Ngày 7/8/2013, sau hơn 40 năm sống trên cây, tách biệt trong khu rừng già thuộc huyện Tây Trà (Quảng Ngãi), 2 cha con ông Hồ Văn Thanh (86 tuổi) và Hồ Văn Lang (45 tuổi) được đưa trở về cộng đồng, trong sự bỡ ngỡ, lạ lẫm mọi thứ.
Câu chuyện 40 năm sống ở rừng sâu của họ nhanh chóng trở thành chủ đề bàn tán xôn xao trên nhiều phương tiện truyền thông trong và ngoài nước.
Nhiều bài viết, bộ phim dựng lại cuộc sống tách biệt cha con người rừng được thực hiện công phu.
Bẵng đi một thời gian, những ngày cuối năm 2016, chúng tôi tìm về căn nhà cha con ông Hồ Văn Thanh và Hồ Văn Lang đang sinh sống ở huyện Tây Trà (Quảng Ngãi).
So với một huyện miền núi đa phần người dân còn quá nhiều khó khăn, căn nhà cha con người rừng được những nhà hảo tâm xây dựng khá kiên cố.
Gặp chúng tôi, ông Hồ Văn Thanh đang ngồi co ro trên chiếc giường xem tivi, không nói không rằng khi nhìn thấy người lạ.
Còn “người rừng” con Hồ Văn Lang đang loay hoay giúp vợ chồng anh Hồ Văn Tri (em ruột ông Lang) gói những đòn bánh tét cuối năm.
Thấy chúng tôi, ông Lang cười và không quên gửi lời chào phấn khích: “Khỏe không, mới lên hả?”.
Trong suốt buổi chiều, ông Lang thành thạo từng công việc từ cắt lá để gói bánh, chẻ lạt, bó những cây bánh tét xinh xắn và chuyện trò với những người xung quanh bằng ngôn ngữ riêng của người Cor như một người bình thường trong làng.
Theo lời anh Hồ Văn Tri, từ ngày về sống chung với gia đình, đến giờ anh Lang đã thành thạo tất cả mọi việc và có thể giao tiếp, nói chuyện bình thường như bao người khác.
“Anh Lang giỏi lắm, là lao động chính trong nhà rồi. Sáng sớm anh Lang đi rừng hái đót, chặt mây, đến chiều mới về nhà. Lúc nào không đi rừng thì đi đốn củi, đi núi chặt lồ ô như những người khác trong thôn.
Anh Lang ít chịu ở nhà. Anh nói phải đi làm nhiều thứ để kiếm tiền mua gạo, mua thuốc hút”, anh Tri kể trong sự vui mừng.
Theo lời anh Tri, dù rất giỏi nhưng cũng có một số chuyện anh Lang rất sợ không dám làm như chuyện đi chăn trâu vì anh Lang sợ con trâu nó húc, hay chuyện xuống ruộng cấy lúa vì anh bảo “dơ lắm”.
“Có lẽ hồi xưa ở rừng anh chưa một lần gặp con trâu, chưa bao giờ lội xuống bùn cấy lúa nên không dám làm. Thấy con trâu là anh bỏ chạy”, anh Tri kể.
Khi nghe chúng tôi hỏi: “Có muốn lấy vợ không ?”, ông Hồ Văn Lang tỏ vẻ phấn khích.
Dù không nói được tiếng Kinh sành sỏi nhưng trong ánh mắt của người đàn ông hơn 40 năm sống trong rừng vẫn có sự biểu cảm vui vẻ, phấn khích khi đưa một phụ nữ nào đó đến gần.
Anh Hồ Văn Tri kể, có hôm anh Lang đi ăn giỗ nên uống rượu về nhà còn trách ông cụ sao không đưa về nhà sớm hơn để anh lấy vợ.
“Hồi còn ở trong rừng, mỗi lần chúng tôi đến thăm, anh Lang đều muốn về nhưng ông cụ không cho, có lẽ vì vậy bây giờ anh Lang trách ông cụ đó.
Nhiều lúc mình nói anh Lang lấy vợ để nấu cơm, anh Lang cười rất phấn khởi. Anh Lang muốn có vợ lắm”, anh Tri nói.
Còn về “người rừng” cha Hồ Văn Thanh từ khi ông trở về với cuộc sống cộng đồng vẫn giữ thói quen ít nói chuyện, suốt ngày ngồi một mình trong bếp, cũng ít tiếp xúc với ai.
“Ông cụ vẫn không thay đổi nhiều dù đã về đây hơn 3 năm. Có những lần mình dẫn ông cụ đi dạo quanh xóm nhưng ông nhất định không chịu, chỉ ngồi ở trong nhà.
Ông vẫn còn thói quen uống nước bằng cây lồ ô, ăn cơm bằng ống lồ ô. Mấy năm đưa ông về đây, giờ ông cũng yếu đi nhiều rồi”, chị Hồ Thị Nhung, vợ anh Tri kể.
Ông Hoàng Anh Ngọc - Chủ tịch UBND huyện Tây Trà cho biết, sau khi được đưa từ rừng sâu trở về, đến nay cha con ông Hồ Văn Thanh và Hồ Văn Lang đã hòa nhập rất nhanh với cuộc sống cộng đồng.
“Dù nhận được rất nhiều quan tâm, giúp đỡ của chính quyền địa phương nhưng do hoàn cảnh nghèo khó nên gia đình ông Lang rất cần được giúp đỡ của các nhà hảo tâm, thoát khỏi cảnh nghèo khó”, ông Ngọc cho biết.