Chân dung tân Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Dương Văn An

Trang Anh |

Ông Dương Văn An 53 tuổi, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận, Tiến sĩ Kinh tế học, Thạc sĩ Kinh tế chính trị, Cử nhân Khoa học Địa lý được điều động, bổ nhiệm làm Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc.

Sáng 18/3, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc tổ chức hội nghị công bố quyết định của Bộ Chính trị về công tác cán bộ.

Theo đó, Bộ Chính trị quyết định điều động, phân công, chỉ định ông Dương Văn An, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, nhiệm kỳ 2020-2025 thay cho bà Hoàng Thị Thúy Lan.

Trước đó, ngày 8/3, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với bà Hoàng Thị Thúy Lan, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúcvì tội "Nhận hối lộ" quy định tại Khoản 4, Điều 354 Bộ luật Hình sự do có liên quan đến vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn và Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại & Bất động sản Thăng Long.

Chân dung tân Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Dương Văn An- Ảnh 1.

Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai trao quyết định cho ông Dương Văn An - Ảnh: Báo Vĩnh Phúc

Phát biểu tại buổi nhận quyết định, tân Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An mong muốn trong thời gian tới, Vĩnh Phúc tiếp tục nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ, giúp đỡ của các ban, bộ, ngành Trung ương để Vĩnh Phúc tiếp tục có những bước phát triển mới, xây dựng tỉnh ngày càng giàu mạnh.

Ông Dương Văn An sinh năm 1971, quê xã Phú Hồ, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ông An có trình độ lý luận chính trị cử nhân, trình độ chuyên môn Tiến sĩ Kinh tế học, Thạc sĩ Kinh tế chính trị, Cử nhân Khoa học Địa lý.

Tháng 8/2005 ông Dương Văn An là Phó Bí thư rồi Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn Thừa Thiên Huế. Hai năm sau, ông được chỉ định làm Bí thư Tỉnh đoàn Thừa Thiên Huế, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đoàn.

Sau đó, từ năm 2008 đến năm 2014, ông được chỉ định làm làm Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đoàn, Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đoàn và Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam.

Khi đang công tác tại Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, vào tháng 3/2014, ông An được Ban Bí thư Trung ương Đảng luân chuyển, chỉ định tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình thuận, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và giữ chức vụ phó bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận khóa XII. Ông tái cử phó bí thư Tỉnh ủy khóa XIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020.

Trước khi được điều động, bổ nhiệm làm Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, ông giữ chức bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận khóa XIV nhiệm kỳ 2020-2025, Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận; Đại biểu Quốc hội khóa XV. và Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận, Tổ trưởng Tổ Đảng.

"Làm lãnh đạo không lo được cho dân cũng là tội lỗi"

Ông Dương Văn An khi còn làm Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận đã có những đóng góp đáng kể vào sự phát triển của tỉnh này. Đặc biệt, trong nửa đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025, dù phải trải qua nhiều khó khăn sau đại dịch Covid-19, những biến động về công tác cán bộ nhưng Bình Thuận vẫn bứt phá vươn lên về chỉ số tăng trưởng kinh tế.

Cụ thể, tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) năm 2023 tăng 8,1% so với năm 2022, xếp thứ 14 trong cả nước và xếp thứ 4 trong số 14 địa phương vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ.

Trong khi năm 2022, Bình Thuận chỉ xếp thứ 45 trong 63 tỉnh, thành phố và thứ 10 trong 14 địa phương trong vùng thì kết quả này đã vượt trên mong đợi.

Ông Dương Văn An - Bí thư Tỉnh uỷ Bình Thuận phát biểu tại cuộc họp về hồ chứa nước Ka pét

Ông Dương Văn An - Bí thư Tỉnh uỷ Bình Thuận phát biểu tại cuộc họp về hồ chứa nước Ka Pét - Ảnh: Tiền Phong

Trong năm 2023, dự án hồ trữ nước Ka Pét đã gây nhiều ý kiến trái chiều khi dự án này được đầu tư trên địa bàn xã Mỹ Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận sử dụng diện tích lên tới hơn 600 ha đất rừng, bao gồm cả rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất.

Khi đó với cương vị người đứng đầu Đảng bộ Tỉnh Bình Thuận, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Dương Văn An đã khẳng định tỉnh "không phải làm bất chấp, làm không có khoa học và sẵn sàng tiếp thu ý kiến của báo chí, các nhà khoa học".

Ông nhấn mạnh vai trò quan trọng của hồ chứa nước Ka Pét là cấp nước tưới cho khoảng 7.762 ha đất sản xuất nông nghiệp của huyện Hàm Thuận Nam; cấp nước thô với khoảng 2,63 triệu m3/năm cho Khu công nghiệp Hàm Kiệm II và tạo nguồn nước thô để phục vụ sinh hoạt của 120.000 người dân khu vực huyện Hàm Thuận Nam và TP. Phan Thiết.

"Mất rừng ai cũng tiếc nhưng không thể để cuộc sống người dân khốn khó vì thiếu nước sinh hoạt và sản xuất. Việc xây dựng hồ chứa nước Ka Pét đem lại yếu tố tích cực nổi trội hơn là tiêu cực. Phải nói làm lãnh đạo ở địa phương không lo được cho dân thì cũng là tội lỗi. Giữ rừng cũng cho dân, giữ nước cũng cho dân, dự án này là giữ nước cho dân", ông Dương Văn An nhấn mạnh, khi nói về dự án hồ chứa nước Ka Pét hồi tháng 9/2023.

Ý kiến cho rằng tước bằng lái lỗi nồng độ cồn 'gây thiệt hại cho người dân', bộ GTVT nói gì?Ý kiến cho rằng tước bằng lái lỗi nồng độ cồn "gây thiệt hại cho người dân", bộ GTVT nói gì?

100% ý kiến thành viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội nhất trí với phương án cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại