Câu nói của người Do Thái khiến nhiều người Việt giật mình: Cuộc sống là giáo án hay nhất, cha mẹ là người thầy tốt nhất!

Thảo Nguyên |

Những thứ bố mẹ nói cho con nhiều khi không có trong giáo trình hay giáo án của các thầy cô giáo trên lớp.

Người Do Thái không bao giờ ngừng học tập

Ngày nay rất nhiều bậc phụ huynh châu Á trong đó có Việt Nam nhận thức sai lầm rằng, "học tập" là chỉ học những thứ trên sách, để sau này thi được vào một trường đại học tốt.

Họ cố gắng tạo cho con một môi trường học tập thật tốt, cho con ăn ngon, trang trí phòng thật đẹp nhưng lại không cho chúng một thứ còn quan trọng hơn gấp nhiều lần, đó là bồi dưỡng cho chúng năng lực để làm chủ cuộc sống, năng lực để làm chủ việc học tập.

Thế nhưng cuộc sống này còn cần phải học rất nhiều thứ khác nữa.

Người Do Thái có một chân lý bất biến từ bao đời nay, đó là: "Tài sản có thể bị lấy đi, nhưng kiến thức và trí tuệ thì không bao giờ mất."

Thực ra, bản thân kiến thức cũng là một loại tài sản, nhưng người Do Thái cho rằng điều quan trọng là làm thế nào để biến những kiến thức đó trở thành tài sản thực, đó mới chính là cái chúng ta vẫn thường gọi là "trí tuệ".

Trí tuệ chính là chiếc chìa khóa vàng để mở cánh cửa hạnh phúc và giàu có.

Chỉ cần vẫn còn sống, người Do Thái sẽ không ngừng học hỏi, đối với họ, học tập là một sứ mệnh thần thánh.

Và so với những người có kiến thức phong phú thì họ coi trọng những người dám học và không ngừng học tập hơn.

Sara Imas, tác giả của cuốn sách nổi tiếng Vô cùng tàn nhẫn, vô cùng yêu thương cho rằng nuôi dưỡng thói quen học tập và phẩm chất đạo đức tốt đẹp cho con là việc làm vô cùng quan trọng.

Khi có sự đồng cảm giữa cha mẹ và con cái, các bậc phụ huynh sẽ bất ngờ khi chúng có những phương pháp học tập rất hay mà mình không ngờ tới. Điều quan trọng là cha mẹ phải tìm ra "điểm hứng thú" của con.

Điểm hứng thú này lại có nguồn gốc từ không khí vui vẻ, thoải mái mà cha mẹ đã tạo ra.

Bà mẹ Do Thái này chia sẻ ví dụ, sau khi ăn cơm xong, cả nhà có thể cùng ngồi xem ti vi với nhau, âm thanh được điều chỉnh vừa đủ nghe và ngồi chờ nghe những tin tức mới nhất.

Nhưng trong quá trình chờ đợi đó, gia đình bà không ngồi không, cũng không ai làm việc người ấy mà cùng nhau thảo luận về một phương pháp học tập nào đó.

Câu nói của người Do Thái khiến nhiều người Việt giật mình: Cuộc sống là giáo án hay nhất, cha mẹ là người thầy tốt nhất! - Ảnh 1.

Dạy con với chỉ một từ

Sara Imas sẽ đưa ra một từ để các con tưởng tượng, sau đó miêu tả chúng đến mức tối đa.

Theo bà, đây thực ra cũng chính là thái độ với cuộc sống, bởi khi bạn miêu tả một thứ gì đó đến mức tối đa thì khi làm bạn cũng sẽ làm nó đến mức cực điểm, cao nhất và tốt nhất.

Tình yêu thương, sự quan tâm của bạn với gia đình cũng sẽ không hời hợt, qua quýt mà luôn rất nồng nhiệt, chân thành.

Bạn sẽ đạt được tất cả những thứ đó nếu biết cách tạo ra một nền giáo dục gia đình tốt từ những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống.

Ví dụ Sara Imas từng đưa ra từ "sáng". Thế nào gọi là "sáng", mỗi đứa trẻ trong gia đình đều đưa ra ý kiến của riêng mình. "Con cần một căn phòng sáng sủa", "Ngôi nhà của con sẽ phải được lau chùi sáng loáng", "Xán lạn cũng là sáng, con sẽ có một cuộc đời thật tươi sáng", "Ăn mặc đẹp đẽ cũng là sáng", "Con muốn đeo thật nhiều, thật nhiều huân chương danh dự, và khi đó mặt trời chiếu vào chúng sẽ phát sáng lung linh".

Mặc dù việc miêu tả về từ "sáng" vẫn chưa đạt đến hiệu quả như bà mẹ này mong muốn, nhưng quá trình đó đã thôi thúc các con nói ra những mong ước tương lai của mình, và từ đó bà biết được rằng chúng luôn hướng về phía cái đẹp, cái tốt.

Thực ra, rất nhiều thứ thầy cô giáo giảng trên lớp còn không bằng những thứ mà phụ huynh nói những lúc ngồi thảnh thơi uống trà hay sau bữa ăn.

Những thứ bố mẹ nói cho con nhiều khi không có trong giáo trình hay giáo án của các thầy cô giáo trên lớp.

Lại nói về từ "sáng", chỉ một từ đó thôi mà gia đình Sara Imas đã thảo luận rất lâu, phát hiện ra rất nhiều điều mới mẻ, và mỗi phát hiện đó đều thể hiện sự tưởng tượng của lũ trẻ với cuộc sống.

Khi bà mẹ nói: "Sắp được rồi, gần đến rồi!", bỗng cô con gái út reo lên: "Mẹ, mẹ, con biết rồi! Nếu mặt trời chiếu vào mắt chúng ta, có phải chúng ta sẽ không mở mắt ra được không. Mức tối đa của ‘sáng’ là khiến chúng ta không mở được mắt ra!".

Bà mẹ mỉm cười, nói: "Đúng rồi. Vì khi một người bị che mắt, họ sẽ không còn nhìn thấy gì nữa, cho nên chúng ta đừng quá coi trọng vinh hoa phú quý và những thứ hư vô".

Hay một cách phân tích khác là dưới ánh sáng mặt trời, khi đôi mắt chúng ta không thể mở ra thì cũng là cơ hội để chúng ta tưởng tượng về những điều tốt đẹp.

Hãy biết ơn ánh mặt trời đã cho chúng ta cơ hội để nhắm mắt lại, để suy nghĩ bằng trí óc.

Bởi vì trên đời này, có nhiều thứ ngoài việc phải nhìn bằng mắt, còn phải suy nghĩ bằng đầu óc, thế nên khi ánh mặt trời khiến đôi mắt chúng ta nhắm nghiền và phải dùng đầu óc để suy nghĩ thì đó chính là mức tối đa của ‘sáng’.

Và như vậy, từ "sáng" này tạo ra cơ hội rất tốt gia đình Do Thái này thấy rằng cuộc đời này biến hóa vô thường như thế nào.

Ánh sáng mặt trời khi chiếu vào những nơi khác nhau sẽ xuất hiện những hiện tượng khác nhau: Chiếu lên cửa sổ sẽ bị phản chiếu, chiếu vào trong phòng sẽ khiến căn phòng sáng lên và nếu chiếu vào ai đó sẽ khiến họ cảm thấy ấm áp.

Mỗi phương diện, mỗi điều nhỏ nhặt trong cuộc sống đều là cơ hội để cha mẹ giáo dục và dạy bảo con.

Là những người cha người mẹ, điều quan trọng là cần nắm bắt được những cơ hội đó để nuôi dưỡng con trở thành một người phát triển toàn diện về cả trí, đức, thể, mỹ, chứ không phải đem giao con hoàn toàn cho trường học hay cho những lớp bồi dưỡng, lớp năng khiếu.

Hãy nhớ rằng, cuộc sống chính là giáo án hay nhất và cha mẹ là những người thầy tốt nhất.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại