Chính phủ các nước châu Âu đã phải chi khoản tiền lớn để hỗ trợ người lao động trong thời gian áp dụng các lệnh hạn chế, nhằm ngăn chặn dịch Covid-19. Tuy nhiên, gánh nặng về mặt tài chính dường như lại là một điều gì đó xứng đáng.
Theo số liệu từ các nền kinh tế lớn nhất khu vực, hơn 40 triệu người lao động đã phải nghỉ việc trong thời gian phong toả, số này đều được nhận một phần tiền lương nhờ nhà nước chi trả. Nếu không có hỗ trợ của chính phủ, nhiều người có thể đã mất việc và khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt lên mức chưa từng chứng kiến.
Bloomberg Economics ước tính, nếu toàn bộ người lao động có nguy cơ thất nghiệp, thì tỷ lệ thất nghiệp ở các nước Đức, Pháp, Italy, Tây Ban Nha – 4 nền kinh tế lớn nhất khu vực đồng euro, có thể tăng vọt lên mức 42% trong thời gian áp dụng lệnh phong toả. Đây sẽ là cú sốc lớn đối với nền kinh tế khu vực đồng euro – nơi thị trường lao động mới chỉ hồi phục chậm chạp sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và khủng hoảng nợ công trong khu vực.
Nhằm ngăn chặn diễn biến tồi tệ đó lặp lại, chính phủ các nước châu Âu đã đưa ra những biện pháp hỗ trợ. Theo ước tính, mức chi tiêu cho chương trình trợ cấp người lao động sẽ lên tới khoảng 100 tỷ euro (110 tỷ USD) từ tháng 3 đến tháng 5 tại các nền kinh tế lớn nhất.
Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ lại tồi tệ hơn nhiều. Số lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại nền kinh tế lớn thứ nhất vẫn là một trong những chỉ báo được theo dõi sát sao nhất trên thế giới. Số người mất việc trong tháng 4 được dự báo sẽ đạt mức 21 triệu, cao gấp 26 lần so với con số tồi tệ nhất trong cuộc khủng hoảng tài chính.
Dẫu vậy, thị trường lao động châu Âu cũng không có dấu hiệu khả quan hơn. Tại Đức, số lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp đã tăng lên mức kỷ lục 373.000 vào tháng trước.
Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại Đức tăng vọt trong tháng 4.
Hồi tháng 3, McKinsey ước tính rằng ngay cả với một kịch bản lạc quan hơn, thì tỷ lệ thất nghiệp tại 27 nước châu Âu sẽ tăng lên 7,6% từ mức 6,5% trong tháng 2 – trước khi lệnh hạn chế được áp dụng. Còn ở kịch bản ảm đạm hơn, khi các biện pháp cách ly và giãn cách xã hội được kéo dài suốt mùa hè, thì tỷ lệ thất nghiệp sẽ lên mức cao nhất là 11% và không quay trở lại mức của 2019 cho đến năm 2024.
Hiện tại, chính phủ các nước châu Âu đang bắt đầu nới lỏng lệnh hạn chế, dần đưa cuộc sống trở lại bình thường, các trường học mở cửa lại, một số nhà hàng được phép hoạt động khi tuân thủ một số quy tắc nhất định. Dẫu vậy, đây sẽ là một quá trình diễn ra chậm chạp và nhiều doanh nghiệp sẽ không hoạt động với toàn bộ công suất trong vài tháng. Điều đó có nghĩa là thị trường việc làm vẫn gặp rủi ro và có thể một số vị trí sẽ "biến mất" hoàn toàn.
Theo Sarah Hewin, kinh tế gia trưởng tại Standard Chartered chi nhánh London, tỷ lệ thất nghiệp "đang tăng lên mức cao nhất mà chúng ta chưa từng chứng kiến kể từ sau cuộc Đại Khủng hoảng." Bà cho biết thêm: "Tỷ lệ thất nghiệp sẽ giảm khi lệnh phong toả kết thúc, nhưng nhiều khả năng con số trên toàn châu Âu vẫn ở mức cao trong một thời gian."