Trong thế giới đầy biến động và áp lực như hiện nay, việc dạy con vượt qua thử thách và đối mặt với thất bại không chỉ là một bài học, mà còn là một món quà vô giá mà cha mẹ có thể trao cho con cái. Khi sự chịu đựng và khả năng tư duy là nền tảng vững chắc cho sự phát triển, trẻ em sẽ lớn lên và trở thành những người kiên cường, tự tin và đủ khả năng đối mặt với bất kỳ thách thức nào trong cuộc sống.
Thực tế, rất ít phụ huynh nói cho con biết phải làm gì khi gặp thất bại, cách khắc phục hậu quả ra sao, cách chịu áp lực thế nào? Họ chỉ chú trọng nhắc nhở con ngoan ngoãn và cố gắng học hành chăm chỉ. Điều này khiến trẻ gần như không có khả năng chống đỡ khi đối mặt với những cảm xúc tiêu cực. Dần dần, chúng sẽ trở nên yếu đuối khi đối mặt với khó khăn mà không biết tìm cách vượt qua.
Ngược lại, không ít cha mẹ hiện nay cũng đè nặng áp lực lên con. Một nghiên cứu tại Đại học Harvard đã chỉ ra rằng mức độ áp lực cao từ phía cha mẹ có thể là nguyên nhân dẫn đến tình trạng lo âu và trầm cảm ở trẻ. Ngoài ra, Tạp chí Trẻ em và Gia đình cũng công bố phát hiện về mối liên hệ giữa sự áp đặt của cha mẹ với thành tích học tập và mức độ căng thẳng tăng lên ở trẻ.
Cách để giúp trẻ đối mặt với áp lực một cách lành mạnh?
Ông Kuze Koji – Hiệu trưởng một trường Tâm lý học tích cực tại Nhật Bản từng chia sẻ: "Để nuôi dưỡng đứa trẻ có trái tim mạnh mẽ, bản lĩnh phi thường; cha mẹ cần trau dồi cho con cách kiểm soát cảm xúc, nâng cao năng lực bản thân, duy trì thái độ lạc quan và chú trọng phát triển các mối quan hệ".
Ngoài ra, việc nhận diện và hiểu biết về khả năng, sở thích cá nhân của trẻ cũng vô cùng quan trọng. Mỗi đứa trẻ đều có điểm mạnh và giới hạn riêng của mình. Do đó, cha mẹ cần thấu hiểu và tôn trọng những điều này, không đặt nặng kỳ vọng vượt quá khả năng con mình.
Cha mẹ nên thực hành phương pháp nuôi dưỡng tình yêu thương với con cái. Trong đó các bậc cha mẹ cung cấp sự hỗ trợ về mặt tình cảm, khích lệ trẻ mạnh dạn dấn thân và chấp nhận thất bại như một phần không thể thiếu trong cuộc sống.
Việc áp dụng các kỹ thuật quản lý căng thẳng như thực hành thiền, yoga hoặc các bài tập thở để giúp trẻ giảm mức độ căng thẳng và tập trung vào hiện tại, từ đó xây dựng nền tảng tâm lý vững chắc để đối diện với áp lực, cũng vô cùng cần thiết.
Hơn nữa, việc thiết lập một lối sống cân bằng bằng cách khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động ngoại khóa, tương tác xã hội và thời gian nghỉ ngơi hợp lý cũng không kém phần quan trọng trong việc giúp trẻ học cách quản lý áp lực.
Cuối cùng, việc tìm kiếm sự hỗ trợ từ các chuyên gia tâm lý, nhà giáo dục có thể cung cấp cho cha mẹ những kiến thức và công cụ cần thiết khi con cái đối mặt với áp lực mà không biết làm cách nào để thoát ra mớ bòng bong đó.