Châu Âu đối mặt nguy cơ khủng hoảng di cư mới sau xung đột Nga - Ukraine

Công Thuận |

Các chuyên gia di cư cảnh báo rằng sự nhiệt tình đón nhận người Ukraine sơ tán của EU có thể chỉ tồn tại một thời gian nhất định, trong khi một làn sóng người tị nạn tràn vào châu Âu có thể dẫn đến cuộc khủng hoảng tiếp theo.

Châu Âu đối mặt nguy cơ khủng hoảng di cư mới sau xung đột Nga - Ukraine - Ảnh 1.

Những người Ukraine sơ tán sang các nước láng giềng châu Âu sau khi xung đột với Nga nổ ra. Ảnh: Morningconsult.com

Số lượng ngày càng tăng người nhập cư bất hợp pháp vào châu Âu năm 2022 đang gợi nhớ đến năm 2016. Vào thời điểm đó, EU đã trải qua cuộc khủng hoảng người tị nạn tồi tệ nhất trong lịch sử do cuộc nội chiến ở Syria. Và giờ đây, trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine, số  người nhập cư bất hợp pháp vào châu Âu đã đạt đỉnh trong nửa đầu năm 2022. Tính đến tháng 7/2022, hơn 155.000 người đã nhập cư trái phép vào châu Âu, tăng 86% so với cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu từ Cơ quan Biên phòng EU (Frontex).

Con đường phổ biến nhất của những người nhập cư bất hợp pháp là dọc theo tuyến đường Balkan vào châu Âu. Vào tháng 7, khoảng 15.000 người nhập cư bất hợp pháp đã bị bắt tại đây, gần gấp ba con số so với cùng thời điểm năm ngoái. Bên cạnh đó, số người tìm cách đến Địa Trung Hải đã tăng đột biến chưa từng có, với hơn 42.500 người, tăng 44% so với cùng kỳ năm ngoái.

Sự gia tăng số lượng người nhập cư bất hợp pháp một mặt là do cuộc khủng hoảng kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra, mặt khác là do các cuộc xung đột trong khu vực. Hầu hết những người di cư bất hợp pháp dọc theo tuyến đường Balkan đến từ Syria và Afghanistan, nơi trước đây đã có xung đột trong nhiều năm. Ở các nước châu Á và châu Phi, sự lan rộng của chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo và các vấn đề kinh tế đang buộc hàng nghìn người phải rời bỏ nhà cửa của họ.

Đến nay, nhiều quốc gia châu Âu bắt đầu cảm nhận được ảnh hưởng nặng nề của cuộc xung đột Nga - Ukraine. Cuộc khủng hoảng lương thực và năng lượng buộc nhiều người phải rời bỏ quê hương. Vào tháng 7, Ủy viên Nội bộ EU Ilva Johnson cho biết cuộc khủng hoảng lương thực và giá năng lượng tăng "có thể dẫn đến cảm giác bất an hơn, đặc biệt ở các quốc gia bất ổn, cùng với đó là sự nổi lên của các nhóm khủng bố hoặc tội phạm có tổ chức. Điều đó có nghĩa là mọi người cảm thấy rằng không an toàn khi ở chính ngôi nhà của họ và buộc phải rời đi".

Số liệu do Frontex cung cấp trên chỉ dựa trên số lượng người di cư nhập cảnh bất hợp pháp, vì vậy không bao gồm số lượng người sơ tán Ukraine được các nước châu Âu chấp nhận. Trong cuộc xung đột Nga - Ukraine, việc xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine trong vài tháng đầu đã bị phong tỏa, gây ra cuộc khủng hoảng lương thực. Đồng thời, xung đột cũng khiến giá các mặt hàng thiết yếu hàng ngày tăng cao, gián tiếp khiến hầu hết các quốc gia trên thế giới rơi vào tình trạng lạm phát.

"Nếu các vấn đề trên không được cải thiện, dòng di cư có thể sẽ gia tăng hơn nữa trong tương lai", chuyên gia Werther Nowotny thuộc Trung tâm Nghiên cứu châu Âu về Di cư, Tiếp nhận Người tị nạn và Kiểm soát Biên giới Wilfried Martens nhận định, giải thích rằng các vấn đề xã hội có xu hướng tác động chậm đến hiện tượng nhập cư. Ví dụ, Taliban nắm quyền ở Afghanistan vào cuối tháng 8 năm 2021, nhưng số lượng người tìm cách vượt biên ở Afghanistan đến giờ mới đang tăng lên.

Trong khi người di cư từ khắp nơi trên thế giới đến châu Âu để tìm kiếm hòa bình, nhân quyền và cơ hội tốt hơn, thì người châu Âu lại đang lo ngại về một mùa Đông khắc nghiệt giữa cuộc khủng hoảng năng lượng. Từ việc tăng giá năng lượng đến lo ngại về việc phân bổ năng lượng, châu Âu đang phải chuẩn bị cho những tháng khó khăn sắp tới. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu vẫn không ngăn được dòng người di cư, có lẽ vì những người di cư ít hiểu biết về những gì đang diễn ra ở châu Âu, hoặc vì cuộc khủng hoảng ở quốc gia xuất xứ của họ tồi tệ hơn ở châu Âu.

Kamil Lekoz, nhà phân tích cấp cao của Viện Chính sách Di cư, cũng cho rằng xung đột Nga - Ukraine thực sự khiến nhiều quốc gia trở nên "mong manh" hơn. Ví dụ, các nước Bắc Phi phụ thuộc nhiều vào Ukraine và Nga về nhập khẩu lúa mì, và cuộc xung đột Nga - Ukraine đã có tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế của những nước này trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đã giáng một đòn chí mạng vào nền kinh tế và xã hội Bắc Phi.

Bà Lekoz lưu ý, ngoài lạm phát hoặc khủng hoảng năng lượng, dòng người di cư cũng có thể liên quan đến các yếu tố khác, chẳng hạn như thiếu cơ hội việc làm, bất ổn trong nước, biến đổi khí hậu và tác động của bạo lực leo thang. "Bên cạnh đó, nhiều người nhập cư có người thân hoặc người quen đã chuyển đến châu Âu từ nhiều năm trước. Những người này có thể chia sẻ kinh nghiệm với những người mới đến và đôi khi thậm chí trả tiền cho họ hoặc giúp kiếm việc làm, đó là một trong những lý do khiến châu Âu tiếp tục thu hút người nhập cư", bà Lekoz nhấn mạnh.

Sau khi nêu lý do gia tăng số lượng người nhập cư bất hợp pháp ở châu Âu, bà Lekoz cũng phân tích tác động tiềm tàng của hiện tượng này. "Sự xuất hiện của những người xin tị nạn và người di cư cũng đã làm căng thẳng nguồn nhà ở vốn đã khan hiếm ở nhiều quốc gia, chẳng hạn như Pháp, Bỉ và Hà Lan", chuyên gia Lekoz nói, cảnh báo rằng "tình hình đã trở nên khó khăn hơn vì nhiều khu nhà trống đã được sử dụng cho những người sơ tán Ukraine".

Theo bà Lekoz, hiện nay châu Âu rất lo lắng về tác động của cuộc xung đột Nga - Ukraine đối với vấn đề di cư. Kể từ tháng 2, EU đã nhiệt tình chào đón những người sơ tán Ukraine và bày tỏ sự ủng hộ đối với quyết định tiếp nhận họ. "Tuy nhiên, chúng ta đều biết rằng theo thời gian, sự nhiệt tình và đoàn kết ban đầu sẽ dần tiêu tan và nhận thức về vấn đề người sơ tán, tị nạn sẽ thay đổi", bà Lekoz kết luận, đồng thời nhắc nhở rằng các nước châu Âu nên cẩn thận để không trở thành "vật tế thần cho cuộc khủng hoảng kinh tế".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại