Hồi tháng 8/2018, một bé trai người Nhật đã chào đời ở tuần thứ 24 với cân nặng 268 gram. Mẹ của cậu bé đã phải sinh mổ khẩn cấp vì thai ngừng phát triển trong bụng mẹ.
Những hình ảnh đầu tiên sau vài ngày được sinh ra cho thấy cậu bé này đỏ hỏn, nhỏ xíu, đến mức có thể nằm gọn trong một bàn tay khum lại của người lớn.
Sau nửa năm được chăm sóc tại Bệnh viện Đại học Keio, Tokyo, tháng 2/2019, cậu bé này đã khoẻ mạnh và được xuất viện về nhà.
Cậu bé rất nhỏ, chỉ nặng hơn một khối bơ thực vật khi chào đời (Ảnh: Getty)
Khi xuất viện, cậu bé nặng 7lbs (khoảng 3,2kg), nhiều người bất ngờ vì cậu bé nhìn rất kháu khỉnh, đáng yêu, khoẻ mạnh, có thể ăn uống như một đứa trẻ bình thường, khác hoàn toàn với hình ảnh bé xíu, đỏ hỏn nằm trong lồng kính với dây dợ đầy mình.
Mẹ của cậu bé không giấu được sự xúc động và chia sẻ: "Tôi chỉ có thể nói rằng tôi rất vui vì con mình đã phát triển như vậy. Bởi vì thành thật mà nói, tôi không chắc con mình có thể sống sót".
Bác sĩ Takeshi Arimitsu, người điều trị cho cậu bé này cũng cho biết, ông muốn nói với tất cả mọi người rằng, dù trẻ sinh non chào đời rất nhỏ bé nhưng chúng vẫn có khả năng được xuất viện trong tình trạng sức khoẻ tốt.
Sau 6 tháng ở bệnh viện, cậu bé đã nặng 7lbs (khoảng 3,2kg), có thể ăn uống bình thường, sức khoẻ tốt và được xuất viện về nhà. (Ảnh: Getty)
Thời điểm ấy, bé trai này là cậu bé nhỏ nhất thế giới được sinh ra và sống sót. (Ảnh: AFP)
Thời điểm đó, đại diện Bệnh viện Đại học Keio cho biết cậu bé này đang giữ kỷ lục cậu bé sơ sinh nhỏ nhất được xuất viện trong tình trạng sức khoẻ tốt.
Sau này kỷ lục đã được phá vỡ bởi một cậu bé người Nhật khác tên Ryusuke Sekino, chào đời nặng 258 gram và cũng xuất viện khoẻ mạnh sau nửa năm.
Còn kỷ lục về cô bé nhỏ nhất còn sống sót là một bé gái sinh ra ở Đức vào năm 2015 và nặng 252 gram.
Đại diện Bệnh viện Keio chia sẻ thêm, tỷ lệ sống sót của những đứa trẻ nhỏ nhất giới tính nam thấp hơn đáng kể so với trẻ nhỏ nhất giới tính nữ.
Các chuyên gia vẫn chưa hoàn toàn chắc chắn về nguyên nhân tại sao lại như vậy. Có một số gợi ý cho rằng điều này có thể liên quan một phần đến sự phát triển chậm của phổi ở trẻ sơ sinh nam.
Theo Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), Nhật Bản cũng là một quốc gia có tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh thấp nhất thế giới.