Chàng trai Việt giả ăn xin ở Nepal: "Khi đặt nhu cầu hưởng thụ xuống thấp, cuộc sống sẽ đơn giản và dễ chịu hơn"

Quỳnh Trân |

"Tôi từng có 1 gia đình, sau đó chúng tôi ly hôn, con tôi theo mẹ ra nước ngoài sống với gia đình mới và hạnh phúc. Nếu cuộc đời là một chuyến du ngoạn dài thì sẽ có hơn một lần chúng ta phải dừng chân ở miền đất có tên là mất mát...", anh Ngọc Quỳnh chia sẻ.

Ngày 30/8, một chàng trai Hà Nội đã đóng giả ăn xin để làm một thử nghiệm xã hội tuyệt vời về phản ứng của người dân, du khách tại Nepal với người nghèo khó.

Thử nghiệm này được anh thực hiện tại Kathmandu, Nepal. Anh ngồi cạnh những người ăn xin đấy, để dưới chân mình một chiếc mũ, một mảnh giấy với nội dung: "Tôi vui. Hãy lấy nếu bạn buồn, hãy cho nếu bạn vui".

Trong chiếc mũ của anh đã có sẵn 15 tờ 5 rubi (khoảng 15.000VNĐ) để ai đó lấy nếu họ buồn. Điều bất ngờ ở đây là không một ai lấy tiền trong mũ anh.

Và thậm chí nhiều người còn thả tiền vào bên trong. Phải chăng người Nepal không biết buồn?

Chàng trai Việt giả ăn xin ở Nepal: Khi đặt nhu cầu hưởng thụ xuống thấp, cuộc sống sẽ đơn giản và dễ chịu hơn - Ảnh 1.

Số tiền mà anh nhận được sau khi "đóng giả" ăn xin được phân phát phần lớn cho những người ăn xin khác trong khu vực, anh giữ lại một phần nhỏ mua đồ lưu niệm để ghi lại kỉ niệm đóng giả ăn xin của mình.

Sau thử nghiệm đó, anh lại tiếp tục lên đường khám phá những vùng đất khác ở Nepal. Tôi đã có nhiều dịp được trò chuyện cùng anh Quỳnh qua facebook.

Và hôm nay, sau những ngày lang thang phóng xe máy dọc dãy Himalayas dưới chân núi Annapurna, anh thuê một phòng trọ ở Pokhara, Nepal, và chia sẻ với tôi nhiều hơn về những cuộc hành trình trong đời mình, về mất mát và cả những điều tuyệt vời mà cuộc sống đã mang lại cho anh.

Nguyễn Ngọc Quỳnh sinh năm 1985 tại Hà Nội. Anh rời Học viện Kỹ thuật Quân sự vào năm thứ 4. Từ những năm còn ngồi trên ghế giảng đường, anh liên tục đạt các giải cao tại Hội thi Tin học trẻ Quốc gia.

Cùng với những người bạn của mình, anh tạo 2 sản phẩm được tham dự chung kết quốc tế ImagineCup tại Brazil năm 2003 và tại Nhật năm 2004.

Anh nhận giải thuởng Nhân tài đất Việt năm 2005, giải Trí Tuệ Việt Nam năm 2002, 2004 và 2007.

Ngọc Quỳnh từng start-up 3 công ty về IT rồi phá sản, làm chuyên gia công nghệ tại VCcorp vào năm 2007, dạy học tại NIIT năm 2009, làm trưởng phòng nội dung FPT mobile năm 2010 và đến năm 2012, anh từ bỏ các công ty để làm IT tự do.

Anh đã du lịch bụi đến rất nhiều nước như Nhật, Hàn, Brazil, Ấn Độ, Lào, Malaysia, Singapore, Trung Quốc...

Từ năm 2015 đến nay, anh bắt đầu mua đất ở ngoại thành, tự xây một ngôi nhà theo kiến trúc đặc biệt với khu vườn nhỏ để sinh sống và kiếm thu nhập bằng việc bán các sản phẩm homemade.

Chào anh Ngọc Quỳnh, vừa qua, thử nghiệm xã hội của anh tại Nepal đã đem đến kết quả khá bất ngờ. Lý do nào khiến anh đưa ra kế hoạch giả hành khất để thử lòng người dân ở đó?

