Chân dung Phó Tổng thống Mỹ đầu tiên thăm Việt Nam: Người phụ nữ của "những điều chưa bao giờ" mang làn gió mới đến chính trường Mỹ

Bài: Chi Lan/ Thiết kế: Hương Xuân |

Việc liên minh tranh cử của ông Joe Biden cùng bà Harris dành chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng đã trở thành nguồn cảm hứng dành cho hàng triệu người trên nước Mỹ và cả thế giới. Lần đầu tiên một phụ nữ da màu trở thành Phó Tổng thống.

Trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2020, bà Kamala Harris đã vượt qua những thành viên sáng giá nhất của Đảng Dân chủ như Elizabeth Warren để trở thành ứng viên hàng đầu cho vị trí Phó Tổng thống. Ngày 20/1, liên minh tranh cử của ông Joe Biden chính thức giành chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng và theo đó bà Harris cũng chính thức được xướng tên với vị trí Phó Tổng thống Mỹ.

Ở thời điểm ấy, việc bà đắc cử Phó Tổng thống đã trở thành khoảnh khắc lịch sử. Bà là người có nguồn gốc Jamaica và Ấn Độ, người da màu, người Mỹ gốc Ấn và cũng là người phụ nữ đầu tiên đảm nhiệm vị trí này.

Thậm chí, một phóng viên kỳ cựu của MSNBC đã so sánh sự thành công của bà giống như "vết nứt trên trần nhà" - một thứ tưởng chừng rất nhỏ bé nhưng có thể ảnh hưởng sâu rộng tới bức tranh chính trị tại Mỹ.

Trả lời phỏng vấn của Time, Leighann Blackwood - một cử tri của Georgia, cho biết: "Tôi nhận ra rằng chúng tôi sẽ không chỉ có một nữ Phó Tổng thống, mà còn là một nữ Phó Tổng thống da màu. Với những thành tựu của bà Harris, tôi không nghĩ khoảnh khắc này sẽ mất nhiều thời gian đến như vậy nhưng những gì bà ấy làm được thực sự truyền cảm hứng!"

Chân dung Phó Tổng thống Mỹ đầu tiên thăm Việt Nam: Người phụ nữ của những điều chưa bao giờ mang làn gió mới đến chính trường Mỹ - Ảnh 1.

Bà Harris sinh năm 1964 tại Oakland (California). Mẹ bà, Shyamala Gopalan, là một nhà khoa học ung thư vú di cư từ Tamil Nadu, Ấn Độ, năm 1960 để theo học tiến sĩ ngành nội tiết học tại UC Berkeley. Cha bà, Donald J. Harris, là một giáo sư danh dự chuyên ngành kinh tế của Đại học Stanford, nhập cư từ Jamaica năm 1961 để học kinh tế tại UC Berkeley. Đều là người nhập cư, cha mẹ bà luôn đấu tranh vì nhân quyền.

Năm bà 7 tuổi, cha mẹ bà ly hôn sau đó chuyển đến Montreal (Canada) sống cùng mẹ và em gái. Năm 13 tuổi, bà và em gái Maya đã tổ chức một cuộc biểu tình trước tòa nhà chung cư nơi họ đang sống để phản đối chính sách cấm trẻ em vui chơi trên cỏ.

Chân dung Phó Tổng thống Mỹ đầu tiên thăm Việt Nam: Người phụ nữ của những điều chưa bao giờ mang làn gió mới đến chính trường Mỹ - Ảnh 2.

Người phụ nữ quyền lực này lớn lên với sự ảnh hưởng sâu sắc của mẹ cùng nền tảng tư duy từ cha. Theo đó, xuất thân trong một gia đình nhập cư là chủ đề được Harris nhắc đến như một thông điệp trong thời gian bà tuyên bố tranh cử. Ngoài ra, bà cũng thường xuyên nhắc về mối quan hệ thân thiết, tầm ảnh hưởng đến tư tưởng cũng như sự nghiệp từ người mẹ gốc Ấn.

Harris tốt nghiệp Đại học Howard năm 1986 và học luật tại Đại học Hastings, Đại học California năm 1989. Bà bắt đầu sự nghiệp với vai trò là phó luật sư hạt Alameda, California, trước khi trở thành luật sư quận San Francisco. Từ đây, con đường chính trị của bà cũng chính thức bắt đầu.

Chân dung Phó Tổng thống Mỹ đầu tiên thăm Việt Nam: Người phụ nữ của những điều chưa bao giờ mang làn gió mới đến chính trường Mỹ - Ảnh 3.

Năm 2010, luật sư Harris đã vượt qua đối thủ đảng đến từ Cộng hòa với kết quả sát sao để trở thành Tổng chưởng lý California. 6 năm sau, bà được bầu vào Thượng viện và trở thành phụ nữ người Mỹ gốc Phi thứ hai và gốc Nam Á đầu tiên từng đảm nhiệm vị trí này.

Trong khoảng thời gian giữ chức vụ Tổng chưởng lý bang California, bà đã thu hút sự chú ý từ nghị sĩ các đảng Dân chủ quốc gia, bao gồm cả cựu Tổng thống Barack Obama. Ở "quê nhà" California, bà Harris được đánh giá là một công tố viên sắc sảo nhưng cũng đầy thận trọng.

Trong sự nghiệp của mình, bà Harris có quan điểm ủng hộ kiểm soát súng đạn, cộng đồng LGBT, chính sách bảo hiểm y tế cho tất cả mọi người... Do có sự tương đồng trong việc tiếp cận các vấn đề xã hội và từng theo học trường luật, bà thậm chí được nhiều người gọi là "Obama phiên bản nữ".

Là một thượng nghị sĩ, bà ủng hộ cải cách y tế, hợp pháp hóa cần sa, hỗ trợ trao quyền công dân cho người nhập cư không có giấy tờ, đạo luật DREAM, cấm vũ khí tấn công, và cải cách thuế lũy tiến. Sự chú ý của các cử tri Mỹ hướng đến bà nhiều hơn sau khi đặt ra những câu hỏi thẳng thắn cho quan chức chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump trong những phiên điều trần tại Thượng viện. Ngoài ra, bà cũng ủng hộ việc thực hiện chương trình giáo dục dành cho những tội phạm buôn bán ma túy lần đầu, tạo cơ hội để họ "làm lại cuộc đời".

Chân dung Phó Tổng thống Mỹ đầu tiên thăm Việt Nam: Người phụ nữ của những điều chưa bao giờ mang làn gió mới đến chính trường Mỹ - Ảnh 4.

"Danh tiếng" của bà Harris càng được nâng cao nhờ những câu hỏi chất vấn ông Brett Kavanaugh - lựa chọn gây tranh cãi của Tổng thống Donald Trump cho vị trí thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ, cũng như Tổng công tố liên bang William Barr tại các phiên điều trần ở Thượng viện hay cựu Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions và cấp phó Rod Rosenstein của ông. Thậm chí, ông Sessions còn thừa nhận trong một phiên điều trần rằng cách đặt câu hỏi của bà Harris khiến ông "lo lắng".

Nhìn chung, bà Harris đại diện cho lớp chính trị gia mang nhiều quan điểm hiện đại, mới mẻ và có khả năng kết nối những người trẻ tuổi trong đảng. Hơn nữa, bà cũng được đánh giá là người có quan điểm thực tế, ôn hoà hơn so với các chính trị gia lâu năm của đảng Dân chủ như Bernie Sanders và Elizabeth Warren.

Chân dung Phó Tổng thống Mỹ đầu tiên thăm Việt Nam: Người phụ nữ của những điều chưa bao giờ mang làn gió mới đến chính trường Mỹ - Ảnh 5.

Ngày 7/11, khi các tờ báo lớn của Mỹ đồng loạt "xướng tên" ông Joe Biden đã chính thức đắc cử Tổng thống Mỹ, thì thành tích của bà Harris cũng đánh dấu rất nhiều lần đầu tiên của bà trong lịch sử chính trường Mỹ. Bà Harris đã trở thành phụ nữ Mỹ gốc Phi đầu tiên và cũng là phụ nữ gốc Á đầu tiên trở thành Phó Tổng thống Mỹ.

Câu chuyện về cuộc sống cũng như sự nghiệp của bà Harris đã truyền cảm hứng cho rất nhiều người, đặc biệt là phụ nữ. Trong bài phát biểu mừng chiến thắng hồi tháng 11, bà cho biết: "Mọi bé gái đang theo dõi tôi phát biểu tối nay sẽ thấy rằng Mỹ là một đất nước của những cơ hội. Với tất cả những đứa trẻ, bất kể giới tính, đất nước đã gửi một thông điệp rất rõ ràng: Hãy ước mơ và tham vọng, với niềm tin và nhìn nhận bản thân theo cách mà người khác không thấy được, đơn giản là vì họ chưa bao giờ thấy điều đó. Hãy biết rằng chúng tôi luôn hoan nghênh các bạn trên mọi con đường"

Chân dung Phó Tổng thống Mỹ đầu tiên thăm Việt Nam: Người phụ nữ của những điều chưa bao giờ mang làn gió mới đến chính trường Mỹ - Ảnh 6.

Bà Donna Brazile - cựu Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Đảng Dân chủ - phát biểu trên kênh truyền hình Fox News hồi tháng 11 về chiến thắng của bà Harris. "Tôi đã chờ đợi khoảnh khắc này rất lâu rồi. Hãy để những người phụ nữ cùng chia sẻ vai trò lãnh đạo của đất nước này."

Hồi tháng 4, bà Harris và Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đã cùng nhau tạo ra một khoảnh khắc cực kỳ đặc biệt, đó là lần đầu tiên đứng sau Tổng thống Biden trong 1 bài phát biểu sẽ là 2 người phụ nữ. Theo CNN, 2 chính trị gia ngồi ghế đằng sau tổng thống luôn là những người nổi bật nhất vì họ dễ được nhìn thấy, ngoài ra có thể đưa ra các phản ứng nhanh chóng với những phát biểu của "ông chủ" Nhà Trắng.

Theo Politico, tầm quan trọng biểu tượng từ thành công của bà Harris trong câu chuyện kéo dài nhiều thế kỷ của nước Mỹ là điều không thể phủ nhận. Các nhà phân tích cho đến các nhà hoạt động chống phân biệt chủng tộc đang chờ đợi cho sự thay đổi mang tính cách mạng về bình đẳng giới, chủng tộc và việc bà Harris sẽ mang đến "làn gió mới" cho nước Mỹ như thế nào.

Theo thông báo của Nhà Trắng, bà Harris sẽ thăm Singapore vào ngày 22/8 và đến Việt Nam ngày 24/8. Mục đích của chuyến đi là tăng cường quan hệ và mở rộng hợp tác kinh tế với hai đối tác quan trọng của Mỹ trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại