“Ai cũng mong, sau một ngày dài mệt mỏi có một nơi êm ấm để về. Cứ nghĩ phải mất vài trăm triệu may ra mới sửa được một mái nhà tươm tất, nhưng mình chỉ tốn khoảng 70 triệu đồng để có 1 không gian sống lý tưởng giữa phố thị Sài thành này.” Trần Thiện Học (28 tuổi, quản trị khách hàng sống tại TPHCM) cho biết, trong gần 10 năm sống xa nhà, anh chàng đã đổi chỗ ở khoảng 7-8 lần. Tuy ở nhà thuê nhưng Thiện Học đều luôn cố gắng thiết kế không gian sống đầy đủ, tiện nghi nhất. Vì với anh chàng, không gian sống mỗi ngày nạp vào người cực kỳ quan trọng để phát triển tâm hồn cũng như cải thiện chuyên môn công việc tốt hơn.
Thiện Học chia sẻ ý tưởng và hành trình thiết kế ngôi nhà thuê của mình.
Dù ở nhà thuê cũng phải sống thật chất trong 1 không gian đẹp
Mình bắt đầu sống xa nhà từ năm 18 tuổi, tính đến bây giờ cũng đã ngót nghét 10 năm. Phần lớn thời gian, mình sống ở TPHCM, cũng có vài năm sống tại Hà Nội, và đều ở nhà thuê. Vốn dĩ công việc chiếm phần lớn thời gian trong ngày, lại thường xuyên có những chuyến công tác xa nhà, nên mình chuyển nhà đâu đó khoảng 7-8 lần trong 10 năm. Thời gian ngắn nhất mình từng thuê là dưới 1 năm.
Căn nhà thuê hiện tại của Thiện Học
Công việc hiện tại của mình yêu cầu tính sáng tạo rất cao, liên tục phải đổi mới tư duy và trải nghiệm. Và mình nhận ra, việc ở trong 1 không gian đẹp giúp mình phát triển hơn tốt hơn. Nhà với nhiều người chỉ là nơi để ngủ, nhưng với mình thì khác. Dù là nhà mua hay thuê, đó đều là nơi mình ghé lại sau những giờ làm mệt mỏi, lấy lại sức sống, bồi dưỡng chuyên môn và giúp tâm hồn luôn trong trạng thái được thư giãn.
Rất nhiều người nói rằng: “Nếu mua nhà thì mới bỏ tiền để thiết kế và trang trí, vì nó hoàn toàn thuộc về mình. Ở nhà thuê mà dồn sức cải tạo, sửa chữa, đến lúc chuyển đi thì lại tiếc”. Mình đồng ý với quan điểm này, nhưng dù như thế cũng không thể thay đổi được những suy nghĩ then chốt trong mình:
Dù ở nhà thuê thì không gian sống vẫn phải đẹp. Cửa lùa thanh mảnh cánh nhỏ dọc chia không gian nhưng vẫn riêng tư khi cần
Thứ nhất, dù là nhà mua hay thuê, trong khoảng thời gian ngắn hạn đều sẽ thuộc về mình. Những kỉ niệm, kí ức trong căn nhà đều sẽ in đậm vào tâm trí, và theo mình mãi mãi. Mình không thể vì sự ngắn hạn, mà khiến cho cuộc sống trở nên tạm bợ, hời hợt. Trong thơ ca, nhiều thi sĩ cũng nói rằng “Ở trọ trần gian”, vậy nên thứ mình coi trọng là trải nghiệm từng phút từng giây, không phải là thứ mình có thể sở hữu.
Thứ hai, về chuyện chủ nhà lấy lại hoặc đuổi mình đi: Trộm vía mình chưa gặp phải. Đứng ở vị trí chủ nhà, mình nghĩ ai cũng thích cho một người có lối sống chỉn chu, giữ gìn tài sản, trả tiền đều đặn và thực hiện những cam kết trên hợp đồng - thuê. Vậy nên, điều mình luôn cố gắng làm, là sống 1 cách tử tế nhất. Tử tế với bản thân bằng không gian sống đẹp, và tử tế với chủ nhà vì giữ gìn căn nhà thuê.
Không gian sống khoa học giúp chất lượng cuộc sống được cải thiện hơn
Việc cải tạo, trang trí lại căn nhà thuê giúp mình nâng cao chất lượng cuộc sống hơn: Cơm nhà chất lượng, đảm bảo sức khỏe, đồ đạc ngăn nắp, vệ sinh sạch sẽ. Những điều này giúp xoa dịu tâm lý mình sau nhiều giờ làm căng thẳng.
Ba hộc tủ bếp được điều chỉnh lại để đặt vừa một máy rửa chén cũ, vừa giúp bếp tiện nghi hơn vừa là nơi cất chén bát luôn. Chậu rửa một hố lớn và bếp domino dọc luôn là lựa chọn tuyệt vời cho chiếc bếp khiêm tốn diện tích
Sau này, khi chất lượng cuộc sống ngày càng được cải thiện, mình còn mở rộng được mối quan hệ với nhiều bạn bè có chung sở thích trang trí nhà cửa. Đây cũng là cơ hội để mình thể hiện cá tính trong thiết kế. Và mình thích cảm giác dọn dẹp nhà cửa, nấu 1 bữa ăn thật ngon, rồi chụp hình làm kỉ niệm. Thư giãn vô cùng.
Thật ra trước đây, khi kinh tế chưa ổn định mình cũng không có khả năng cải tạo lại toàn bộ nhà thuê theo ý muốn. Nhiều năm trước, khi ở nhà trọ gác xép cũ, mình chỉ đủ tài chính để mua được mấy miếng xốp lót sàn, bớt đi cái lạnh mùa đông. Ở trong 1 không gian như thế khiến mình càng quyết tâm phải kiếm thật nhiều tiền để thoát khỏi nơi này. Bằng nhiều nỗ lực, mình của hiện tại cũng đã đủ tiền chi ngân sách “mạnh tay” để nâng cấp tổ ấm nhỏ.
Ý tưởng thiết kế và trang trí nhà thuê từ những điều nhỏ nhặt dễ bị bỏ qua
Thường thì mình chỉ mất 1-2 ngày cho phần ý tưởng thiết kế. Bản thân khá thích nghệ thuật, nên mình đã dành thời gian để học hỏi, đặc biệt là nghệ thuật bài trí. Mình tập trung vào khai thác nét đặc trưng của không gian cũ trước, nghiên cứu độ cao trần, hướng ánh sáng và tìm cách bố trí nội thất trong nhà tối giản nhưng vẫn tiện nghi, đầy đủ.
Một cái thảm nhỏ ở đuôi giường để thả chân xuống là thấy êm ái. Cộng thêm góc làm việc nhỏ để tăng độ tập trung, nhưng được thiết kế thêm cửa sổ nhỏ giúp xua tan mệt mỏi.
Chi phí cải tạo căn nhà này của mình khoảng 70 triệu đồng. Ngoài nội thất cũ, mình tận dụng những điểm mạnh của không gian mới, và sử dụng đồ đạc đã từng sử dụng ở những lần thuê nhà trước đây: 10 triệu tiền 60m2 nhựa giả gỗ, 15 triệu cửa kính lùa nhiều cánh trong phòng khách, 5 triệu đóng tủ bếp và tủ âm tường để tối ưu không gian, 5,5 triệu hệ thống rèm cửa. Và thêm một số chi phí như: Tiền công thợ cho hệ thống điện và mạng, nội thất trong nhà bếp, các chi tiết trong phòng tắm và vệ sinh,...
Tận dụng những đồ trang trí của những lần chuyển nhà trước
Để chi phí cải tạo nhà thuê này tối ưu nhất, mình mua hàng chiết khấu, tích lũy đồ nội thất từ trước, thuê đội sửa chữa uy tín để đảm bảo chất lượng, hạn chế phải sửa lại nhiều lần. Vì thế, chi phí 70 triệu rất xứng đáng, cả quá trình diễn ra khá suôn sẻ, kết cấu ngôi nhà khi hoàn thiện cũng khiến mình yên tâm.
Chọn chủ nhà hoặc đơn vị cho thuê có uy tín và văn minh cũng là điểm mấu chốt cho việc cải tạo suôn sẻ. Sự hỗ trợ của chủ thuê với các hạng mục hợp lý là khoản tiết kiệm không thể bỏ qua. Là một cư dân văn minh thì bạn sẽ luôn được ủng hộ từ chủ nhà đồng điệu.
Ngoài ra, một số kinh nghiệm mình muốn chia sẻ cùng mọi người để tiết kiệm chi phí và thời gian cải tạo không gian sống:
- Có bản đồ sinh hoạt kèm không gian, càng cụ thể càng tốt. Nhất là những khu vực mình sẽ sử dụng và công năng rõ ràng, các không gian này cũng nên cân đối tính hợp lý khi đặt cạnh nhau.
- Chú ý kỹ đến việc phân phối ánh sáng từ các loại cửa, tính toán luồng gió và không khí đối lưu vào và ra khỏi nhà để đảm bảo sự thông thoáng, hoặc tiết kiệm điện năng của điều hòa trong quá trình sử dụng.
Hiện trạng thô ban đầu luôn đánh lừa chúng ta bằng sự thênh thang khi chưa có đồ, hãy nhớ vẽ một tấm bản đồ nhỏ ra giấy hoặc trong tâm trí về các “góc sinh hoạt” dự định. Tranh dọc, rèm cao và cửa lùa dọc, cũng như áo quần, nhà trần thấp luôn có cảm giác thoáng khi ta biết tận dụng những đường dọc trong bài trí và không gian.
- Trong quá trình thi công, nên gộp các loại hình thi công tương đồng với nhau để giảm chi phí như là dây mạng và dây điện xử lý một lần giảm công đục tường hay trát trần nhà.
- Không nên áp lực mua hết nội thất khi chưa thực sự cần thiết mà thay vào đó, ưu tiên các loại nội thất liên quan đến thi công đi đường điện, ống nước. Tránh mua đồ nhưng nhét không vừa hoặc mua trễ rồi phải đục đẽo thi công đường ống.
- Nhà đẹp thì ai cũng thích nhưng nhà để ở thì phải tiện nghi, và quan trọng là phải dễ dọn dẹp và không tích trữ vi khuẩn bụi bẩn bằng các nội thất tối giản.
- Và hãy luôn tâm niệm rằng đây là nơi mình ở và trở về sau một ngày dài, hãy quyết định sáng suốt, dứt khoát và không thỏa hiệp với các vấn đề tuy nhỏ nhưng gây đau đớn lâu dài như thiếu chỗ để xếp gọn đồ đạc hay là tường bị thấm.
Cảm ơn nhân vật đã chia sẻ!