Tiếng Việt gồm 6 thanh: ngang, huyền, hỏi, ngã, sắc, nặng. Thanh được thể hiện trên chữ viết là dấu thanh (còn gọi là dấu). Dấu thanh được đặt trên hoặc dưới kí tự ghi âm chính.
Dấu thanh là một điểm đặc sắc của Tiếng Việt, khiến cho ngôn ngữ của chúng ta có sự biến hóa phong phú về từ vựng. Chỉ cần thay đổi dấu thanh của một từ, chúng ta sẽ có những từ hoàn toàn khác về mặt nghĩa, hay nhiều khi có những từ trái nghĩa với từ gốc ban đầu. Chẳng hạn như cặp từ được nhắc đến trong câu đố dưới đây:
"Để nguyên nặng cân, bỏ dấu lại gầy tóp", là từ gì?
Cả hai từ đều là những từ rất quen thuộc, được sử dụng nhiều trong đời sống hàng ngày. Chỉ cần tập trung nghĩ một chút xem trong cuộc sống, chúng ta thường gọi người nặng cân, con vật nặng cân là gì thì bạn sẽ đoán ra ngay đáp án chính xác.
Đó chính là "béo" và "beo".
Từ điển định nghĩa: Béo: (tính từ), (cơ thể người, động vật) - có nhiều mỡ. Chẳng hạn "con bé ấy ngày càng béo", "con lợn béo", "béo như con cun cút",... Đồng nghĩa với từ "béo" là "mập", trái nghĩa là "gầy".
Nói thêm một chút, béo phì là tình trạng dư thừa chất béo trong cơ thể, hiện nay chưa có phương pháp đo trực tiếp lượng mỡ trong cơ thể. Do đó, để đánh giá béo phì người ta dựa vào tương quan giữa chiều cao và cân nặng để ước tính lượng mỡ trong cơ thể.
Còn "beo" (tính từ): gầy tóp lại và nhăn nhúm. Chẳng hạn "bủng ỏng đít beo".
Ngoài những nghĩa trên, từ "béo" và "beo" còn một số nghĩa khác. Chẳng hạn từ "beo" còn có nghĩa "thú dữ gần với báo nhưng nhỏ hơn, có bộ lông màu nâu đỏ".