểm chót 1/3 và không còn nhiều thời gian cho cả hai đoàn đàm phán Trung-Mỹ. Giới phân tích dự đoán, do Bắc Kinh sẽ không nhượng bộ trước yêu cầu cải cách cơ cấu của Mỹ nên thỏa thuận đình chiến có khả năng tiếp tục kéo dài.

Tuy nhiên, theo Reuters, Trung Quốc và Mỹ đang xây dựng một dự thảo cam kết về các vấn đề nan giải trong tranh chấp thương mại. Nếu thông tin này chính xác, đây sẽ là bước tiến lớn nhất kể từ khi cuộc chiến thương mại bắt đầu và đây sẽ không phải là chuyến đi tay trắng của Lưu Hạc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại