Cây “đèn thần” của tướng Nguyễn Ngọc Doanh

Trần Thanh Hằng |

Trong cư xá Bình Thạnh (Tp. Hồ Chí Minh), mỗi khi đêm về ngắm nhìn thành phố rực rỡ ánh đèn, bất giác Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh lại nghĩ về ánh đèn dầu leo lét dưới hầm trong những đêm mưa lạnh giữa cánh rừng cao su bạt ngàn ở miền Đông Nam bộ trong những năm đánh Mỹ.

Khi đó, vị tướng già lại mang cây đèn kỷ vật đã gắn bó với ông suốt một thời trận mạc ra ngắm nghía, như để nhớ về những người đồng đội đã vĩnh viễn ra đi trong những trận chiến ác liệt ở chiến trường miền Đông Nam bộ.

Thời đó, mỗi chiến sỹ Trung đoàn 141 đều tìm cách làm cho mình một chiếc đèn dầu tự tạo để thắp sáng mỗi khi màn đêm phủ xuống cánh rừng. Đèn dầu được chiến sỹ làm bằng đủ các chất liệu: lọ dầu thuỷ tinh, hộp dầu lau súng, vỏ đạn M-79…

Sau mỗi trận đánh, mỗi người về góc hầm nhỏ chìm sâu dưới lòng đất hay nửa chìm, nửa nổi, nằm bò ra, căng mắt, ngấu nghiến đọc thư nhà, làm thơ, ghi nhật ký, viết thư cho người yêu, vá lại miếng áo rách trên vai, lau vết thương dẫu bằng chút ánh sáng đèn chỉ đủ toả sáng cho riêng mình.

Ánh sáng ngọn đèn là nơi người lính gửi gắm nỗi niềm tâm sự riêng về quê hương, người thân, hoặc thả hồn theo những dòng kỷ niệm.

Cây “đèn thần” của tướng Nguyễn Ngọc Doanh  - Ảnh 1.

Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh. Ảnh sưu tầm.

Trong rất nhiều trận đánh mà tướng Nguyễn Ngọc Doanh và đồng đội của ông đã trải qua, trận đánh trên đường 13 để lại trong ông kỷ niệm sâu sắc nhất. Năm 1972, ta mở chiến dịch Nguyễn Huệ.

Chiến dịch tiến công giải phóng miền Đông Nam bộ đánh vào một bộ phận quân đội ngụy Sài Gòn ở các tỉnh Bình Long, Phước Long, Tây Ninh, Bình Dương, nhằm giải phóng tỉnh Bình Long (cửa ngõ phía Bắc Sài Gòn), khôi phục và mở rộng địa bàn "đứng chân" ở miền Đông Nam Bộ. Trung đoàn 141 trong đội hình Sư đoàn 7 được giao nhiệm vụ chốt chặn địch trên đường số 13, đoạn đường kéo dài 25 km từ thị xã Bình Long đến Chơn Thành.

Đây là khu vực địa hình rất trống trải, để chốt chặn đoạn đường này, Trung đoàn và các đơn vị trong sư đoàn phải xây dựng nhiều cụm trận địa chốt liên hoàn, tổ chức lực lượng giữ chốt và cơ động.

Để đảm bảo bí mật, lệnh của Trung đoàn tuyệt đối không để lộ một chút ánh sáng dù là đèn pin hay đèn dầu. Trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn ấy, những ngọn đèn dầu tự tạo đã toả sáng đủ để những mái đầu chụm lại xác định vị trí trên bản đồ tác chiến, phổ biến nghị quyết lãnh đạo của Trung đoàn.

Sau mấy tháng chốt chặn và vận động tiến công, Trung đoàn 141 do ông làm Trung đoàn trưởng đã kiên cường chiến đấu, góp phần đánh thiệt hại nặng Sư đoàn 21, và Sư đoàn 25 ngụy, Trung đoàn 9 thiết giáp bị tiêu diệt, thị xã Bình Long tiếp tục bị quân ta bao vây. Đường số 13 trở thành con đường "sấm sét" đối với quân ngụy.

Để ghi nhớ trận đánh này, những người lính Trung đoàn 141 đã nhặt những mảnh xe bọc thép bị cháy của địch rồi gọt giũa, làm thành cây đèn dầu tặng Trung đoàn trưởng Nguyễn Ngọc Doanh.

Cây đèn được làm rất công phu, trạm khắc tinh tế: Thân đèn hình trụ tròn, có nắp xoắn đóng mở, một vỏ đạn con con được làm thành ống bấc. Trên thân đèn khắc ghi dòng chữ: Ba Vì - Quyết thắng. Kỷ niệm chiến trường miền Đông.

Kính tặng Thủ trưởng Nguyễn Ngọc Doanh. Cây đèn đã từng theo ông đi khắp mọi nẻo đường, nó đã thắp sáng cho ông theo dõi bản đồ những đêm hành quân thần tốc trong đội hình Quân đoàn 4, tiến theo hướng Đông, phát triển theo trục đường 1 đánh tiêu diệt chi khu Trảng Bom, Hố Nai trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Chiến tranh đã lùi xa, cuộc sống hiện tại với những đồ vật hiện đại, ít ai còn giữ lại những cái không dùng đến.

Nhưng với Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh, thì từ cái thời ông làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 141, cho đến khi được thăng quân hàm Thiếu tướng, Phó Tư lệnh Chính trị Quân đoàn 4 thì gia tài của người lính năm xưa, tất cả vẫn còn nguyên vẹn trong chiếc ba lô trận mạc. Thỉnh thoảng ông lại mở kho gia tài ấy của mình ra ngắm nghía lại từng thứ. Ông bảo: "Để nghĩ lại chuyện xưa!".

Câu chuyện chiếc đèn và ánh sáng kỳ diệu của nó như là "cây đèn thần" soi đường cho người lính đi đánh giặc năm nào bỗng hiện ra trước mắt. Ký ức về một thời đã qua như vẫn còn hừng hực cháy trong lòng ông. Trao chiếc đèn dầu cho Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, ông tâm sự:

"Tôi mong không chỉ thế hệ mình biết về những câu chuyện xưa mà phải để ánh sáng của ngọn đèn này mãi toả sáng trong lòng những người lính các thế hệ". Ông bộc bạch, đó cũng là lý do khiến ông tự nguyện trao kỷ vật quý này cho bảo tàng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại