Năm 21 tuổi, Khải Trung bắt đầu hành trình phượt bằng chuyến đi đến thị trấn Mai Châu, tỉnh Hòa Bình và thị trấn Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Đến nay, anh đã chinh phục trọn vẹn 63 tỉnh thành của Việt Nam, với 110 chuyến đi lớn nhỏ.
Một mình trên chiếc xe máy rong ruổi từ đồng bằng đến đồi núi hay biên giới xa xôi, Trung gặp không ít khó khăn khi phải đối mặt với chặng đường dài, khí hậu khắc nghiệt của vùng cao. Tuy nhiên, điều đó giúp anh trưởng thành và cứng cáp hơn chứ không còn là chàng công tử của gia đình.
Xin chào Trung, được biết đến nay bạn đã thực hiện hơn 100 chuyến đi trên hành trình chinh phục Việt Nam. Điều gì đã thôi thúc bạn trở thành một travel blogger? Chuyến đi đầu tiên của Trung có đặc biệt so với hình dung của bạn không?
Hồi cấp 3 khi mình đọc được cuộc thi về đề tài du lịch bụi, từ đó mình nhen nhóm niềm đam mê được chiêm ngưỡng những cảnh đẹp của đất nước mình chứ chưa nghĩ quá nhiều về việc có là travel blogger chuyên nghiệp hay không. Song, lúc này mình còn đang là học sinh, kinh tế riêng chưa có mà vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào bố mẹ.
Mãi đến năm cuối học Đại học Bách Khoa Hà Nội thì ước mơ bấy lâu mới trở thành hiện thực. Chuyến đi đầu tiên và cũng là chuyến đi rẻ nhất của mình là đặt chân tới Mộc Châu- Sơn La trong 2 ngày với 400 nghìn đồng.
Luôn biết bố mẹ sẽ không cho mình lên đường, mình đã phải giấu họ để đi chuyến này. Sau khi đi về, mình mới dám kể lại và bố mẹ tỏ ra vô cùng ngạc nhiên. Tuy không quá đồng tình vì rất lo đến sự an toàn của con nhưng bố mẹ cũng rất vui khi con trai đã bạo dạn hơn, biết tự lập hơn, rắn rỏi hơn chứ không còn là “chàng công tử bột da trắng” như mọi người thường gọi.
Chắc hẳn Trung đã được trải nghiệm rất nhiều tình huống thú vị. Chuyến đi nào khiến bạn ấn tượng nhất?
Mình luôn quan niệm, những người đi nhiều là những người sống nhiều hơn. Đi qua 63 tỉnh thành, gặp gỡ với rất nhiều người nhưng con người Tây Bắc đã để lại trong mình dấu ấn đặc biệt. Mình cảm nhận được sự thật thà, tươi vui, chan hòa từ ánh mắt, nụ cười của mỗi con người nơi đây. Tuy cuộc sống vất vả, điều kiện sống còn nhiều khó khăn nhưng họ luôn cười và hay giúp đỡ người khác, không toan tính thiệt hơn. Đôi khi chỉ là ánh mắt, nụ cười, cái bắt tay vội vã trên những chặng đường dài cũng đủ để mình nhớ về.
Đặc biệt, chuyến đi khiến mình ấn tượng nhất đó là ở Mường Tè (Lai Châu). Đây là lần đầu chạy xe xuyên đêm. Đi từ Quốc lộ 12 vào tháp 15km thì 14km đầu là đường đất, xấu, hẹp, cỏ mọc um tùm, đi qua bản làng, lội suối, đã thế còn cua qua cua lại chóng cả mặt, có những đoạn dốc đứng, cheo leo giữa bờ vực.
Mở đầu cung đường đã phải qua 2 cái cầu gỗ tự chế của người dân (phí 10 nghìn đồng), đi mà nó rung lắc kẽo kẹt, tim muốn bắn ra ngoài.
Khi đi sâu vào các xã biên giới, Ka Lăng - Thu Lũm thì trên đó mất điện. Mình phải ăn nghỉ, tắm gội trong bóng tối. Sáng hôm sau nhìn ra ngoài cửa sổ thì choáng ngợp trước biển mây bao quanh xã Thu Lũm, cảm giác mọi sự vất vả của mình được đền đáp xứng đáng.
