Khu vực sông nước phía Tây Nam Bộ mang nhiều điểm đẹp giới thiệu hoài không hết, khám phá một sẽ còn hai. Từ ẩm thực, các lễ hội linh đình, địa danh thú vị đến những phong tục tập quán đầy ý nghĩa. Đến miền Tây, đi vài bước là biết được nhiều điều hay. Ví như dọc đường thấy người dân làm mắm, phơi khô; các ngõ trong làng thì bắt gặp nhiều mâm bán bánh lạ; ghé vào nhà nhìn cuộc sống miệt vườn cũng khác khác hay hay. Đặc sản nhà miền Tây, còn có một "chái bếp".
HỒI ĐÓ, BẾP NẤU CƠM ĐƯỢC XÂY HẲN MỘT CĂN RIÊNG SÁT NHÀ, GỌI LÀ CHÁI BẾP
Ở miền Tây, "chái bếp" hay còn được gọi là "căn nhà thêm" là một gian nhà nhỏ liền kề ngôi nhà chính. Đây là nơi dùng để nấu nướng, trữ đồ ăn, để các vật dụng bếp núc và là nơi chứa củi, lá dừa khô dùng nhóm lửa.
Vùng quê sông nước phía Tây Nam bộ nhà nào cũng có một chái bếp sau hè. Đây như là một công thức xây nhà chung, dù là nhà nghèo cũng phải dựng một chái bếp con con, nhà khá giả có đất vườn thì chái bếp sẽ chỉn chu, rộng rãi hơn.
Lí do tại sao mọi người thường chia một khoảng đất phù hợp dành riêng cho gian này thì không có câu trả lời, chỉ biết rằng đây là nơi cần phải có của một căn nhà, là đặc điểm, là thói quen từ xưa.
Chái bếp hồi trước thường được lợp bằng lá dừa nước, sau có thể thay bằng tôn, ván gỗ,… để được bền hơn. Gọi là một gian nhà nhỏ, nên bếp sẽ có cửa riêng để đi vào đàng hoàng, không cần phải đi thông từ nhà chính. Ngoài ra chái bếp còn có cả cửa sổ để thoát khói và bệ xây hay bàn, kệ để đặt lò đất.
Trong chái bếp nhỏ, ngày trước sẽ có các lò đất đủ loại khác nhau để nấu nướng. Thường sẽ thấy bếp củi cà ràng, bếp xây không khói, bếp đôi, bếp đất nung... nhưng vì tính tiện lợi của các loại bếp mới ra đời ngày nay như bếp gas, bếp điện... nhiều "căn nhà thêm" sẽ được thay thế các bếp này. Các bà các mẹ sẽ chia hẳn một khu riêng trong chái bếp để đặt nhiều lò xếp hàng cạnh nhau, tiện cho việc nấu nhiều món cùng lúc. Có nhà thì sẽ đặt dưới đất rồi ngồi chồm hổm mà nấu, có nhà sẽ xây một bệ cao, để đứng nấu cho tiện di chuyển.
Sau đó là khu chứa củi, nếu nơi này rộng thì củi đốt sẽ được dành hẳn một khu riêng để trữ, hẹp thì chất gọn gàng dưới bệ đặt bếp. Đồ vật không thể thiếu trong chái bếp là chiếc tủ, thường gọi là gác-măng-giê, phiên âm theo tiếng Pháp, nghĩa là nơi giữ thức ăn. Chiếc tủ 4 chân thường được kê 4 chén nước, trong chén cò bỏ muối hoặc đặt một còi nổi để gác chân tủ - phòng cho kiến không bò lên. Chính vì trong tủ sẽ để đủ thứ từ gia vị, đồ ăn còn thừa để hâm cho bữa sau, đến cả nồi xoong chén dĩa...
Củi được chất gọn gàng trong chái bếp
Chiếc tủ bếp đựng và bảo quản nhiều loại đồ ăn thay cho tủ lạnh bây giờ
Đặc sản của chái bếp luôn là những chiếc xoong, chảo với cái đáy đen xì. Ở những phòng ăn của những biệt thự, căn nhà lớn làm gì thấy được hình ảnh này.
Đây cũng là một phần góp nên tuổi thơ của những đứa trẻ quê thời 7x, 8x và 9x đời đầu. Thường trẻ con trong nhà hay chơi với nhau trò nào đó, người thua sẽ bị quẹt lọ nghẹ dưới đáy nồi - là lớp khói than cháy dính ở đế khi dùng nấu nướng lâu ngày mà cọ rửa không được. Ngoài ra ở gian còn có đủ các vật dụng liên quan nội trợ như chổi, túi đan, cái nong nia, cái làn...
CHÁI BẾP - TỔ ẤM THỰC SỰ TRONG MỖI CĂN NHÀ NGƯỜI MIỀN TÂY
Dù qua bao thế hệ, cuộc sống trở nên hiện đại hơn nhiều, nhưng dân miền Tây vẫn quan niệm ngôi nhà lớn xây hướng tốt thì việc làm ăn tốt, còn chái bếp tốt thì gia đình sẽ đầm ấm, thuận hoà. Chính vì thế, người ta xây chái bếp sẽ chọn hướng, và dẫu không gian có chật hẹp cũng sẽ sắp xếp gọn gàng. Điều này còn được các bà, các mẹ xưa dùng để đánh giá sự đảm đang của một người vợ, người phụ nữ trong gia đình. Trước khi cưới cô con dâu nào về, khi qua nhà gái xem mắt, họ thường lân la ngó qua chái bếp để xem xét sự chu toàn, khả năng vun vén gia đình của một người con gái.
Trong những ngày lễ, giỗ hay Tết, chái bếp luôn là nơi sum vầy náo nhiệt, đầm ấm nhất của căn nhà. Mọi người đều tụ lại không gian hẹp này để bày biện nấu nướng, cùng lo liệu và hỏi han nhau. Chái bếp như một biểu tượng của sự hạnh phúc trong nhà. Bởi vậy mà khi về miền Tây, nghe các dì nói chuyện với nhau, sang thăm nhà nào mà về báo câu: "Bếp núc lạnh tanh à!" thì có nghĩa là gia đình nhà đó không vui vẻ. Một là nhà trở nên neo người nên không thổi bếp, hai là vợ chồng cãi nhau không nấu mâm cơm nhà.
Bây giờ miền Tây có không ít nhà xây phòng bếp chung vào căn nhà, có lối đi thông từ cửa chính. Thế nhưng xen giữa những ngôi nhà có thiết kế hiện đại vẫn còn nhiều nhà giữ nét đẹp truyền thống của phong tục tập quán người Nam Bộ xưa, vẫn thích có chái bếp riêng ở sau hè, nằm ngoài khu đất. Và nhiều người vẫn thích ăn cơm nấu bằng củi, than thay vì bếp gas, nồi cơm điện. Họ nói rằng, mâm cơm nấu bằng củi có hương vị ngon hơn, chắc có thể là do hương của khói củi, cũng có thể là hương của hồn quê mộc mạc quen thuộc từ lâu.
Những mâm cơm nhà được nấu bằng lò củi, trong chái bếp quê vẫn mang nét gì riêng nhất