"Khối vàng sưa" vừa ra khỏi xã đã bị bắt...
Từng ví là "khối vàng ròng lộ thiên", hai cây sưa ở chùa làng Phụ Chính (Hòa Chính, Chương Mỹ, Hà Nội) đã được định giá không dưới 150 tỷ đồng, trong đó, gốc sưa lớn giá không dưới 100 tỷ còn gốc sưa nhỏ giá cũng không dưới 50 tỷ.
Nhưng như ông Nguyễn Xuân Ngợi, đại diện Chi hội người cao tuổi của thôn thì cũng từ "hai khối vàng ròng này" mà khung cảnh yên ả của ngôi làng ven "từng được coi giàu nhất" bờ sông Đáy đã mất dần đi và thay vào đó là sự lo lắng, bất an.
Mọi chuyện, theo ông Ngơi bắt đầu từ rằm tháng 7/2010, khi các cụ và người dân Phụ Chính đang tế lễ trong chùa bỗng dưng một cành sưa to bằng cổ chân bị mối đục từ trên cao rơi xuống.
Các cụ cao niên trong làng đã họp đưa vấn đề khai thác những cành sưa già cỗi để tránh nguy hiểm khi gió bão, đồng thời có thêm kinh phí xây đình, tu sửa chùa và 100% biểu quyết tán thành đề xuất khai thác.
Sau đó, ông Dương Văn Thái, người ở làng Đồng Kỵ (Từ Sơn, Bắc Ninh) đã trúng đấu giá 2,506 m3 với số tiền 20,5 tỷ đồng.
Trước khi tổ chức bán đấu giá số gỗ sưa, theo ông Ngợi, dân làng Phụ Chính đã tìm hiểu cặn kẽ pháp luật.
Gốc sưa trăm tỷ được "áo giáp sắt" bảo vệ đang có dấu hiệu khô, mục.
UBND xã Hòa Chính cũng trực tiếp xác nhận nguồn gốc lâm sản. Hạt Kiểm lâm huyện Chương Mỹ cũng đã có dấu búa vào số gỗ buôn bán giữa làng Phụ Chính và ông Dương Văn Thái
Vậy nhưng khi xe chở số gỗ trên vừa ra khỏi địa phận xã Hòa Chính, sang xã Đồng Phú thì bị công an huyện Chương Mỹ kiểm tra, tạm giữ. Số tiền 20,5 tỷ đồng bán gỗ sưa được chuyển thành 11 sổ tiết kiệm cũng bị phong tỏa.
Trong quá trình điều tra, ngày 5/5/2011, Công an Hà Nội có công văn gửi Tổng cục Lâm nghiệp xin ý kiến xử lý số gỗ.
Ngày 25/5/2011, Tổng cục Lâm nghiệp có văn bản khẳng định, số gỗ sưa này là cây trồng phân tán, do cộng đồng thôn Phụ Chính quản lý, chăm sóc, bảo vệ thì việc khai thác, sử dụng do cộng đồng thôn tự quyết định.
Ngày 26/3/2013, cơ quan công an đã ra kết luận "chưa có cá nhân nào được hưởng lợi từ số tiền mua, bán 2,5 m3 gỗ sưa" và không khởi tố vụ án hình sự số 78/03/2013 vì không có hành vi phạm tội.
"Chúng tôi đã đi rất nhiều các cơ quan từ Trung ương đến thành phố để khiếu nại việc vì sao lại bắt giữ như vậy và các cơ quan đều trả lời là số gỗ sưa thuộc quyền khai thác và sử dụng của dân làng Phụ Chính.
Khi cơ quan công an xác định không khởi tố vụ án, không có dấu hiệu vi phạm hành chính và số tiền ông Thái dùng để mua gỗ là hợp pháp thì tưởng chừng số gỗ sưa sẽ được trao trả cho người mua, số tiền phong tỏa sẽ được trả lại cho làng, nhưng thực tế lại khác...", ông Ngợi cho hay.
Theo ông Ngợi, đến ngày 18/5/2015, số gỗ sưa bị tạm giữ lại được giao cho UBND huyện Chương Mỹ phối hợp với Trung tâm bán đấu giá thu về số tiền hơn 31,1 tỷ đồng.
Sau khi trừ các chi phí theo quy định, số tiền còn lại là hơn 31 tỷ đã được chuyển về tài khoản của UBND xã Hòa Chính để đầu tư các công trình phúc lợi, công cộng ở thôn Phụ Chính.
Chưa biết đến bao giờ mới được tiêu...
Cũng theo ông Ngợi, từ đó đến nay, câu chuyện về hai khoản tiền này vẫn "lình xình" chưa có hồi kết, khi các cụ trong làng vẫn giữ số tiền 20,5 tỷ và lãi của ông Thái trả mua gỗ còn số tiền hơn 31 tỷ bán đấu giá vẫn đang nằm tại ngân sách xã.
"Về hơn 31 tỷ đồng bán đấu giá số gỗ sưa đó, các cụ cũng thống nhất là sẽ lấy nhưng khi công an tạm giữ có 28 khúc gỗ, đến lúc bán đấu giá lại chỉ có 26 khúc vậy còn 2 khúc thiếu phải trả lại cho làng.
Nếu làm được như thế thì làng sẽ nhận số tiền đó, tuy nhiên đến nay vẫn chưa cơ quan nào giải quyết và tiền vẫn nằm ở xã.
Với số tiền của ông Thái mua gỗ được chia thành 11 sổ tiết kiệm đến nay cả gốc cùng lãi gửi cũng lên tới hơn 30 tỷ đồng.
Khi huyện bán đấu giá xong, ông Thái cũng có cam kết là chỉ lấy 20,5 tỷ tiền gốc, không lấy lãi nhưng đến giờ, ông ấy lại về đòi tất cả lãi, khi không được chấp nhận thì thậm chí còn chửi bới, đe dọa các cụ trong làng.
Chính vì những lằng nhằng như vậy nên đến nay, cả hai số tiền hàng chục tỷ này vẫn nằm im bất động còn dân làng thì mang tiếng có tiền nhiều như vậy nhưng chẳng thể tiêu và chúng tôi đi mãi rồi mà không biết ai sẽ giải quyết rõ việc này, hồi kết bao giờ mới đến...", ông Ngợi bày tỏ.
Còn theo cụ Vũ Viết Binh, khi quyết định bán gỗ sưa, các cụ mong mỏi là sớm có tiền để kiến thiết lại các công trình và đến giờ này, rất nhiều thứ đang chờ, từ kiến thiết lại chùa, trả tiền công bảo vệ hai cây sưa nhưng "tiền thì nhiều thế đấy mà chưa biết đến khi nào được tiêu".
Các cụ trong làng cũng cho hay, cây gỗ sưa lớn trị giá 100 tỷ đã bị trộm, chỉ còn lại phần gốc và cũng đang có dấu hiệu bị khô, chết nhưng việc xin phép để khai thác, bán vẫn còn quá nhiều rắc rối.
"Huyện và xã yêu cầu muốn bán phải thành lập ban đấu giá nên chúng tôi cũng chẳng có quyền bán đành phải nhìn cây nó khô, mục nát đi hàng ngày và cứ thế này, cả trăm tỷ có khi chỉ còn là củi để đun", ông Ngợi chua xót nói.
Và trong lúc chờ các cơ quan chức năng quyết định, thì tổ bảo vệ của ông Trần Anh Tú vẫn phải túc trực ngày đêm cùng lớp "áo giáp sắt" để chống lại những kẻ "sưa tặc".