Sang Nepal, tôi đã đi lang thang các ngõ ngách Kathmandu và đi xe bus địa phương đến các thành phố khác, sau đó tôi thuê xe máy, tôi trekking dọc Himalayas, dưới chân Everest và Annapurna, rồi quay lại Kathmandu.

Sau những lần lang thang đó, tôi đã có một cái nhìn tổng quan về người dân Nepal, đặc biệt những người theo đạo.

Tại Nepal có rất nhiều người ăn xin, họ làm cho mình trông thật khổ sở, tạo cảm giác đáng thương để người khác bố thí, và tập trung ở các đền chùa.

Và tôi nghĩ rằng mình nên thử tương tác với người dân và người ăn xin xem thế nào, liệu người ăn xin sẽ ra sao nếu thay đổi cách ăn xin, và người bố thí sẽ thế nào nếu gặp người ăn xin kiểu khác?

Tôi cũng khá ngạc nhiên khi hầu như không có ai đến lấy tiền trong mũ của mình.

Và tôi nghĩ rằng, không phải cứ nghèo thì con người sẽ có xu hướng thích nhận hơn là cho, có những giá trị khác vượt trên sức nặng của đồng tiền, đó chính là nền tảng của hạnh phúc.

Chàng trai Việt giả ăn xin ở Nepal: Khi đặt nhu cầu hưởng thụ xuống thấp, cuộc sống sẽ đơn giản và dễ chịu hơn - Ảnh 2.

Anh Quỳnh trong chuyến du lịch đến Hàn Quốc năm 2008.

Anh nghĩ sao nếu thử nghiệm này được thực hiện ở Việt Nam và ở một thành phố lớn cụ thể như Sài Gòn hoặc Hà Nội?

Khi chưa thử nghiệm thì không nên phán đoán kết quả. Và tùy thành phố, tùy quận huyện, địa điểm cụ thể mà thử nghiệm sẽ cho ra các kết quả rất khác nhau.

Với thử nghiệm trong bảo tháp Boudhanath (bảo tháp lớn nhất Kathmandu, Nepal) lần này thì đối tượng chủ yếu là những người đi nhiễu tháp, họ theo đạo, hiền lành và thích giúp đỡ mọi người.

Trong một cuộc thử nghiệm thì ngồi ở khuôn viên chùa, nhà thờ, sẽ khác với ngồi ở bến xe, chợ trời. Thế nhưng tôi luôn tin rằng con người thuộc bất kỳ quốc gia, thành phố nào cũng luôn có sẵn tính thiện trong người.

Khi vòng xoáy công việc, học tập ngày càng được đẩy nhanh, càng nhiều người muốn thoát ra khỏi những áp lực nặng nề đó bằng cách "xách ba lô lên và đi". Những chuyến lên đường của anh thì sao, có giống với phần đông người trẻ bây giờ không?

Tôi không thích xách ba lô lên và đi du lịch.

Tôi không thích thăm thú các địa danh người ta kháo nhau, tham gia các hoạt động du lịch mà ai đến cũng sẽ tham gia, chụp ảnh "tự sướng" với các địa danh chỉ để thoả mãn cảm giác đã đến để thêm 1 con dấu trong hộ chiếu.

Với tôi, mỗi chuyến du lịch là cơ hội để thử một cuộc đời mới, để tìm thấy một phần chìm nào đó trong bản ngã mà chính bản thân mình cũng chưa biết.

Trong một chuyến đi chơi, tôi tự đặt mình ở nhiều tâm thế khác nhau, suy nghĩ như một người nào đó khác, ở một nơi không quen thuộc với mình. Lúc đó tôi sẽ thấy được những điều mà có nghe kể hay đọc cũng không thể cảm nhận hết được.

Càng trải nghiệm, càng chia sẻ tôi càng thấy thế giới tuyệt vời, bản thân mình bớt than trách, cái tôi bé đi, bớt phán xét, áp đặt người khác. Tôi học cách tôn trọng người khác và tôn trọng sự khác biệt.

Bất kì nơi đâu cũng đầy thú vị để khám phá, địa danh nào cũng có thể là nơi để du lịch. Thậm chí là chính nơi mình đang sống bao năm qua. Tất cả do tâm thế bạn quyết định.

Chàng trai Việt giả ăn xin ở Nepal: Khi đặt nhu cầu hưởng thụ xuống thấp, cuộc sống sẽ đơn giản và dễ chịu hơn - Ảnh 3.

Trong các kỳ "nghỉ hưu non" của anh ở những quốc gia khác nhau, anh đã tạo ra những kỷ niệm đáng nhớ nào cho riêng mình?

Cuộc đời ví như một bộ phim, thì bộ phim được nhớ lâu sẽ là bộ phim có nhiều cao trào. Cao trào đối với tôi chỉ là những kỷ niệm rất giản dị nhưng khó quên.

Chẳng hạn trong một đêm lang thang ở thành phố Malacca (Malaysia), tôi gặp một anh bạn người Pháp đang ngồi chơi đàn Ukulele bên đường.

Tôi ngồi trò chuyện với anh và biết anh mới... thất tình. Thế là cả hai ngồi trò chuyện đến sáng để anh bạn với đi nỗi cô đơn.

Sau đó tôi tiếp tục phiêu bạt đến Thái Lan, sau khi đi bộ mỏi cẳng dọc các thành phố, tôi quyết định lên vùng núi Phetchabur ở miền Trung nước này, và làm nông dân hơn nửa tháng.

Đi nhiều, kinh nghiệm cũng tương đối, nhưng tôi vẫn bị một cú lừa ở New Delhi (Ấn Độ) khi mua vé tàu.

Đi và khám phá nhiều nước như thế, chắc hẳn anh đã phải dành dụm rất nhiều tiền trước đó?

Nếu dành dụm thì biết bao nhiêu là đủ. Nhưng khi đặt các nhu cầu hưởng thụ, và kì vọng xuống thấp, bạn sẽ thấy cuộc sống rất dễ chịu và đơn giản.

Chẳng hạn, về du lịch, chịu khó săn những vé rẻ, chịu khó đi bộ, đi xe bus thay cho đi taxi, giao lưu với dân bản địa, với những người cùng sở thích, đam mê, và xin ở nhà họ, thì bạn sẽ tự thấy tốn nhiều tiền không cho mỗi chuyến đi.

Chàng trai Việt giả ăn xin ở Nepal: Khi đặt nhu cầu hưởng thụ xuống thấp, cuộc sống sẽ đơn giản và dễ chịu hơn - Ảnh 4.

Được biết anh đã có gia đình và một bé trai. Một người đàn ông bỏ công việc và gia đình ở phía sau để lang bạt hàng tháng trời liệu có nhận được sự ủng hộ không?

Tôi từng có 1 gia đình, sau đó chúng tôi ly hôn, con tôi theo mẹ ra nước ngoài sống với gia đình mới và hạnh phúc.

Thật tiếc khi biết được điều này! Đó hẳn là khoảng thời gian khó khăn với anh.

Không sao. Nếu ví cuộc đời là một chuyến du ngoạn dài, thì chắc chắn trên con đường đó hơn một lần chúng ta sẽ phải dừng chân ở miền đất có tên là mất mát.

Mỗi câu chuyện đều rất buồn, nhưng khi bạn đã đứng lên để đi qua hết miền mất mát, bạn sẽ thấy thanh thản, dù rằng trên mình còn mang theo rất nhiều vết sẹo in dấu của một quãng đời khó quên.

Chàng trai Việt giả ăn xin ở Nepal: Khi đặt nhu cầu hưởng thụ xuống thấp, cuộc sống sẽ đơn giản và dễ chịu hơn - Ảnh 5.

Người ta đã nghe khá nhiều câu chuyện về Ngọc Quỳnh đam mê, sáng tạo, thích phiêu lưu, ham thi đấu... của một thời tuổi trẻ. Còn khi đã làm cha thì sao, anh đã trở thành một người như thế nào trong mắt cậu con trai của mình?

Những lần tôi được ở bên cạnh con, hai cha con đã có rất nhiều khoảnh khắc ý nghĩa.

Tôi luôn khuyến khích: "Con mơ ước gì, con thích làm gì, con tưởng tượng cái này sẽ thế nào?" và hai cha con tìm cách thực hiện.

Tôi thấy bây giờ có quá nhiều đứa trẻ không được sống với ước mơ của mình, luôn bị những áp đặt của người lớn. Tôi muốn con tôi tin tưởng rằng: "Không có gì là không thể"

Con tưởng tượng ra con robot, con vẽ và cha sẽ làm nó hoạt động. Con tưởng tượng ra 1 nhân vật siêu nhân, con miêu tả và cha sẽ dựng, in 3D thành 1 món đồ chơi cho con.

Con không thích ngủ trên giường, hai cha con tưởng tượng đang trong rừng, và cha dựng lều giữa nhà cho con ngủ.

Và anh đã biến một uớc mơ nào trong trí tưởng tượng của con trai mình thành hiện thực suốt thời gian hai cha con bên nhau?

Những lần con tôi nằm vẽ tranh, vẽ nhà cửa, con nói: "Con thích 1 cái nhà hình tròn". Tôi suy nghĩ một thời gian và hỏi "Nhà tròn? Tại sao không?". Tôi muốn con tôi được chứng kiến ước mơ của con thành hiện thực trước khi đi.

Năm 2014, tôi lấy toàn bộ tiền tiết kiệm của nhiều năm đi làm, mua một mảnh đất ở khu Láng - Hòa Lạc, tìm hiểu về thiết kế, xây dựng.

Mỗi lần hai cha con gặp nhau, chúng tôi lại "thảo luận", và tôi học được rất nhiều ý tưởng hay của một đứa trẻ 5 tuổi.

Không phải dân kiến trúc, xây dựng nên tôi rất khó khăn trong việc thiết kế. Bạn bè khuyên bảo không nên làm vì rủi ro cao.

Đi tìm các đội thợ xây thì không đội nào nhận vì không có bản vẽ, kết cấu, chỉ là mô hình nhà tôi in 3D và hình vẽ tôi dựng trên phần mềm sketchup (phần mềm dựng 3D đơn giản cho những người mới bắt đầu).

Chàng trai Việt giả ăn xin ở Nepal: Khi đặt nhu cầu hưởng thụ xuống thấp, cuộc sống sẽ đơn giản và dễ chịu hơn - Ảnh 6.

Anh Quỳnh bắt tay xây dựng căn nhà tròn như trí tưởng tượng của con trai mình, để cậu bé tin rằng: "Có niềm tin thì sẽ biến uớc mơ thành hiện thực!"

Tôi vẫn muốn thử. Tôi thuê hai bác thợ xây lớn tuổi, trả công theo ngày, cùng tôi tham gia xây dựng. Ban ngày xây, đêm về tôi ngồi nghĩ mai xây tiếp thế nào.

Có những phần như 2 khối tròn giao nhau thành cửa đi, đến lúc xây thực tế tôi mới hình dung được thế nào, và tìm phương án để tạo thành đường cửa.

Hay có những lúc xây gần lên đỉnh hình cầu (điểm trần cao nhất của nhà tôi là 4.5m), chúng tôi phải đỡ từng viên gạch, chờ 1 lúc cho vữa khô rồi mới đặt được viên tiếp theo.

Cứ thế ngày qua ngày, ngôi nhà trong ước mơ của cha với con được hình thành dần dần.

Chàng trai Việt giả ăn xin ở Nepal: Khi đặt nhu cầu hưởng thụ xuống thấp, cuộc sống sẽ đơn giản và dễ chịu hơn - Ảnh 7.

Ngôi nhà hình tròn trong trí tưởng tượng của con trai anh đã hoàn thành, được anh đặt tên là TomoBio. Anh cũng đã trồng thêm cây hoa bao phủ bên ngoài.

Chàng trai Việt giả ăn xin ở Nepal: Khi đặt nhu cầu hưởng thụ xuống thấp, cuộc sống sẽ đơn giản và dễ chịu hơn - Ảnh 8.

Bên trong ngôi nhà tròn đầy đủ tiện nghi như một ngôi nhà bình thuờng. Tất cả nội thất bên trong đều do anh Quỳnh tự tay làm.

Nếu có thể dạy con mình một bài học đáng nhớ nhất trong cuộc đời, anh sẽ nói gì với con?

Tôi thích có nhiều trải nghiệm, một mặt là sở thích, mặt khác để thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn, và để là chỗ dựa sau này khi con cần, khi có những vướng mắc.

