Ngày 14/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng thông báo, Đặc phái viên của Chủ tịch Tập Cận Bình, Ủy viên Bộ chính trị trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc, Phó Thủ tướng Quốc vụ viện, Trưởng đại diện phái đoàn đối thoại kinh tế toàn diện Trung-Mỹ Lưu Hạc sẽ sang thăm Mỹ từ ngày 15-19/5.
Lịch trình này trùng khớp với thông tin Nhà Trắng công bố trước đó. Ngày 7/5, người phát ngôn Nhà Trắng Sarah Sanders cho biết: "Cố vấn kinh tế cấp cao, Phó Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc sẽ tới Mỹ và triển khai đối thoại với nhóm cố vấn kinh tế của Tổng thống [Donald Trump] vào tuần sau".
Dụng ý sâu xa của Bắc Kinh
Tuy nhiên, trước tiết lộ của Nhà Trắng, Bắc Kinh lại tỏ ra rất thận trọng. Trong cuộc họp báo ngày 8/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng chỉ phát biểu rằng: "Chúng tôi chú ý tới phát biểu của người phát ngôn Nhà Trắng. Chúng tôi tin rằng, phía Mỹ đã bày tỏ hy vọng đạt được đồng thuận chung với Trung Quốc về vấn đề kinh tế. Đây là một tín hiệu tích cực".
Theo giới phân tích, phát biểu của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho thấy, dù đã nắm bắt được thông tin từ phía Mỹ nhưng Bắc Kinh vẫn còn đang do dự.
Phái đoàn Mỹ sang Bắc Kinh hôm 3-4/5. Ảnh: Reuters
Ngày 5/9 trả lời về thông tin ông Lưu Hạc thăm Mỹ, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết: "Trung Quốc đã nhận được thư từ Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Terner Mnuchin, chính thức mời Đặc phái viên, Ủy viên Bộ chính trị trung ương ĐCSTQ, Phó Thủ tướng Quốc vụ viện, Trưởng đại diện phái đoàn đối thoại kinh tế toàn diện Mỹ-Trung Lưu Hạc sang thăm Mỹ để tiếp tục thảo luận các vấn đề kinh tế thương mại song phương. Trung Quốc đã nhận lời mời và đồng ý sang thăm Mỹ trong thời gian thích hợp, phái đoàn công tác hai bên vẫn đang giữ liên lạc chặt chẽ".
Cụm từ "thời gian thích hợp" cũng khiến giới quan sát đặt nghi ngờ về những thay đổi từ chuyến công du Mỹ của Lưu Hạc.
Điều này rất giống cách Bắc Kinh xử lý khi đoàn đại diện thương mại Mỹ sang thăm Trung Quốc hôm 3-4/5. Khi đó, Tổng thống Trump cho biết Nhà Trắng đã nhận lời mời từ Trung Quốc và ông sẽ cử phái đoàn đại diện sang Bắc Kinh đàm phán.
Nhưng Bộ Thương mại Trung Quốc cho hay, phía Trung Quốc đã nhận được thông tin "Mỹ mong muốn đến Bắc Kinh để thảo luận về vấn đề kinh tế thương mại, phía Trung Quốc rất hoan nghênh động thái này".
Phát biểu của Tổng thống Trump chứng tỏ Trung Quốc chủ động yêu cầu đàm phán nên đã gửi lời mời tới Nhà Trắng nhưng tuyên bố của Trung Quốc lại cho thấy điều ngược lại - Nhà Trắng chủ động yêu cầu tới Trung Nam Hải để đối thoại.
Có thể thấy, Washington và Bắc Kinh đều không chịu "chấp nhận ở chiếu dưới" trong các phát ngôn. Ngoài các phát biểu, Trung Quốc cũng tỏ rõ dụng ý về thân phận của Trưởng đại diện Lưu Hạc.
Đây là chuyến công du Mỹ lần 2 của ông Lưu Hạc trong năm nay, cũng là lần thứ 2 trong chưa đầy nửa tháng, Trung-Mỹ đàm phán thương mại sau lần đàm phán thứ nhất tại Bắc Kinh hôm 3-4/5.
Đặc biệt, thân phận của Lưu Hạc đã có những thay đổi khéo léo thông qua các thông báo của Bắc Kinh. Tháng 2, khi thông báo về chuyến công du Mỹ của ông Lưu Hạc, Bộ Ngoại giao Trung Quốc gọi ông là "Ủy viên Bộ chính trị trung ương ĐCSTQ và Chủ nhiện Văn phòng tài chính trung ương". Ngày 3-4/5, phái đoàn thương mại Mỹ tới Trung Quốc, Bắc Kinh xưng chức danh ông là "Ủy viên Bộ chính trị trung ương ĐCSTQ và Phó Thủ tướng Quốc vụ viện". Tới lần này, dù là Bộ Thương mại hay Bộ Ngoại giao đều nhắc tới ông là "Đặc phái viên Chủ tịch nước [Trung Quốc]" và "Trưởng đại diện phái đoàn đối thoại kinh tế toàn diện Trung-Mỹ".
Trong khi đó, Nhà Trắng "định nghĩa" thân phận ông Lưu là Cố vấn kinh tế cấp cao và Phó Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc.
Ngoại giao vốn không phải vấn đề tầm thường, đằng sau lối diễn đạt khác nhau là những dụng ý sâu xa.
Với thân phận "Đặc phái viên của Chủ tịch Tập Cận Bình" chứng tỏ, thông điệp ông truyền đạt tới Nhà Trắng chính là quan điểm của nhà lãnh đạo Trung Quốc; là người trực tiếp thi hành chính sách của ông Tập tiến hành đối thoại với Mỹ. Nếu trong chuyến công du này, có thể nhận được ý kiến của Tổng thống Trump thì ông Lưu Hạc sẽ trở thành cầu nối giữa hai nguyên thủ quốc gia.
Đồng thời, do lãnh đạo Trung-Mỹ có thể thể hiện lập trường thông qua các cuộc điện đàm và các cuộc tiếp xúc ngoại giao đa phương khác nên Đặc phái viên cũng có nhiệm vụ truyền đạt ý kiến của các bên. Đây là một "cơ chế" ngoại giao cấp cao.
Thân phận "Trưởng đại diện phái đoàn đối thoại kinh tế toàn diện Trung-Mỹ" của Lưu Hạc phát đi thông điệp, Bắc Kinh vẫn hy vọng Mỹ có thể tái khởi động đối thoại. Đây cũng là mục đích chuyến thăm Mỹ cuối tháng 2 vừa qua của ông Lưu Hạc.
Như vậy, trước các vấn đề của Mỹ như lập trường khác biệt, thay đổi nhân sự, thay đổi chính sách, Bắc Kinh đã chuẩn bị kỹ lưỡng nên sẽ không để vì các quan chức thuộc lĩnh vực kinh tế thương mại Mỹ bị điều chỉnh mà chính sách thương mại song phương thay đổi.
Việc ông Lưu Hạc gách vác nhiều thân phận sang thăm Mỹ mục đích thể hiện rằng, Bắc Kinh muốn thảo luận toàn diện với Mỹ về thương mại, bao gồm các vấn đề hai bên cùng quan tâm.
"Đa thân phận" của ông Lưu Hạc dường như cũng dự báo rằng, Trung-Mỹ lần này rất có khả năng sẽ đạt được nhiều thỏa hiệp và đồng thuận hơn, thậm chí kết quả có thể ngoài mong đợi.