Sau khi đã đi hết các cung đường và địa điểm nổi tiếng ở Việt Nam, mình bắt đầu quay lại các tỉnh để trải nghiệm những tuyến đường mới lạ ít người đặt chân tới, biết đâu lại khám phá được cảnh đẹp nào đó.
Trong chuyến quay lại Đà Bắc, Hòa Bình mình chạy xe xuyên tỉnh từ Đà Bắc lên Phù Yên, Sơn La theo tuyến đường tỉnh 433 dự kiến 125km. Vì là cung đường lạ, ít người đi và khi nhìn trên Google Map cứ thẳng tắp nên mình không nghĩ gì nhiều. Nhưng đó là 1 sai lầm, qua đây mình khuyên các bạn không nên quá tin tưởng “chị Google” và những cung đường tắt xuyên tỉnh đúng là ác mộng!
20h tối sau gần 80km mình đến được ranh giới giữa hai tỉnh thì gặp đường cụt. Đây là nơi khởi nguồn một nhánh sông đổ vào sông Đà, đồng thời cũng là ranh giới tự nhiên của hai tỉnh Hòa Bình - Sơn La. Chắc do một lý do nào đó nên chỉ xây hai đầu đường cụt rồi để đấy.
Mình hỏi đường để đi qua suối nhưng xuống đến nơi mới biết suối quá sâu xe không thể qua được, bên bờ kia thì tối tăm mù mịt. Nếu lúc này cố chạy qua sẽ là một quyết định sai lầm nên mình đành quay đầu gần 80km trong đêm tối để về thị trấn nghỉ vào lúc hơn 0h sáng. Một trải nghiệm hết sức bất ngờ và nhớ đời.
Chỉ nghe Trung kể thôi cũng đủ thấy việc du lịch bụi không hề đơn giản, nếu chúng ta không tỉnh táo, quyết đoán thì tiềm ẩn trong đó rất nhiều rủi ro. Từ những trải nghiệm bản thân, vậy có kinh nghiệm nào được đúc kết lại để dành cho tất cả các bạn trẻ?
Những địa điểm khó luôn có những nguy hiểm tiềm ẩn, nếu không cẩn thận bạn sẽ bị ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng. Mọi người cần cân nhắc trước khi lựa chọn hình thức du lịch mạo hiểm này.
Ví dụ đi những cung đường off-road (những con đường mòn có địa hình hiểm trở, phức tạp, gồ ghề, chông chênh và nhiều cát, sỏi, đá) bạn thường gặp đèo dốc hiểm trở, vực thẳm, sạt lở, lũ quét,… Hay khi leo núi băng rừng bạn có thể bị lạc đường, gặp phải thú dữ, rắn độc, thiếu lương thực, nước uống,…
Vì vậy trước khi đến những địa điểm khó, bạn nên tìm hiểu thật kỹ, rèn luyện sức khỏe, trang bị những kỹ năng sinh tồn cần thiết, học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước, tránh đi một mình và tốt nhất là nên đi cùng người nhiều kinh nghiệm (tour guide, leader, porter).
Được biết, Trung đã tự vẽ nên một tấm bản đồ dấu chân mang đậm dấu ấn bản thân, Trung có thể chia sẻ thêm với các độc giả về tấm bản đồ này?
Tấm bản đồ này thực sự là cả một kho báu đối với mình bởi trong đó là các địa điểm, tỉnh thành, cửa khẩu, bãi biển...nơi đã có dấu chân của mình. Tuy nhiên, mình không muốn giữ nó cho riêng mình mà luôn chia sẻ với tất cả các bạn trẻ có niềm yêu du lịch, đam mê xê dịch. Để nhìn vào đó, các bạn sẽ biết được cách thức di chuyển, nơi nào nên đi vào, nơi nào không.
Chẳng hạn như, mình đã đánh dấu các phương tiện mà các bạn nên lựa chọn ứng với từng cung đường như xe máy, ô tô hay máy bay. Đặc biệt, những cung đường xấu mà mình đã từng trải nghiệm, các bạn có thể nhìn vào bản đồ để né ra. Đảm bảo ''chị Google'' cũng không có được đâu.
Đến nay, travel blogger đã là một danh xưng khá quen thuộc. Song, phải khẳng định rằng không phải ai cũng hiểu hết những công việc mà các bạn đang thực hiện. Nhiều người vẫn định kiến rằng, phải giàu, phải rảnh, phải là những người thích “sống ảo” thì mới đi du lịch. Trung nghĩ sao về điều này?
Quả đúng là như vậy vì mình cũng từng bị mọi người áp đặt định kiến này rồi. Nhiều người luôn cho rằng phải có thật nhiều tiền, kinh tế dư dả thì mới có thể đi du lịch. Thậm chí họ cho rằng, người trẻ như Trung chỉ biết đi du lịch là đang sống quá hưởng thụ. Tuy nhiên, Trung nghĩ chỉ cần bạn có đam mê là đủ, chẳng hạn như chuyến đi Mộc Châu của mình chỉ có 400 nghìn đồng thì số tiền này không hề lớn.
Những chuyến đi của mình đa phần mang tính chất đi bụi, đi xe máy đường dài liên tục từ sáng đến tối, có những lúc phải trải qua cung đường nguy hiểm, mưa bão, nắng nôi trên đường. Như vậy không thể nói travel blogger là hưởng thụ, mà chúng tôi được hưởng thụ những khoảnh khắc tuyệt đẹp của đất nước trên mỗi đoạn đường mình đi qua.
Hơn nữa, dù đi du lịch nhưng công việc kinh doanh của mình vẫn được duy trì. Nguồn kinh tế mình phải tự lo nên để thực hiện các chuyến đi lớn hơn thì mình buộc phải đảm bảo công việc.
Bởi vậy, mọi thứ đều có cách giải quyết nếu như bạn muốn. Bạn chỉ sống một lần vì vậy hãy làm những điều mình thích, bước chân ra khỏi vòng an toàn, ngoài kia thế giới còn bao la, còn nhiều điều để khám phá lắm.
Chinh phục hết 63 tỉnh thành của Việt Nam rồi, Trung liệu có muốn mở rộng thêm hành trình của mình ra thế giới?
Có chứ, đấy là điều mình ấp ủ nhưng do hai năm qua tình hình dịch bệnh căng thẳng nên khó thực hiện. Hiện nay các cửa khẩu và đường bay quốc tế đang mở dần lại nhưng vẫn còn nhiều rào cản về thủ tục xét nghiệm, cách ly, hộ chiếu vắc xin,… Mỗi quốc gia đặt ra những quy định khác nhau với khách du lịch nhập cảnh.
Sắp tới mình dự định đi những nước ở gần Việt Nam như các nước trong khu vực Đông Nam Á để thuận tiện di chuyển (gần, không cần visa) và hạn chế tối đa các rủi ro. Mình sẽ đi Singapore, Malaysia và Thái Lan đầu tiên, đây là những quốc gia phát triển và an toàn với khách du lịch, chắc chắn sẽ đem đến cho mình những trải nghiệm thú vị.
Sau đó, khi việc thông quan qua các cửa khẩu đường bộ dễ dàng hơn, mình lên kế hoạch chạy xe máy xuyên biên giới sang các nước bạn Lào, Campuchia để khám phá những di tích nổi tiếng thế giới như Angkor Wat, cánh đồng chum,…
Khi đã khám phá hết khu vực Đông Nam Á mình sẽ tiếp tục phấn đấu đi những quốc gia ở xa hơn như Trung Quốc, Nhật Bản, Úc, Ấn Độ, Ai Cập,…
Cảm ơn Khải Trung đã tham gia cuộc trò chuyện này, chúc cho những dự định trong tương lai của bạn sẽ trở thành hiện thực để có thể viết tiếp nên những tấm bản đồ lớn hơn, có được những câu chuyện thú vị và ý nghĩa trong tuổi thanh xuân của mình!