Chạy đua quyền lực quân sự tại Bắc cực nhưng Nga, NATO lại "mơ hồ" về động cơ thực sự của đối phương?

Minh Đức |

Trang Business Insider đưa tin, Nga và các lực lượng NATO đang tăng cường hoạt động nhằm tìm cách gia tăng hiện diện tại Bắc cực.

Là khu vực được đánh giá sẽ trở thành một địa điểm "tranh giành giữa các cường quốc", Bắc cực đang trở nên dễ tiếp cận hơn do nhiệt độ tăng cao khiến các lớp băng giá tan chảy nhiều hơn. Tuy nhiên, gia tăng hoạt động quân sự cũng khiến mỗi bên nhìn nhau bằng con mắt e ngại.

Mặc dù khả năng xảy ra xung đột tại Bắc cực vẫn còn thấp, nguy cơ về một cuộc khủng hoảng có thể dẫn tới đụng độ vẫn tồn tại, do đó cả hai bên đều mong muốn có thể chiếm chiếm ưu thế nếu phải chiến đấu trong những điều kiện khắc nghiệt của Bắc cực.

Chạy đua quyền lực quân sự tại Bắc cực nhưng Nga, NATO lại mơ hồ về động cơ thực sự của đối phương? - Ảnh 1.

Một cuộc tập trận của Hạm đội Bắc tại Biển Barrent tháng 5/2019 (ảnh: TASS )

Hầu hết các hoạt động gần đây đều diễn ra ở khu vực Bắc cực châu Âu - nơi Nga và các thành viên NATO ở khá gần với nhau.

Cuối năm 2018, trong cuộc tập trận Trident Juncture, lần đầu tiên kể từ những năm 1990, một phi cơ chiến đấu Mỹ đã bay phía trên Vòng Bắc cực. Kể từ đó, các tàu Hải quân Mỹ nhiều lần hiện diện tại khu vực Bắc cực châu Âu – gần đây nhất là vào tháng 5 khi tàu chiến Mỹ lần đầu di chuyển tới Biển Barents trong vòng hơn 30 năm trở lại đây.

Học giả Mathieu Boulegue từ tổ chức tư vấn chính sách Chatham House nhận xét: "Trident Juncture nhằm chứng tỏ khả năng tiếp cận và hoạt động trong một môi trường có tiềm năng gây tranh cãi, cũng như nâng cao nhận thức về ưu thế hàng hải".

Máy bay ném bom Mỹ cũng liên tục xuất hiện tại Bắc cực vào cuối năm 2019 và nữa đầu năm 2020 trong các cuộc tập trận với đồng minh NATO.

"Bắc cực là một khu vực chủ chốt để chúng toi tiếp tục tìm hiểu cách vận hành, và đối với tôi đó là nơi chúng tôi hiểu cách hợp tác với các đối tác", Chỉ huy trưởng Không lực Mỹ tại châu Âu, Tướng Jeffrey Harrigian nói.

Nga đã triển khai các vũ khí hiện đại xung quanh khu vực Bắc cực châu Âu. Hạm đội Bắc hùng mạnh của nước này đóng tại Bán đảo Kola cũng được gia tăng cường độ hoạt động và mở rộng phạm vi cả trên không trung và trên biển.

Chạy đua quyền lực quân sự tại Bắc cực nhưng Nga, NATO lại mơ hồ về động cơ thực sự của đối phương? - Ảnh 2.

Máy bay F-22 của Không lực Mỹ ngăn chặn máy bay Tu-142 của Nga xâm nhập Khu vực Nhận dạng Phòng thủ trên không Alaska vào tháng 3/2019 (ảnh: NORAD)

Cuối năm 2019, 70 tàu chiến đã tham gia cuộc tập trận Khiên chắn Đại dương của Nga, diễn ra trên khắp Bắc cực và phía bắc châu Âu. Trong năm nay, các máy bay thuộc Hạm đội Bắc cũng không ít lần bay xa về phía nam hơn bình thường, bao gồm cả một chuyến bay tới tận Vịnh Biscay ngoài bờ biển Pháp.

Theo chủ tịch ủy ban quốc phòng Hạ viện Anh Tobias Ellwood, các chuyến bay trên chuyển tải một thông điệp. "Đây là một tuyên bố có chủ đích rằng, 'chúng tôi đang ngày càng lớn mạnh, đừng có đùa với chúng tôi".

Gần đây Hạm đội Bắc cũng đã bắt đầu cuộc tập trận lớn nhất trong năm. Phó Đô đốc Aleksander Moiseev, chỉ huy trưởng hạm đội tuyên bố, cuộc tập trận "mang tính chất phòng thủ và không trực tiếp chống lại ai". Thế nhưng ông cũng cảnh báo, "các lực lượng của chúng tôi đang lên kế hoạch cân nhắc cả tình hình quốc tế".

Ông Katrazyna Zysk, người đứng đầu một trung tâm về chính sách an ninh tại Viện Nghiên cứu Phòng thủ Na Uy chỉ ra, tập trận Anh-Mỹ tại Barents "không thể so sánh" được với quy mô và tính chất các cuộc tập trận gần đây của Nga. Phi cơ chiến đấu Nga từng mô phỏng các cuộc tấn công vào Na Uy trong khi các láng giềng của Nga cáo buộc bị Moscow can thiệp bằng hệ thống GPS. "Vẫn chưa biết rõ ý định phía sau những hành động như vậy", ông Zysk nói.

Chạy đua quyền lực quân sự tại Bắc cực nhưng Nga, NATO lại mơ hồ về động cơ thực sự của đối phương? - Ảnh 3.

Phi cơ chiến đấu Nga huấn luyện tại Bắc cực (ảnh: TASS)

"Áp lực quân sự-chính trị".

Phần phía bắc Bắc cực ở Thái Bình Dương nhìn chung ít căng thẳng hơn Bắc cực châu Âu. Đây cũng là nơi Mỹ và Nga hợp tác trên một số lĩnh vực khác nhau.

Tuy nhiên, giáo sư Alexey Muraview tại Đại học Curtain, Australia tiết lộ, Nga cũng tiến hành hoạt động hiện đại hóa ngay cả ở đây, như nâng cấp các đường băng và căn cứ, mở hoặc tái thiết các hạ tầng cơ sở ở các đảo lân cận…

"Họ đang xây dựng một hệ thống lá chắn radar và cả năng lực can thiệp, cho phép họ phát hiện và đánh chặn bất kỳ cuộc tấn công trên không bất ngờ nào", ông Muraviev nói.

Theo ông, mặc dù chưa có kế hoạch để các đơn vị quân đội quy mô đáng kể đóng tại vành đai Bắc cực, "điều người Nga làm là tập luyện rất nhiều, vì thế họ đã triển khai hải quân dọc theo Tuyến đường biển phía Bắc". Hạm đội Thái Bình Dương của Nga cũng lên kế hoạch dàn dựng một cuộc tập trận đổ bộ quy mô lớn tại Bắc cực vào cuối năm 2020.

Mang trong mình tâm lí đề phòng Nga, giới chức Mỹ đã coi Alaska như một điểm lợi thế quan trọng và một khu vực huấn luyện chủ chốt. Alaska cũng là nơi đặt hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo chiến lược và Không lực Mỹ đang tăng cường số lượng phi cơ F-35 tại đây.

Mặc dù vùng Viễn đông khá bình lặng, nhưng căng thẳng ở các nơi khác cũng ảnh hưởng ít nhiều tới hoạt động quân sự tại đây.

Trong nửa đầu năm 2020, máy bay chiến đấu Mỹ và Canada đã ít nhất 9 lần đối đầu với phi cơ Nga xâm nhập vào Khu vực Nhận dạng Phòng thủ trên không Alaska.

Ông Muraviev nhận xét, tỷ lệ máy bay Nga xâm nhập năm nay cao hơn so với các năm trước bởi đó là một phản ứng trước mối quan hệ Mỹ-Nga đang leo thang căng thẳng. Nó cũng thể hiện sự bất mãn của Moscow trước sự đổ vỡ của một loạt các hiệp định kiểm soát hạt nhân và một phần trước việc NATO gia tăng các chuyến bay quân sự xung quanh biển Baltic và biển Đen.

Đó là cách Moscow "thực hiện áp lực chính trị-quân sự", ông Muraviev đánh giá.

Chạy đua quyền lực quân sự tại Bắc cực nhưng Nga, NATO lại mơ hồ về động cơ thực sự của đối phương? - Ảnh 4.

Quân lính Mỹ tại một cuộc tập trận ở Deadhorse, Alaska vào tháng 3/2018 (ảnh: Không lực Mỹ)

Động cơ chưa rõ ràng

Có nhiều lí do giải thích cho việc Moscow muốn gia tăng sức mạnh quân sự tại Bắc cực. Nga có đường bờ biển Bắc cực dài nhất, với ¼ GDP toàn quốc đến từ khu vực này. Các lợi ích kinh tế của Nga trải dài khắp khu vực, đặc biệt là Tuyến đường biển phía Bắc. Moscow coi đây là một "hành lang" cho vận tải biển giữa Đại Tây Dương và Thái Bình Dương.

Theo bà Heather Conley, phó chủ tịch cấp cao phụ trách châu Âu, Âu Á và Bắc cực tại CSIS, cường độ tập trận của Nga đã "tăng mạnh" với những mục đích chưa được làm rõ.

"Có một sự thiếu minh bạch… Chúng tôi không hoàn toàn hiểu được lợi ích và dự định của Nga", bà Conley nói.

Về phần mình, Nga coi các hoạt động quân sự của NATO và những nỗ lực đối phó với Moscow là tín hiệu rằng họ đang "bị chèn ép về phía Alaska bởi Mỹ và về phía châu Âu bởi NATO", ông Mike Sfraga, một giám đốc tại tổ chức tư vấn Trung tâm Wilson nói.

"Nắm được những gì Mỹ và NATO có thể làm tại Bắc cực là mối quan tâm hàng đầu" của người Nga", ông Sfraga bổ sung. Theo ông, tăng cường năng lực quân sự và mở rộng hạ tầng cơ sở để đảm bảo các lợi ích kinh tế là "khá hợp lý", ông Sfraga nhận xét.

"[Tuy nhiên] câu hỏi của chúng tôi là cố gắng tìm ra được liệu có những động cơ khác không, như triển khai lực lượng, gây ảnh hưởng tới các khu vực bên ngoài biên giới quốc gia của họ và những điều tương tự", chuyên gia về nghiên cứu các vùng cực kết luận.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại