Châu Âu "nảy lửa" tranh cãi vì Nga: Bên muốn "chủ hòa", bên kiên quyết "chủ chiến"

Quốc Vinh |

Trong khi Pháp, Đức đang dẫn đầu các nỗ lực hàn gắn quan hệ với Nga thì ngược lại, phe phản đối trong EU vẫn muốn cách tiếp cận của khối phải là "đối đầu".

Những nỗ lực của Pháp và Đức nhằm chấm dứt xung đột ở miền Đông Ukraine có nguy cơ chia rẽ nội bộ Liên minh châu Âu (EU) về cách tiếp cận mới với Nga và điều này có thể làm phức tạp các nỗ lực hòa bình, theo VOA.

Tiến trình đàm phán giữa các đặc phái viên Nga và Ukraine mới đây đã mở ra hy vọng về một hội nghị thượng đỉnh quốc tế đầu tiên trong ba năm nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng Ukraine.

Tuy nhiên, điều này đã gây ra những phản ứng trái chiều bên trong Liên minh châu Âu.

Trong khi một số quốc gia EU hoan nghênh hội nghị thượng đỉnh có sự tham gia của Pháp, Đức, Ukraine và Nga, thì một số quốc gia khác dường như không hài lòng khi Moscow sắp được dỡ bỏ một phần lệnh trừng phạt kể từ sau sự kiện sáp nhập Crimea năm 2014.

Dẫn đầu trong các nỗ lực hàn gắn với Điện Kremlin trong những tháng gần đây là Paris. Các bình luận mới liên quan đến Moscow của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang khiến một số quốc gia trong khối lo ngại.

Họ cho rằng, điều này đồng nghĩa với việc EU đang muốn thay đổi chính sách đối ngoại mang tính "đối đầu" với Nga và từ chối bất kỳ sự thay đổi nào tương tự như vậy.

"Có phải chúng ta đang thưởng cho Nga vì họ đã không làm bất cứ điều gì kỳ cục trong vài tháng qua?", một nhà ngoại giao EU đặt câu hỏi.

Sự căng thẳng liên quan đến Nga đang là trọng tâm gây ra chia rẽ khối này - với một nhóm các nước do Pháp dẫn đầu, tương đối thân thiện với Nga và một bên là các nước Baltic, Ba Lan và Romania, có thái độ không thân thiện với Moscow.

Các nhà ngoại giao EU của phe "phản đối" vẫn hy vọng các nhà lãnh đạo của khối sẽ gia hạn các biện pháp trừng phạt đối với các lĩnh vực năng lượng, tài chính và quốc phòng của Nga thêm sáu tháng nữa tại hội nghị thượng đỉnh thường kỳ vào tháng 12.

Tuy nhiên, Tổng thống Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel nói rằng sẽ không có biện pháp trừng phạt nào cho đến khi Nga thực hiện thỏa thuận hòa bình cho Ukraine. Cả hai nước đều coi các biện pháp trừng phạt là cản trở quan hệ tốt hơn với Moscow.

Động thái mới từ châu Âu

Châu Âu nảy lửa tranh cãi vì Nga: Bên muốn chủ hòa, bên kiên quyết chủ chiến - Ảnh 1.
Châu Âu nảy lửa tranh cãi vì Nga: Bên muốn chủ hòa, bên kiên quyết chủ chiến - Ảnh 2.
Châu Âu nảy lửa tranh cãi vì Nga: Bên muốn chủ hòa, bên kiên quyết chủ chiến - Ảnh 3.

EU chia rẽ trước cách tiếp cận mới với Moscow.

Sau khi Đức giao lại vai trò đối ngoại của khối cho Pháp, Tổng thống Macron đã bất ngờ khởi động lại nỗ lực xây dựng mối quan hệ tốt hơn với Nga vào tháng 7.

Trong tháng 9, Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại trưởng của Pháp cũng có chuyến thăm tới Moscow, chấm dứt 4 năm đóng băng các chuyến thăm ngoại giao cấp cao giữa hai nước. Trong khi đó, ông Macron cũng đang tìm cách đưa Moscow trở lại thế giới của các quốc gia công nghiệp hàng đầu.

Vào tháng 8, nhà lãnh đạo Pháp từng nói rằng, xa lánh Nga là "một sai lầm chiến lược sâu sắc". Ông nhấn mạnh sự giúp đỡ của Moscow để giải quyết các cuộc khủng hoảng khó khăn nhất thế giới , từ Syria đến Triều Tiên.

"Địa lý, lịch sử và văn hóa của Nga về cơ bản là châu Âu", ông Macron nói trong một bài phát biểu trước Hội đồng châu Âu.

Thủ tướng Bỉ Charles Michel thừa nhận với các nhà ngoại giao EU vào tháng trước rằng, trong khi Nga là mối đe dọa an ninh, thì "họ vẫn là hàng xóm và chúng ta phải chấp nhận với thực tế này".

Trong một bức thư gửi các nhà ngoại giao EU vào tháng trước, đại sứ của EU tại Moscow cũng kêu gọi một cách tiếp cận "thực tế" đối với Nga.

Phản ứng

Các nhà ngoại giao EU từ các quốc gia phía Đông, vùng Baltic và Bắc Âu cho biết, họ cảm thấy bối rối trước cách tiếp cận của Tổng thống Macron, đặt câu hỏi về việc điều gì đã thay đổi ở Nga để quốc gia này "xứng đáng" được bình thường hóa quan hệ với châu Âu.

Nga và Ukraine đã có hoạt động trao đổi tù nhân vào tháng 9 vừa qua, trong những gì được coi là dấu hiệu đầu tiên của sự cải thiện trong quan hệ. Tuy nhiên, Tổng thống Putin chưa bao giờ có ý định nào cho thấy ông sẽ đưa Crimea trở lại.

NATO cũng liên tục cáo buộc Nga gây bất ổn cho phương Tây bằng vũ khí hạt nhân mới, rút ​​khỏi các hiệp ước kiểm soát vũ khí, tấn công mạng và các hoạt động trong bí mật khác.

Năm ngoái, các Chính phủ phương Tây bao gồm Pháp đã trục xuất một số lượng lớn các nhà ngoại giao Nga nhằm đáp trả vụ việc một cựu điệp viên Nga ở Anh bị đầu độc. Trong đó, các nhà lãnh đạo EU đổ lỗi cho Moscow mà không đưa ra được bằng chứng. Điện Kremlin cũng lên tiếng bác bỏ mọi liên quan.

Mặc dù vậy, vẫn có những hy vọng về động thái của Tổng thống Macron sẽ giúp quan hệ EU và Nga trở nên sáng sủa hơn.

Lời đề nghị của ông Macron dành cho ông Putin dựa trên khuôn khổ hợp tác về 5 vấn đề: Chia sẻ chuyên môn và tình báo; xây dựng một cơ chế để xoa dịu căng thẳng EU-Nga; kiểm soát vũ khí ở châu Âu; nâng cao giá trị châu Âu; hợp tác trong giải quyết các cuộc khủng hoảng quốc tế.

Chiến lược 5 điểm của Liên minh Châu Âu trong việc xây dựng quan hệ với Nga được cho là các cam kết có chọn lọc. Nhiều nhà ngoại giao EU cho rằng đó là cách tốt nhất để tìm kiếm sự hợp tác của Nga trong các vấn đề ít xung đột như biến đổi khí hậu, nhằm xây dựng lại niềm tin một cách từ từ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại