Câu chuyện thứ nhất: Lời nhắc nhở của thiền sư Ryokan
Có một thiền sư Nhật Bản nổi tiếng tên là Ryokan Taigu (1758–1831). Một hôm, ông nghe gia đình mình phàn nàn rằng cậu cháu trai của ông đang tiêu xài phung phí cho việc chơi gái lầu xanh. Vì thế, Ryokan quyết định đến thăm người cháu trai mà lâu rồi ông chưa có dịp gặp mặt.
Sau khi nghe tin tức về người cháu trai, thiền sư Ryokan quyết định đến thăm. (Ảnh minh họa: Internet)
Người cháu thấy ông tới thăm thì mời ông ngủ lại một tối. Suốt đêm đó, Ryokan chỉ ngồi thiền mà không nói gì. Sáng hôm sau, trước khi rời đi, Ryokan bảo người cháu: "Chắc là ta già rồi, tay ta run quá. Cháu có thể giúp ta buộc dây giày được không?"
Người cháu trai nghe thấy vậy, liền chạy tới giúp đỡ ông.
Ngay lúc đó, Ryokan mới cảm thán một câu, "Cảm ơn cháu, con người là thế đấy, mỗi ngày một già yếu hơn, vì vậy hãy chăm sóc tốt cho bản thân nhé".
Nói rồi, vị thiền sư rời đi, không nhắc nửa lời đến chuyện phong hoa tuyết nguyệt của người cháu cũng như những lời phàn nàn của gia đình về cậu ta. Thế nhưng, không ai hiểu tại sao, từ hôm đó trở đi, người cháu trai đã thật sự thay đổi, tu chí làm ăn và không còn chơi bời phóng đãng nữa.
Lời bàn: Một lời nói đúng lúc, đúng chỗ, tế nhị và vừa đủ còn có sức nặng gấp ngàn lần những lời nói thẳng thừng nhưng sáo rỗng và giáo điều. Hiểu rõ đối tượng để đưa ra lời khuyên, bạn sẽ dễ dàng nắm chắc phần thắng hơn.
Câu chuyện thứ 2: Hãy học cách sống như một dòng sông
Có một cậu thiếu niên theo học một võ sư nổi tiếng, nhưng luôn gặp khó khăn mỗi khi có sự xuất hiện của các bạn đồng môn. Một ngày, trong khi người thầy đang đứng quan sát các học trò tập luyện, ông đã nhận ra sự thất vọng của cậu học trò.
Khi có mặt các môn đồ khác, cậu học trò cảm thấy không thể tập trung vào việc luyện tập. (Ảnh minh họa: Internet)
Ông đi tới chỗ cậu học trò, vỗ nhẹ lên vai cậu ta, "Có chuyện gì thế?", vị võ sư cất lời.
"Em cũng không biết nữa, dù cố gắng thế nào thì em cũng không làm được đúng các động tác", cậu học trò trả lời.
"Trước khi thành thục kỹ thuật, em phải hiểu được sự hòa hợp. Hãy đi cùng ta nào", vị võ sư khẽ bảo.
Rồi ông dẫn cậu học trò rời khỏi võ đường, đi vào một khu rừng. Họ cứ đi cho đến khi gặp một dòng sông. Vị võ sư ngồi im lặng trên bờ sông vài phút, rồi cất lời: "Hãy nhìn dòng nước kia đi. Ở giữa lòng sông có vài tảng đá lớn.
Thế nhưng, dòng nước có đâm sầm vào chúng một cách đầy thất vọng không? Không. Nó chỉ đơn giản là chảy vòng qua chúng mà thôi. Hãy giống như dòng nước ấy, em sẽ hiểu được thế nào là sự hòa hợp".
Cậu học trò ngẫm nghĩ lời của thầy, và từ đó trở đi, mỗi khi tập luyện, cậu dường như quên mất sự hiện diện của những người bạn đồng môn khác, và chẳng còn gì có thể cản trở cậu trên con đường trau dồi kỹ năng võ thuật của mình nữa.
Lời bàn: Chấp nhận sự tồn tại của người khác và hòa hợp với họ sẽ giúp mỗi cá nhân vượt qua trở ngại trong cuộc sống để đạt được thành công.
Câu chuyện thứ 3: Ngày mưa, ngày nắng
Ngày xưa có một người phụ nữ lúc nào cũng thích than vãn. Cô con gái lớn của bà ta kết hôn với một người buôn ô, trong khi cô con gái út thì lại lấy một người bán mỳ.
Vào những hôm trời nắng, bà ta sẽ than thở rằng: "Trời ơi, thời tiết đẹp và nắng ráo thế này thì ai cần mua ô chứ? Nếu cửa hàng chẳng bán được chiếc nào thì sao?" Sự lo lắng dành cho cô con gái cả khiến bà luôn sầu não.
Thế nhưng, đến khi trời mưa, bà cũng chẳng khá hơn là bao, vì lại lo cho cô con gái út: "Ôi không, mưa thế này thì con bé làm sao mà phơi khô mỳ được chứ? Chúng nó sẽ chẳng có mỳ mà bán. Phải làm sao đây?"
Người phụ nữ luôn buồn bã cả khi trời mưa lẫn trời nắng. (Ảnh minh họa: Internet)
Kết quả là, dù trời nắng hay mưa, người phụ nữ vẫn luôn sống trong tâm trạng ủ dột, hàng xóm cũng không cách nào khuyên nhủ được.
Một hôm, bà ta gặp được một nhà sư. Nhà sư rất tò mò khi thấy tâm trạng buồn bã của bà nên hỏi chuyện. Nghe xong, nhà sư mỉm cười và bảo bà rằng: "Bà đừng lo lắng nhé, tôi sẽ chỉ cho bà cách để luôn thấy vui vẻ".
Người phụ nữ nghe xong rất phấn khích, liền bảo nhà sư hãy mau mau nói ra.
Nhà sư đáp rằng: "Đơn giản thôi, bà chỉ cần thay đổi cách nhìn nhận của mình. Vào những ngày nắng, đừng nghĩ tới việc con gái cả của bà không bán được ô, mà hãy nghĩ đến việc con gái út của bà sẽ phơi khô được mỳ và hẳn sẽ bán được nhiều tiền.
Còn vào những ngày mưa, hãy nghĩ đến việc làm ăn tấp nập ở cửa hàng bán ô của người con gái cả, chỉ như thế thôi".
Và từ đó, người phụ nữ đã biết tập trung vào những điều tích cực trong cuộc sống, luôn biết mỉm cười, và không ai còn gọi bà là người phụ nữ hay than phiền nữa.
Lời bàn: Những vấn đề trong cuộc sống không vì bạn buồn phiền mà biến mất, nhưng bằng cách thay đổi thái độ và sự nhìn nhận, bạn sẽ thấy cuộc sống của mình thay đổi.
Theo Buddha Stories