Chiều 21/5, tại buổi giao ban báo chí của Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, Chánh văn phòng kiêm Người phát ngôn UBND TP Hà Nội Phạm Quí Tiên đã trao đổi về các thông tin liên quan đến vụ việc của Công ty Nhật Cường Mobile.
Theo ông Tiên, ngày 9/5, qua các phương tiện báo chí, UBND TP được biết, cơ quan CSĐT (C03) Bộ Công an đã tổ chức khám xét nhà riêng lãnh đạo và các cửa hàng của Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường.
Các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh đây là vụ án buôn lậu và Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng tại công ty Nhật Cường.
Ông Tiên nói thêm, sau đó, một số cơ quan báo chí đăng tải các bài viết, thông tin quan tâm đến việc công ty Nhật Cường được thực hiện nhiều dự án với TP Hà Nội, lo lắng ảnh hưởng đến một số hoạt động của TP.
"Trong đó, cũng có một số thông tin chưa chính xác, khách quan, đầy đủ. Điều này, dẫn đến bạn đọc, nhân dân hiểu chưa đúng bản chất vấn đề, ảnh hưởng không tốt cho sự lãnh đạo chỉ đạo, điều hành của TP", ông Tiên nói.
Người phát ngôn của UBND TP Hà Nội cũng thông tin thêm, hiện nay, hệ thống công nghệ thông tin, dịch vụ của TP đang hoạt động bình thường.
Bên cạnh đó, thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP, các cơ quan chức năng của TP đang thực hiện rà soát tất cả các dự án liên quan đến công nghệ thông tin của TP do nhiều đơn vị triển khai thực hiện, trong đó, có Nhật Cường, đảm bảo thực hiện đúng theo quy định.
Về thông tin không chính xác, ông Tiên cho biết thêm, ngày 10/5, UBND TP đã có công văn gửi Ban Tuyên giáo TƯ kiến nghị chỉ đạo các cơ quan báo chí thông tin chính xác theo thông tin của cơ quan điều tra Bộ Công an, tránh suy diễn để dư luận hiểu sai về các dự án công nghệ thông tin của TP Hà Nội.
"Hiện vụ án đang được cơ quan điều tra theo Luật định. Chúng tôi đề nghị các cơ quan báo chí chờ kết luận chính thức của cơ quan điều tra thông tin chính xác về vụ việc, đưa tin theo cơ quan chức năng có thẩm quyền", ông Tiên nêu rõ.
Tại cuộc họp báo, phóng viên nêu nhiều câu hỏi như: Thông tin nào là thông tin không chính xác, khách quan? Thành phố có kế hoạch yêu cầu Nhật Cường chuyển giao phần mềm dịch vụ công cho chính quyền quản lý hay không? Ai chịu trách nhiệm nếu thông tin cá nhân của người dân thủ đô bị rò rỉ? Thành phố đã bao giờ kiểm tra Nhật Cường chưa?...
Tuy nhiên, ông Tiên không trả lời cụ thể mà cho rằng, hiện nay, vụ việc đang được cơ quan CSĐT Bộ Công an thực hiện điều tra, do đó, báo chí cần bám sát kết quả điều tra của công an.
Ông Tiên khẳng định, hiện các phần mềm dịch vụ công của TP đang hoạt động bình thường. "Tất cả các giải pháp phải có tính toán đảm bảo vận hành bình thường cho nhân dân", ông Tiên nêu.
Về việc bảo mật thông tin các phần mềm của TP Hà Nội, Người phát ngôn UBND TP Hà Nội cho biết thêm, đều được đảm bảo thực hiện theo các quy trình, giải pháp bảo mật được Chính phủ quy định.
Ngày 14/5, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, khám xét với Bùi Quang Huy, Tổng giám đốc Công ty Nhật Cường cùng 8 người về tội Buôn lậu theo khoản 4 điều 188 Bộ luật Hình sự 2015 và tội Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, theo điều 221 Bộ luật Hình sự 2015.
Lệnh bắt tạm giam được phê chuẩn nhưng ông chủ Nhật Cường đã bỏ trốn và đang bị truy nã.
Nhật Cường Mobile là thương hiệu thuộc sở hữu của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường. Hệ thống có 9 cửa hàng bán lẻ, một trung tâm bảo hành tại Hà Nội và một trung tâm ERP tại TP HCM.
Theo thông tin đăng ký doanh nghiệp, Nhật Cường có vốn điều lệ 38 tỷ đồng, ông Bùi Quang Huy cũng là người đại diện pháp luật của Công ty TNHH giải pháp phần mềm Nhật Cường (Nhật Cường Software), đối tác triển khai nhiều dịch vụ công của Hà Nội.