Tôi chỉ muốn nhắn nhủ với con trai mình rằng: Khi con lớn, con sẽ biết tuổi trẻ cha đã làm những gì, sống như thế nào, ước mơ ra sao, để con luôn tin rằng "Mình có thể làm được!". Cha luôn bên cạnh con, hãy theo đuổi các ước mơ của mình.

Anh có định mãi là một người sống phiêu du như thế hay sẽ trở lại với guồng quay công việc vào một ngày không xa?

Quan điểm của tôi là tại sao phải nghỉ hưu ở tuổi 60, khi lúc đó cả sức khoẻ, đầu óc đều đã kém đi. Tôi muốn chia nhỏ cuộc đời thành các giai đoạn: đi làm vài năm, rồi nghỉ hưu vài năm để theo đuổi các đam mê và rồi lại đi làm vài năm.

Điều này có 2 lợi ích: Một là khi đi làm lại, sẽ có được rất nhiều chất liệu, kĩ năng, kiến thức mới của giai đoạn nghỉ hưu bổ trợ cho công việc. Hai là đầu óc sẽ phải luôn vận động, luôn đổi mới, không bị trì trệ.

Vì thường khi đi làm lâu năm đến một vị trí nhất định sẽ lười đi, ngại thay đổi, ngại rủi ro, ngại mạo hiểm, ngại phát triển bản thân.

Đang trong giai đoạn nghỉ hưu, làm các thứ theo đam mê, và lang thang trải nghiệm thêm.

Kế hoạch sắp tới của anh là gì?

Tôi đang nghiên cứu làm các thứ về đồ dùng thông minh và những sản phẩm có ích cho cộng đồng. Tôi mua một số máy móc làm đồ gỗ, kết hợp với điện tử để ra các sản phẩm gỗ thông minh, hiện tại tôi đang bán sản phẩm handmade đầu tiên là đèn gỗ hình chó mèo.

Gần đây, tôi đang làm một sản phẩm nằm trong dự án ở Saparo Nhật Bản, giúp người dân Nhật khi đi chơi ở các con sông, suối, nếu thấy hiện tượng gì bất thường, rác bẩn, thì sẽ báo lên hệ thống để đội tình nguyện xử lý.

Tôi cũng đang làm demo một mô hình nhà vườn trồng cây thông minh cho Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam.

Ngoài ra, tôi vẫn còn một sản phẩm đang trong quá trình hoàn thành, xin được giữ bí mật. Bên cạnh đó tôi sẽ học thêm vài nhạc cụ mới.

Một thời gian nữa khi những thứ đam mê này có mảng nào đủ hấp dẫn để phát triển, tôi sẽ tập trung cho thành một công việc.

Hoặc nếu tất cả những thứ này thất bại, và hết tiền, thì sẽ tìm một công việc nào đó, xin việc đâu đó để làm. Khi đó với các kiến thức mới, kĩ năng mới, chất liệu mới của giai đoạn nghỉ hưu, có thể sẽ có công việc hấp dẫn để làm (cười!).

Một người như thế nào sẽ trở thành bạn đồng hành lý tưởng của anh? Hay anh chỉ trung thành với du lịch độc hành?

Thực tế chả ai thích độc hành. Khi đi đến các vùng miền mới, tôi thường tìm những người bạn sống ở đó để làm quen, giao lưu và chia sẻ về các quan điểm sống, về văn hoá của vùng đất đó.

Cũng như khi các bạn đến Hà Nội, tôi cũng sẽ nhận lời giao lưu, chia sẻ và giúp đỡ.

Cô đơn khi độc hành một mình không hề đáng sợ. Đáng sợ nhất là có người đồng hành mà vẫn thấy cô đơn.

Chàng trai Việt giả ăn xin ở Nepal: Khi đặt nhu cầu hưởng thụ xuống thấp, cuộc sống sẽ đơn giản và dễ chịu hơn - Ảnh 9.

Anh có dự định sẽ dừng những chuyến đi lại để tìm một bến đỗ mới không?

Tại sao phải dừng đam mê mới tìm được bến đỗ? Liệu có hay hơn không nếu có người bạn đồng hành vừa là bến đỗ, vừa là chung nhiều đam mê với nhau, tôn trọng nhau và cùng nhau khám phá thế giới?

Cảm ơn anh Quỳnh và chúc anh luôn hạnh phúc trong suốt hành trình cuộc đời mình ./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại