Quê hương của Ngô Văn Phú mang tên một vị tướng nổi tiếng thời Trần là Phạm Ngũ Lão thuộc đất Hưng Yên. Nơi đây cũng là đất “chuyên chăn vịt”. Vừa bước chân tới đầu làng, đã nghe toàn tiếng vịt kêu.
Anh trai làng Ngô Văn Phú cũng là một tay “chăn vịt” có hạng. Cho đến tận bây giờ, dù không “chuyên nghiệp” nhưng trong nhà vị cựu phi công tuổi đã thất thập này lúc nào cũng có đàn vịt trên dưới chục con để “cải thiện”.
Đầu những năm 60 thế kỷ trước, anh nông dân Ngô Văn Phú lên đường theo học dự bị Trường sĩ quan Lục quân, để lại quê nhà mối tình đầu với cô thôn nữ cùng làng.
Mối tình của họ chỉ có thể dùng hai từ “xa - cách”, bởi, vợ chồng Ngâu thì chí ít mỗi năm cũng được gặp nhau 1 lần, còn đôi tình nhân trẻ này thì, kể từ khi cưới nhau, trong vòng 15 năm trời, họ chỉ được gặp nhau đúng 3 lần, y hệt lời ca của Phan Lạc Hoa “…Gặp nhau lần nào cũng vội. Chẳng đủ để mà giận dỗi…”!
Đời lính mà, nhất là lính phi công! Lần họ được sống bên nhau nhiều nhất là 5 ngày. Đó là dịp Tết 1962, khi đôi uyên ương tổ chức lễ cưới tại quê nhà xã Phạm Ngũ Lão. Mồng 2 Tết lễ cưới được tổ chức, mồng 6, “tân lang” Ngô Văn Phú phải lên đường về Trường sĩ quan Lục quân nhận nhiệm vụ mới.
Trước đó, bộ đội Không quân về trường để tuyển chọn phi công. Phú trúng tuyển ngay từ đợt đầu, vừa học văn hóa, vừa học lý thuyết về máy bay tiêm kích cho đến cuối năm 1963 thì sang Liên Xô học lái máy bay MIG. Đang học dở, do tình hình chính trị bên nước bạn, Phú lại trở về Việt Nam giữa năm 1964, cho đến lúc nước bạn ổn định, Phú lại sang học tiếp.
Đầu năm 1968, Ngô Văn Phú cùng với 32 phi công trẻ đã tốt nghiệp các khóa huấn luyện phi công lái máy bay tiêm kích phản lực chiến đấu siêu thanh MIG-21 trở về nước. Chính 33 phi công này cùng với lớp phi công đàn anh, làm nòng cốt góp phần không nhỏ vào chiến thắng lịch sử 12 ngày đêm trên bầu trời Hà Nội 40 năm trước đây.
Trong đó, có những tên tuổi đã đi vào huyền thoại như Phạm Tuân, Vũ Xuân Thiều, Lê Thanh Đạo, Nguyễn Tiến Sâm, Nguyễn Đức Soát, Đỗ Văn Lanh, Phạm Phú Thái, Nguyễn Văn Nghĩa, Đinh Tôn, Trần Việt…
Cựu phi công Ngô Văn Phú
Buổi tiễn đưa các phi công trẻ của Việt Nam trở về Tổ quốc chiến đấu diễn ra thật cảm động. Phi công Nguyễn Công Huy, em út của 33 người, kể lại rằng: Cánh phi công trẻ chúng tôi lúc đó đa phần chỉ ngoài 20 tuổi, nên có nhiều bà mẹ người Nga nhận làm con nuôi.
Hôm chia tay, nhiều bà mẹ ôm lấy chúng tôi, nước mắt tuôn trào; có mẹ vừa khóc vừa nói:
"Các con ơi, mẹ hiểu thế nào là chiến tranh rồi. Mẹ đã từng tham gia cứu thương, chồng mẹ, con trai mẹ đã hi sinh hết trong chiến tranh vệ quốc vĩ đại rồi, mẹ chỉ còn mỗi một mình. Các con còn trẻ quá, mà bọn phi công Mỹ thì chúng nó như những con sói già…". Trước lúc lên xe, các mẹ còn nghẹn ngào nói qua nước mắt: Các con phải sống nhé! Sống để gặp lại các mẹ!
Nhiều anh em trong đoàn không kìm được nước mắt, nhưng vẫn quả cảm: Chúng con sẽ chiến thắng, chúng con sẽ trở lại gặp các mẹ…
Mặc dù đã có không ít người trong đoàn hi sinh anh dũng, không bao giờ trở lại, song, Ngô Văn Phú đã giữ trọn lời hứa với các bà mẹ nuôi người Nga, anh đã cùng đồng đội làm nên “Điện Biên Phủ trên không”, sau đó, trở lại theo học tại Học viện chỉ huy Không quân Ga-Ga-Rin, và tìm gặp lại các bà mẹ nuôi để kể lại rằng:
“Đứa con nuôi” non nớt ngày nào, đã hạ gục một “con sói già” - từng được mệnh danh là “chuyên gia không chiến” của Không lực Hoa Kỳ - viên trung tá Kit-tin-gơ, một phi công lão luyện với 7.300 giờ bay trên các loại máy bay (trong khi phi công trẻ Ngô Văn Phú mới chỉ bay vỏn vẹn trên dưới 250 giờ!).
Đó là trận đánh ngày 11/5/1972 mà cả hai đứa con nuôi của các bà mẹ Nga đều lập chiến công: Ngô Duy Thư - Ngô Văn Phú. Đó là thời điểm giặc Mỹ trở lại đánh phá miền Bắc, mỗi ngày địch huy động hàng trăm lượt máy bay tiêm kích đủ loại vào bắn phá, ném bom dữ dội, đặc biệt trên bầu trời Hà Nội.
Tất cả các loại máy bay có tính năng không chiến hiện đại, ưu việt nhất của Mỹ đã được tung ra. Trong khi các phi công của ta tuổi đời còn trẻ, giờ bay quá ít, vừa đánh vừa tìm hiểu, làm quen với các loại máy bay nổi trội của địch.
Ngày 10/5/1972, năm Biên đội của ta xuất kích gồm các loại MIG-17, MIG-19 và bốn chiếc MIG-21. Sau một ngày quần đảo, ta bắn rơi được 4 chiến F4 của Mỹ, nhưng 5 phi công trẻ của ta đã hi sinh.
Ngay tối hôm đó, Đại tướng - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Võ Nguyên Giáp đã trực tiếp nghe Tư lệnh Không quân Đào Đình Luyện báo cáo diễn biến, tình hình chiến đấu trong những ngày qua sau đó chỉ đạo bộ đội không quân cần tạo thế bí mật, bất ngờ, chủ động tiến công, đánh chắc thắng và phải loại trừ ngay tư tưởng “một đổi một”. Tinh thần chỉ đạo đó đã được truyền tới từng Biên đội.
Mới đây về thăm ông tại quê, quan sát khắp nhà chả thấy tấm bằng khen hay huân, huy chương gì cả, chúng tôi thắc mắc, ông bảo: Dạo đó, sau khi bắn rơi máy bay, tôi cũng có nghe nói được thưởng Huân chương Chiến công hạng III, chưa kịp nhận thì sang Liên Xô.
Sau, bạn học lái ngày trước, cũng là cấp trên trực tiếp - Nguyễn Tiến Sâm (sau này được tuyên dương Anh hùng LLVTND, nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT), cũng sang Liên Xô và cho hay rằng đúng là hồi đó tôi được Huân chương Chiến công hạng III.
Khi về nước, thấy chúng bạn đeo huân, huy chương đầy ngực, tôi cũng đôi ba lần hỏi, nhưng người này đổ cho người kia, rồi cũng thôi luôn. Từ ngày về quê tuy có khó khăn, vất vả, nhưng có đàn con và đàn vịt cũng vui đáo để! Nói đoạn, ông cười ha hả!...
Trưa hôm sau, 11/5/1972, địch lại ồ ạt vào đánh phá khu vực Hà Nội. Kíp trực chiến hôm đó gồm Biên đội Ngô Văn Phú (số 1), Ngô Duy Thư (số 2) và Biên đội Nguyễn Tiến Sâm, Hoàng Hữu Thành (cả 4 phi công đều cùng học ở Liên Xô).
Ngay buổi sáng, sau khi ăn sáng, Phú và Thư đã nhóm họp, đề ra mọi phương án, tình huống, cách xử lý. Đến tầm trưa thì có lệnh từ Sở chỉ huy chuẩn bị sẵn sàng. 14 giờ 43 phút, Biên đội Phú - Thư được lệnh cất cánh từ sân bay Đa Phúc (Nội Bài) đón đánh địch vào bắn phá Hà Nội.
Hai chiếc MIG-21 lần lượt cất cánh bay theo hướng Tây - Nam qua vùng trời Hà Nội. Phát hiện ra một máy bay trinh sát, Phú liên lạc với Thư: "Mặc xác cho nó vào, đi tìm lũ tiêm kích!". Một lát sau, Sở chỉ huy thông báo phát hiện máy bay tiêm kích.
Quan sát bằng mắt thường, Phú vẫn chưa phát hiện được máy bay địch. Đúng lúc đó, Thư, đang bay bên trái, báo: Có địch. Phú đáp: "Lên công kích đi, tớ yểm trợ". Lập tức, Thư tăng tốc, liệng sang phải Phú, Phú ép theo sau để yểm trợ bạn.
Chỉ mấy giây sau, giọng Thư vang lên: Cháy rồi! Thì ra, Thư đã bắn rơi một “Thần Sấm” (F105). Giọng Thư vừa dứt, trước mắt Phú đã hiện ra một tốp “con ma” F4. Phú liền tăng tốc, khéo léo chọn thế và phóng ngay một quả tên lửa.
Viên phi công lái chiếc F4 đó dường như cũng đã phát hiện ra Phú, định kéo cần, tránh tên lửa của Phú, nhưng không kịp. Phú nhìn rõ chiếc F4 đó khựng lại rồi bật hẳn lên, nhưng vẫn chưa cháy, Phú liền phóng tiếp quả tên lửa còn lại. Chiếc F4 rơi tại chỗ. Viên trung tá phi công đã phải nhảy dù và bị bắt sống.
Sau khi vào “khách sạn” Hin-tơn, viên trung tá phi công Mỹ cứ khẩn khoản, ước mong được gặp người đã hạ gục ông ta, tuy nhiên lúc đó (đầu năm 1973), Phú đã lên đường sáng Liên Xô. Thay vào đó, ông ta được gặp Phạm Tuân và Ngô Duy Thư.
Lúc đầu, dù là kẻ bị hạ gục, rơi tại chỗ, nhưng “con sói già” này vẫn tỏ ra rất kênh kiệu trước mặt hai viên phi công trẻ măng; ông ta luôn xua tay không cho ai chụp ảnh, hoặc giơ 2 ngón tay ra hiệu hình chữ “V” - Victory, ám chỉ rằng Mỹ sẽ thắng.
Nhưng, sau khi biết trước mặt là hai người, một đã hạ gục B52, người kia bắn tan xác F105, sau đó, cả hai hạ cánh an toàn thì ông ta chữa thẹn lại rằng “V là Việt Nam, Việt Nam sẽ chiến thắng!”. Riêng về điều này thì ông ta đã đúng!
Về phần Ngô Văn Phú, sau khi hạ gục “sói già”, anh được đi an dưỡng một thời gian và được chọn đi học tiếp ở Liên Xô, đến năm 1977 tốt nghiệp trở về.
Bù cho những năm tháng “vợ chồng Ngâu”, vợ chồng Phú cho “ra lò” liên tiếp hai “con vịt giời” (cộng với con cả là 3) cùng 2 “phi công” tí hon. Đầu những năm 90, thương vợ quá vất vả chăm lo cho cả một đàn 5 đứa con, Ngô Văn Phú xin nghỉ, về quê đi cày và chăn vịt để nuôi con.