Tháng 7 Âm lịch có một sự kiện mà nhiều người chú ý, đó là lễ Thất tịch. Theo truyền thuyết dân gian, đây là dịp mà đôi tình nhân Ngưu Lang – Chức Nữ gặp nhau. Cũng theo truyền thuyết, mỗi khi Ngưu Lang và Chức Nữ gặp gỡ, họ đã khóc và nước mắt rơi xuống trần gian, hoá thành cơn mưa. Đó chính là mưa ngâu.
"Mưa ngâu" thì bạn đã nghe thấy nhiều lần rồi. Nhưng đã bao giờ bạn thắc mắc, vì sao lại gọi là "mưa ngâu" hay chưa?
Theo Tầm nguyên từ điển của học giả Lê Văn Hòe, chữ "ngâu" chính là chữ "ngưu". Trong thiên văn học của người Hán cổ, "ngưu" – đại diện cho trâu. Đây là một trong 28 chòm sao (hay "nhị thập bát tú"), cũng là nơi trú ngụ của cặp sao Ngưu Lang và sao Chức Nữ.
Có bao giờ bạn thắc mắc về nguồn gốc của tên gọi "mưa ngâu"? (Ảnh minh họa)
Ngày nay, thiên văn học hiện đã xác định sao Ngưu Lang là Altair (thuộc chòm Thiên Ưng), còn sao Chức Nữ là Vega (thuộc chòm Thiên Cầm). Đây cũng là 2 trong số các sao sáng nhất khi quan sát từ Trái Đất, cùng với sao Deneb tạo thành "tam giá mùa hè". Tam giác này sẽ ở vị trí cao nhất, dễ thấy nhất vào mùa hè.
Vì thế, có lẽ người xưa đã dựa vào đây, mượn dải hào quang của Ngân Hà và những cơn mưa rào tháng 7 mà dệt thành cầu Ô Thước và chuyện tình buồn của Ngưu Lang và Chức Nữ.
Như vậy, "ngâu" trong "mưa ngâu" vốn là tên gọi của chòm Ngưu, chứa sao Ngưu Lang (Altair) và Chức Nữ (Vega). Đây cũng là những ngôi sao rất sáng trên bầu trời đêm mà người xưa đã dùng để định vị đường đi.
Đến đây, các bạn đã biết nguồn gốc tên gọi "mưa ngâu", hẳn là một kiến thức thú vị phải không nào?