Cha đỗ Tiến sĩ dạy con đậu Trạng nguyên danh tiếng thành Nam

Trần Siêu |

Ở Nam Định, danh tiếng Trạng nguyên Đào Sư Tích vẫn vẹn nguyên tiếng học - dù vị danh nhân đã cách xa ngày nay 600 năm có lẻ.

Cha đỗ Tiến sĩ dạy con đậu Trạng nguyên tạo nên dòng họ Đào khoa bảng nức tiếng nước Nam - trở thành hình mẫu học tập cho nhiều dòng họ từ xưa đến nay.

Chuyện dạy và học của cha con nhà khoa bảng vang danh Đào Toàn Bân - Đào Sư Tích không chỉ được vua khen, dân vọng, mà còn đặt ra những nền tảng giáo dục gia đình, khơi gợi truyền thống học tập không ngừng.

Bởi vậy, dân gian vẫn còn truyền lại câu đối: “Đào tộc Song Khê khai học hải/ Dương danh Cổ Lễ khởi văn giai” (Họ Đào Song Khê mở ra biển học/ Tiếng Dương Cổ Lễ xây dựng nền văn).

Cha dạy con đỗ Trạng nguyên

Cha đỗ Tiến sĩ dạy con đậu Trạng nguyên danh tiếng thành Nam - Ảnh 1.

Tranh vẽ chân dung Trạng nguyên Đào Sư Tích.

Ở Nam Định, danh tiếng Trạng nguyên Đào Sư Tích vẫn vẹn nguyên tiếng học - dù vị danh nhân đã cách xa ngày nay 600 năm có lẻ. Từ đền thờ đến những giai thoại của Trạng nguyên luôn là bài học sáng cho các thế hệ suy ngẫm noi theo.

Đào Sư Tích (1350 - 1396), quê làng Cổ Lễ, huyện Tây Chân, phủ Thiên Trường (nay là thị trấn Cổ Lễ, huyện Trực Ninh - Nam Định). Ông là một trong 5 vị Trạng nguyên của vùng đất học Nam Định - cùng với Nguyễn Hiền, Lương Thế Vinh, Vũ Tuấn Chiêu, Trần Văn Bảo.

Đào Sư Tích sinh ra trong một dòng họ có truyền thống khoa bảng. Thời vua Trần Nhân Tông, họ Đào đã có Đào Dương Bật đỗ Thái học sinh, là bậc Khai quốc công thần, từng giữ chức Thượng thư bộ Binh kiêm Đông các đại học sĩ.

Ở khoa thi Hương, Đào Sư Tích đỗ thứ nhất. Vào thi Hội, thi Đình ông đều đỗ đầu, trở thành Trạng nguyên khoa Giáp Dần niên hiệu Long Khánh đời vua Trần Duệ Tông (1374).

Đến nay, dòng họ Đào còn lưu truyền giai thoại kể rằng, cụ Đào Toàn Bân (cha của Đào Sư Tích) từng được nhà giáo Chu Văn An đề tặng là “Đại sư vô nhị” (Bậc thầy có một không hai). Khi Đào Sư Tích thi đỗ Trạng Nguyên, được vào bái yết vua Trần. Vua hỏi rằng: Trạng nguyên do ai dạy bảo? Đào Sư Tích thưa rằng: Dạ do chính cha thần dạy dỗ.

Vua Trần bèn cho vời cụ Đào Toàn Bân vào triều và khen là: “Phụ giáo tử đăng khoa” (Cha dạy con thi đỗ) rồi ra vế đối thử tài: “Viên ngoại ba tiêu, vô phu quân, tứ thời hữu kết” (Cây chuối ngoài vườn, không có chồng, mà bốn mùa kết trái). Đào Toàn Bân ứng đối ngay: “Mộc tại nguyệt thiên, vô thổ bồi, bát nguyệt giai xuân” (Cây mọc ở cung trăng, không đất bồi, mà vẫn cứ tươi tốt).

Lần giở lịch sử khoa bảng mới thấy một hiện tượng hiếm có ở nước ta là trong khoa thi Giáp Dần (1374), cả ba người học trò của Đào Toàn Bân đều đỗ cao: Con trai là Đào Sư Tích đỗ Trạng nguyên, hai học trò là Lê Hiến Giản (tức Lê Hiến Phủ) đỗ Bảng nhãn, Lê Hiến Tứ đỗ Tiến sĩ (Thái học sinh). Cả bốn thày trò đều làm quan đồng triều.

Bài thi đỗ Trạng

Cha đỗ Tiến sĩ dạy con đậu Trạng nguyên danh tiếng thành Nam - Ảnh 2.

Mũ áo Trạng nguyên Đào Sư Tích tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Vua Trần Duệ Tông ngoài việc khen Đào Toàn Bân là “Phụ giáo tử đăng khoa” tặng kèm câu đối: “Phụ đăng khoa, tử đăng khoa, phụ tử kế đăng khoa chi nghiệp” (Nghĩa là: Cha đỗ, con đỗ, cha con nối nhau làm nên sự nghiệp học vấn đỗ đạt).

Tân Trạng nguyên Đào Sư Tích thấy vậy liền đối lại: “Tổ tích đức, tôn tích đức, tổ tôn bồi tích đức chi cơ” (Nghĩa là: Ông tích đức, cháu tích đức, ông cháu cùng vun trồng cơ nghiệp đức).

Tài năng của Đào Sư Tích cho đến ngày nay vẫn được hậu thế rất mực ngưỡng mộ. Bài thi văn sách của ông vẫn được lưu giữ như báu vật về sự học. Đề thi ấy do vua Trần Duệ Tông ra đề. Nội dung nói về việc tìm và dùng người tài.

Cuối đề là lời lẽ thống thiết: “Sĩ đại phu hãy trình bày những điều trọng yếu của việc làm chắc chắn, xét đoán phân minh, ý chí thành thực để chỉ những chỗ Trẫm chưa làm được, để hưng khởi được hiệu quả trong việc dùng người. Đấy là điều mà Trẫm trông mong ở các bậc sĩ đại phu”.

Đào Sư Tích đã phân tích cặn kẽ với lời gan ruột: “Thần nghe: Triều đình là gốc của thiên hạ, vị nhân quân là gốc của triều đình, nhưng cái “tâm” lại là gốc của nhân quân. Nhân quân có khả năng “chính Tâm” thì mới “chính” được triều đình. “Chính” được triều đình là để “chính” bách quan.

Trăm quan đã “chính” thì chẳng có ai mà dám chẳng xuất phát từ sự chính trực của lòng mình với quân thượng… Chỉ cần giữ nghiêm ngặt trong khi chọn con người mẫu mực, khắc phục những điều nhỏ mọn của họ và dùng họ không có chỗ nào mà không xứng đáng với tài năng, trọng bậc đại thần và thể lòng các quần thần mà đối xử với họ, thì không ai không hết lòng.

Cái mà trong lời thánh sách bảo hãy trình bày điều trọng yếu của hành đốc, thẩm minh, chí thành hẳn là ở đấy…”.

Hoặc: “Thần nghe, các bậc tiên Nho nói: Những điều trọng yếu trong việc tu nhân của vị nhân quân có ba điều: Nhân, Minh, Võ. Vị vả lấy cái thân của một người ở địa vị đứng trên trăm họ, há đâu chỉ có khả năng thuộc về trí lực? Cái mà được trăm họ trông cậy vào để làm kỷ cương then chốt là chỉ có sự vận dụng bản thân mà thôi…”.

Theo các sử gia, bài văn Đình đối tuyệt mỹ ấy trong kỳ thi khoa Giáp Dần năm 1374 đã giúp Đào Sư Tích đỗ Trạng nguyên. Đây cũng là bài văn Đình đối duy nhất của các khoa thi Đình thời Trần còn được ghi chép lại.

Nối nghiệp học vấn

Cha đỗ Tiến sĩ dạy con đậu Trạng nguyên danh tiếng thành Nam - Ảnh 3.

Đền thờ Đào Sư Tích tại Cổ Lễ (Trực Ninh – Nam Định).

Theo nhà nghiên cứu Trần Mỹ Giống, Tiến sĩ Đào Toàn Bân vốn người làng Song Khê (Bắc Giang), hồi nhỏ đi học ở Cổ Lễ (Nam Định) rồi lấy vợ và sinh sống tại đó.

Ông đỗ Hương cống khoa Giáp Tý thời Trần, đỗ Hoàng giáp khoa Nhâm Dần (1362) đời Trần Dụ Tông, làm quan tới Lễ bộ Thượng thư, Tri thẩm hình viện sự. Ông là một nhà giáo nổi tiếng về phương pháp dạy học, học trò có nhiều người thành đạt.

Đào Sư Tích là con thứ của Đào Toàn Bân. Vốn có tư chất thông minh, ham học, được người cha nổi tiếng dạy dỗ, Đào Sư Tích sớm bộc lộ tài thơ phú, lực học hơn hẳn các bạn cùng lứa tuổi, năm 7 tuổi đã nổi tiếng là thần đồng.

Truyền thống khoa bảng dòng họ Đào đã ảnh hưởng tới Đào Sư Tích. Ông đi thi với quyết tâm đỗ đạt danh vị cao. Tương truyền, khi ông đi thi Đình, vừa ra đầu ngõ thì gặp một thiếu nữ. Ông xẵng giọng: “Ta đi thi mà gặp gái”.

Cô gái là người có chữ, bèn chiết tự: “Tử gặp nữ là hảo. Phen này anh đỗ Tiến sĩ”. Đào Sư Tích lại mắng: “Tiến sĩ thì thấm tháp gì”. Thiếu nữ tươi cười: “Vậy thì đỗ Trạng nguyên được chưa?”. Đào Sư Tích đáp: “Thế thì được”. Khoa ấy ông đậu Trạng nguyên thật.

Cha đỗ Tiến sĩ dạy con đậu Trạng nguyên danh tiếng thành Nam - Ảnh 5.

Bia mộ Trạng nguyên Đào Sư Tích.

Trạng nguyên Đào Sư Tích là người tiêu biểu nhất trong truyền thống khoa bảng của họ Đào ở Cổ Lễ (Nam Định), Song Khê (Bắc Giang) và Đông Trang (Ninh Bình). Truyền thống đó được hậu duệ của ông nối tiếp không ngừng.

Đào Thục Viên đỗ Tiến sĩ khoa Nhâm Tuất (1502) đời Lê Hiến Tông, làm đến chức Hàn lâm. Dương Bật Trạc đỗ Tiến sĩ khoa Ất Mùi (1715) đời Lê Dụ Tông, làm quan đến Hiến sát sứ. Bật Trạc trước họ Đào, đến đời ông mới đổi ra họ Dương.

“Điều đáng chú ý là từ Đào Toàn Bân, Đào Sư Tích đến Dương Bật Trạc đều từng là các vị quan trông coi pháp luật. Chắc chắn họ phải là những người ngoài tài năng còn phải có đạo đức trong sáng mới được giao những nhiệm vụ “cầm cân nảy mực” giữ gìn phép nước”, ông Trần Mỹ Giống cho biết.

Sinh thời Đào Sư Tích nổi tiếng về văn học. Cha con ông được coi là những người khơi dòng văn học của họ Đào. Câu đối ở nhà thờ họ Đào - Phạm - Dương Cổ Lễ còn ghi rõ: “Đào tộc Song Khê khai học hải/ Dương danh Cổ Lễ khởi văn giai (Họ Đào Song Khê mở ra biển học/ Tiếng Dương Cổ Lễ xây dựng nền văn).

Sự nghiệp khoa giáp của ông còn được lưu danh muôn thuở, như câu đối ở Lăng quan Trạng: “Cổ Lễ miếu đường lưu vạn đại/Trần triều khoa giáp đệ nhất môn” (Miếu thờ Cổ Lễ còn muôn thuở/Khoa giáp triều Trần mấy kẻ hơn).

Theo cuốn gia phả họ Đào, năm 1384 khi đang làm quan ở cung Thiên Trường thì cụ Đào Toàn Bân đột ngột qua đời ở tuổi 76. Sau khi mất, thi hài được đưa về quê (Bắc Giang). Còn Đào Sư Tích vì có mâu thuẫn với Hồ Quý Ly mà bị hãm hại giáng chức.

Năm 1394, nhà Minh có nhiều yêu sách, gây khó khăn nhằm xâm chiếm nước ta, bắt cống nạp nhiều lễ vật. Vua Trần biết Đào Sư Tích là người có tài ứng xử, học nhiều hiểu rộng, biết cách bang giao liền xuống chiếu cho mời ông về triều và cử đi sứ sang nhà Minh.

Với tài năng của mình, Đào Sư Tích đã thuyết phục được vua Minh xóa bỏ được các lệ cống nạp hàng năm giữa nước Việt với nhà Minh.

Ngày 4 tháng 9 năm Bính Tý (1396), Đào Sư Tích qua đời đột ngột trong thời gian đi sứ, thọ 49 tuổi. Vua Minh cho đoàn xa kỵ hộ tống thi hài Trạng nguyên Đào Sư Tích về Đại Việt. Ông được dân làng Cổ Lễ lập đền thờ, gọi là “Đào Sư Tích từ”. Ngày nay, tại chùa Cổ Lễ vẫn còn tấm bia nói về công đức của hai cha con họ Đào.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại