Chúng tôi không bao giờ quên mang Tết sớm cho họ

Mạnh Mường |

Sáng Hà Nội chớm lạnh, xe chúng tôi chở theo bánh chưng và những bao lì xì được gói ghém trang trọng để mang Tết sớm đến với những con người đặc biệt ở Đan Phượng và Phúc Thọ.

Vươn lên từng ngày

Chúng tôi đi trao những chiếc bánh chưng được gói ghém cẩn thận chỉn chu cùng những bao lì xì, mang không khí Tết sớm 2017 cho những con người đặc biệt ở hai huyện Đan Phượng và Phúc Thọ. Đó là những người kém may mắn, những người mù có hoàn cảnh khó khăn.

Có mặt ở Hội người mù huyện Đan Phượng lúc 9 giờ sáng, chúng tôi đã thấy các hội viên đến rất đông đủ, lấp đầy các hàng ghế ở hội trường.

Mỗi người một vẻ, không ai giống ai, họ không ồn ào mà tất cả cứ lặng im cứ như mọi giác quan đều ưu tiên cho đôi tai để cảm thụ tất cả xung quanh.

Bà Hoàng Thị Mai (1960) đã 15 năm không nhìn thấy. Ban đầu khi mới bị bệnh gia đình không có tiền chạy chữa nên đành lòng để mắt cứ mờ dần, cho đến khi vay mượn được tiền để chạy chữa thì không còn hy vọng gì nữa.

Chúng tôi không bao giờ quên mang Tết sớm cho họ - Ảnh 1.

Bà Hoàng Thị Mai (áo trắng) nhờ người cháu trong họ đưa đến trụ sở Hội nhận quà Tết.

Bà Mai cho biết, vợ chồng sống với nhau hơn 30 năm, có với nhau hai người con trai và hai con gái. Hai con gái lớn nay đã lấy chồng nhưng vì điều kiện xa xôi và hoàn cảnh cũng nghèo nên không giúp đỡ được gì cho mẹ.

Chồng bị thần kinh mất năm 2008, nên hiện tại bà Mai chỉ sống dựa vào khoản trợ cấp hàng tháng.

Nay, cậu con trai út còn nhỏ, chưa thể tự kiếm tiền, nên công việc trong nhà của ba mẹ con phụ thuộc Phùng Trọng Luyến (1994) là con trai thứ ba của bà Mai. Luyến xin được công việc đi chôn, kéo cáp điện, tuy thu nhập không cao nhưng khéo chắt chiu, góp cùng khoản trợ cấp của mẹ cũng đủ trang trải cho ba mẹ con.

Chúng tôi không bao giờ quên mang Tết sớm cho họ - Ảnh 2.

Ông Bùi Trọng Minh, Phó chủ tịch Hội người mù Thành phố Hà Nội trong buổi trao tặng quà Tết cho người mù nghèo.

Ông Bùi Trọng Minh, Phó chủ tịch Hội người mù Thành phố Hà Nội chia sẻ với chúng tôi: "Năm 2016 trên địa bàn Hà Nội có 408 hội viên Hội người mù nằm trong diện nghèo nhưng năm nay so với tỷ lệ nghèo của thành phố thì số người mù nghèo giảm xuống còn 6,53%.

Việc chọn hội viên nào nhận quà đều phải đưa ra trước chính quyền thôn, xóm để bầu chọn và đưa danh sách lên."

Chúng tôi không bao giờ quên mang Tết sớm cho họ - Ảnh 3.

Những con người kém may mắn, họ đang cố gắng từng ngày để cuộc sống tốt được tốt hơn.

Hiện tại, người mù nghèo của Thành phố Hà Nội có 3 mức trợ cấp khác nhau, trong đó mức thấp nhất là 525.000đ/tháng/hội viên, đảm bảo 100% hội viên đều được hưởng chính sách an sinh xã hội

Có rất nhiều hội viên phải sống dựa hoàn toàn trợ cấp hàng tháng. Nên ai ai cũng phải chắt chiu phòng lúc ốm đau bệnh tật.

Ai còn sức lao động thì đi học các nghề tẩm quất hoặc lao động thủ công, có người tranh thủ đi bán tăm, bán chổi.

Thông thường hội trường của Hội vừa dùng làm nơi hội họp, vừa là nơi để hàng ngày các hội viên tập trung làm tăm, làm chổi mang đi bán.

Việc bán tăm và chổi, ít nhiều cũng mang lại nguồn thu cho hội viên. Tuy nhiên, thị trường tăm và chổi hiện nay gặp phải sự canh tranh rất lớn nên việc tiêu thụ cũng khó khăn, dẫn đến ảnh hưởng đến thu nhập của hội viên.

Chúng tôi không bao giờ quên mang Tết sớm cho họ - Ảnh 4.

Còn nhiều những người mù có hoàn cảnh khó khăn cần được quan tâm, giúp đỡ.

Những điểm sáng trong hoạt động Hội người mù

Công tác của Hội người mù Thành phố Hà Nội hướng đến 3 mảng hoạt động chính: công tác tổ chức của Hội; công tác lao động sản xuất, chăm lo đời sống việc làm, chăm lo tinh thần vật chất; công tác tuyên truyền các chương trình hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, dạy chữ, dạy nghề, phục hồi chức năng.

Được biết, Hội người mù Thành phố đang đầu tư số vốn gần 30 tỷ cho các Hội viên của 30 đơn vị trên địa bàn thành phố vay vốn phát triển kinh tế hộ gia đình theo lãi xuất ưu đãi, cũng nhờ đó nhiều người đã xóa được đói, giảm được nghèo, tạo được việc làm cho người mù và gia đình người mù.

Chúng tôi không bao giờ quên mang Tết sớm cho họ - Ảnh 5.

Ông Trần Huy Việt, đại diện Trường ĐH Đại Nam nhận sản phẩm tăm tre từ đại diện Hội người mù huyện Phúc Thọ.

Hội đang mở rộng đào tạo dạy nghề, nhất là nghề tầm quất, xoa bóp, có những em đã có nguồn thu nhập từ 3,5 đến 4 triệu đồng; bên cạnh đó, dạy công nghệ thông tin, giúp các hội viên có thể ứng dụng công nghệ như nhắn tin, gọi điện, liên lạc. Từ đó, tạo tiền đề cho các em phát triển.

Ông Bùi Trọng Minh phấn khởi cho biết: "Cho đến nay Thành Hội rất tự hào vì có 2 cháu đang học Thạc sĩ bên Nhật chuyên về châm cứu."

"Dù cho cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng chúng tôi luôn cảm thấy tự hào vì luôn chăm lo toàn diện đến đời sống cán bộ, hội viên trên địa bàn thành phố, phấn đấu 100% người mù trên địa bàn được đón Tết, được thăm hỏi, tặng quà..... Chúng tôi rất cảm ơn Báo Trí Thức Trẻ đã nhiều năm đồng hành với chúng tôi...". Ông Minh nói thêm về chương trình tặng quà Tết.

Chúng tôi không bao giờ quên mang Tết sớm cho họ - Ảnh 6.

Niềm vui của những người mù nghèo ngày nhận quà Tết.

Chương trình tặng quà Tết sớm 2017 đã trao cho 30 người mù nghèo của hai huyện Đan Phượng và Phúc Thọ 30 suất quà, mỗi suất quà là một cặp bánh chưng do chính tay thầy và trò trường ĐH Đại Nam gói ghém, kèm phòng bì lì xì 500,0000đ – là số tiền chương trình vận động được từ sự đóng góp của các đơn vị, các cá nhân hảo tâm. Cụ thể:

1. Cô Nguyen Thi Anh Thu: 1.000.000đ

2. Đặng Vân Giang: 300.000đ

3. Nụ Phạm: 300.000đ

4. chị Ngoc Le: 500.000đ

5. Cao Thị Dung: 200.000đ

6. Huong Xuxu: 300.000đ

7. Ngày Nắng: 300.000đ

8. Thủy Nguyễn: 500.000đ

9. chị Trang Bùi: 1.000.000đ

10. chị Thanh Dinh: 300 USD

11. ĐH Đại Nam: 5.000.000đ

Tổng: 9.400.000đ + 300 USD

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại