Đài 7 News Australia ngày 8-8 đưa tin quả cầu lửa đã xuất hiện hôm 7-8, khiến người dân ở TP Melbourne, thủ phủ bang Victoria và một số khu vực khác của bang được thưởng thức những hình ảnh ngoạn mục.
Một số thông tin ban đầu cho rằng đó có thể là một thiên thạch lạ. Song, các nhà khoa học xác định đó là một mảnh rác không gian, theo tờ Space.
Quả cầu lửa bí ẩn trên bầu trời TP Melbourne - Ảnh: TWITTER
Theo nhà vật lý thiên văn kiêm chuyên gia theo dõi vệ tinh Jonathan McDowell từ Trung tâm Vật lý thiên văn Harvard-Smithsonian (Mỹ), đó là phần thứ 3 của tên lửa Soyuz 2, vốn được Cơ quan Vũ trụ Nga (Roscosmos) phóng trước đó vài giờ từ sân bay vũ trụ Plesetsk ở miền Tây Bắc nước này.
Tên lửa này có nhiệm vụ đưa vệ tinh GLONASS-K2 của Nga lên không gian.
Theo tính toán của TS McDowell, phần thân này sẽ rơi trở lại bầu khí quyển Trái Đất ở phía Đông Nam Tasmania, trên một vùng đại dương rộng mở sau khi phóng. Trên đường đi, nó đã tỏa sáng trên bầu trời nước Úc.
Đó chỉ đơn giản là một mảnh rác không gian, bởi phần chính của tên lửa vẫn mang vệ tinh lên vũ trụ theo đúng hành trình.
Trong quá trình phóng vệ tinh hay tàu vũ trụ, các mảnh thân không còn cần thiết của tên lửa phóng sẽ tách bớt ra trong quá trình di chuyển nhằm giảm tải trọng của cả hệ thống. Phần tách ra sẽ rơi ngược về Trái Đất, phần lớn bị cháy tan trong bầu khí quyển do ma sát lớn được tạo ra bởi cú rơi nhanh.
Theo Science Alert, cũng chính điều này tạo ra độ sáng đáng kinh ngạc cho mảnh rác vũ trụ khi bay ngang trời. Khi di chuyển trong bầu khí quyển mỏng của hành tinh, nó có thể rơi với tốc độ ít nhất 25.000 km/giờ.
Phần chưa cháy hết đa số được các cơ quan vũ trụ thiết lập sẵn để rơi xuống khu vực không người, thường là các vùng đại dương thông thoáng.
Vì vậy, tuy tạo ra cầu lửa hay tiếng nổ nhưng nó không gây bất kỳ nguy hiểm nào cho người dân nước Úc hay bất kỳ đâu khác.
"Rác vũ trụ đôi khi bị nhầm lẫn với thiên thạch, cũng rất ngoạn mục nhưng thường là những sự kiện ngắn hơn nhiều, vì chúng lao vào bầu khí quyển với tốc độ nhanh hơn nhiều" - PGS Michael Brown, Trường Vật lý thiên văn - Đại học Monash (Melbourne - Úc), giải thích.