Ý kiến cho rằng tước bằng lái lỗi nồng độ cồn "gây thiệt hại cho người dân", bộ GTVT nói gì?

Trang Anh |

100% ý kiến thành viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội nhất trí với phương án cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe.

Bộ GTVT vừa có văn bản trả lời Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai về kiến nghị nghiên cứu sửa đổi quy định theo hướng tăng nặng mức xử phạt để răn đe và không tước giấy phép lái xe (hay còn gọi là tước bằng lái) người vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông.

Theo đại biểu này, việc quy định tước GPLX của người vi phạm là chưa phù hợp, gây thiệt hại cho người dân, vì đây là giấy tờ cần thiết phục vụ cho việc điều khiển phương tiện đi lại và đồng thời đó cũng là phương tiện phục vụ nhu cầu đời sống của người dân.

Trả lời vấn đề này, Bộ GTVT cho biết, tước quyền sử dụng GPLX là hình thức xử phạt bổ sung dành cho cá nhân điều khiển phương tiện vi phạm các lỗi giao thông nghiêm trọng.

Trong đó có hành vi điều khiển phương tiện mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, vi phạm được đánh giá có nguy cơ cao ảnh hưởng đến an toàn của người điều khiển phương tiện cũng như an toàn của người, phương tiện tham gia giao thông khác và vi phạm các quy định, yêu cầu đối với người sử dụng GPLX.

Ý kiến cho rằng tước bằng lái lỗi nồng độ cồn

CSGT niêm phong phương tiện vi phạm nồng độ cồn - Ảnh: Cục CSGT

Hiện nay, hình thức xử phạt bổ sung được quy định cụ thể tại Nghị định 100/2019 và Nghị định 123/2021 sửa đổi, bổ sung Nghị định 100/2019.

Căn cứ vào từng trường hợp vi phạm cụ thể, người điều khiển phương tiện có thể bị tước bằng lái (khi điều khiển ô tô, xe mô tô, xe gắn máy, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự) hoặc chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 1-24 tháng.

Mức xử phạt cao nhất là tước quyền sử dụng GPLX từ 22-24 tháng.

Mức phạt này được áp dụng đối với người điều khiển ô tô, mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) thực hiện một trong các hành vi vi phạm liên quan đến nồng độ cồn như điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/lít khí thở; Không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn của người thi hành công vụ; hoặc liên quan đến việc sử dụng các chất ma túy.

Ngoài bị tước quyền sử dụng GPLX, người lái ô tô vi phạm các lỗi trên sẽ bị phạt từ 30-40 triệu đồng; Người lái mô tô, xe máy vi phạm các lỗi trên cũng bị phạt tiền từ 6-8 triệu đồng.

"Hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng GPLX đã được áp dụng thực hiện từ nhiều năm. Có thể thấy, cùng với việc xử lý nghiêm minh của lực lượng chức năng, việc tăng nặng chế tài xử phạt kết hợp với hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng GPLX đã tác động trực tiếp đến người tham gia giao thông, nâng cao hơn nữa ý thức chấp hành pháp luật về ATGT, là giải pháp hiệu quả để hạn chế tai nạn giao thông, phù hợp với thông lệ quốc tế", Bộ GTVT khẳng định.

100% ý kiến nhất trí với phương án cấm tuyệt đối nồng độ cồn

Ngày 15/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục phiên họp thứ 31, cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Tại buổi họp, 100% ý kiến phát biểu nhất trí với phương án cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe vì cho rằng việc này đang từng bước hình thành văn hóa rất tốt, hạn chế tác hại của rượu, bia.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, trong quá trình thẩm tra vẫn còn nhiều loại ý kiến liên quan việc cấm lái xe khi trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.

Ý kiến cho rằng tước bằng lái lỗi nồng độ cồn

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới - Ảnh: Cổng TTĐTCO

Căn cứ ý kiến của các ĐBQH, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh tổng hợp và đề xuất 2 phương án.

Phương án 1: Quy định cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn (kế thừa theo quy định tại khoản 6 Điều 5 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019, áp dụng đối với tất cả các loại phương tiện giao thông đường bộ).

Phương án 2: Quy định như Luật Giao thông đường bộ năm 2008 là cấm: “Điều khiển xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Điều khiển xe mô tô, xe gắn máy mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 mg/100 ml máu hoặc 0,25 mg/1l khí thở”. Đồng thời, phải sửa đổi quy định liên quan tại khoản 6 Điều 5 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019.

“Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí với đề xuất của Chính phủ và đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn Phương án 1 để báo cáo Quốc hội cho phép tiếp tục kế thừa quy định hiện hành để bảo vệ được nhiều tính mạng, sức khỏe, tài sản cho người dân, bảo vệ nguồn lực cho xã hội, bảo vệ tuổi thọ của giống nòi”, Chủ nhiệm Lê Tấn Tới nhấn mạnh.

Điểm h, khoản 11, Điều 5; Điểm g, Khoản 10, Điều 6 và Điểm e, Khoản 10, Điều 7, Nghị định 100/2019 quy định tước quyền sử dụng GPLX từ 22-24 tháng với các trường hợp:

Người điều khiển ô tô, mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) thực hiện một trong các hành vi vi phạm liên quan đến nồng độ cồn như điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/lít khí thở;

Không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn của người thi hành công vụ; hoặc liên quan đến việc sử dụng các chất ma túy.

Ngoài bị tước quyền sử dụng GPLX, người lái ô tô vi phạm các lỗi trên sẽ bị phạt từ 30-40 triệu đồng; Người lái mô tô, xe máy vi phạm các lỗi trên cũng bị phạt tiền từ 6-8 triệu đồng.

Tin gió mùa đông bắc mới nhất: Đầu tuần miền Bắc chuyển mưa rétTin gió mùa đông bắc mới nhất: Đầu tuần miền Bắc chuyển mưa rét

Theo dự báo, khoảng đêm 18/3, bộ phận không khí lạnh sẽ ảnh hưởng đến khu vực phía Đông Bắc Bộ và một số nơi ở phía Tây Bắc Bộ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại