Lời người dịch
Lần đầu tiên mình dịch bài mà vừa gõ chữ vừa khóc như lần này. Cô bé trong câu chuyện này không nhận được bất kì sự tin tưởng và yêu thương từ một người lớn nào. Không ai lắng nghe em:"Sắc mặt của người lớn lúc nào cũng thiếu kiên nhẫn như thế, cứ như mỗi câu nói của trẻ con đều lãng phí thời gian của họ vậy".
Bài dịch này hơi u ám, có thể khiến một số người cảm thấy không thoải mái, mình thực sự xin lỗi. Nhưng mình muốn nhắn nhủ một việc, làm ơn hãy yêu thương và bảo vệ, lắng nghe đứa trẻ của bạn và xung quanh bạn, nếu không, chí ít xin đừng tổn thương chúng.
1
Mấy ngày trước có một con ruồi bay vào, nó lượn vòng vòng một lúc rồi đậu lên bụng tôi, nó nhấc cái mông màu xanh đậm của nó lên, hai chân trước xoa vào nhau liên tục, cứ như đây là việc khiến nó rất vui hay sao ấy.
Mẹ ơi, nếu có việc gì có thể khiến cho mẹ vui, xin hãy nói cho con, con sẽ làm còn nhiều hơn thế nữa.
Mẹ ơi, trời nóng lên rồi, sao mẹ không bỏ con vào tủ lạnh? Con không mở điều hòa đâu, mở điều hòa tốn điện lắm.
Lúc bàn tay mẹ tát vào má, tôi đang làm bài tập ở cái bàn nhỏ, đó là một trong hai cái bàn trong nhà, bởi vì gãy mất một chân, nên có lúc sẽ lung la lung lay.
Em trai dùng cái bàn còn lại, cái bàn ấy không có phiền phức như vậy.
Bây giờ tủ quần áo hé ra một khe nhỏ, từ khe ấy nhìn ra, có thể thấy em trai đang nằm bò trên cái bàn đó.
Giữa bài tập của em trai kẹp một trang giấy, chắc có lẽ là tiểu thuyết, nó xé từng trang của cuốn tiểu thuyết ra, nhét vào giữa những trang sách và bài tập, thật đúng là một đứa trẻ thông minh.
Sau khi một giọng nói lanh lảnh cất lên, mẹ túm lấy tóc tôi, khiến da đầu tôi đau khủng khiếp, tôi cảm thấy dường như nó sắp bị lột ra luôn vậy, thậm chí tôi còn nghe thấy tiếng "rột rột".
"Cái đồ không có lương tâm, tao khổ cực nuôi mày, mày lại dám trộm tiền của tao?", lại là một cái bạt tai giáng xuống, lần này là bên má phải, "Tiền đâu, ói ra đây!".
Tôi cố sức ngồi xuống ghế, bài tập lúc nãy còn chưa làm xong. Tôi lặng lẽ lén nhìn em trai, lưng nó hướng về phía tôi, đôi vai khẽ rung lên. Nó cười sau lưng tôi.
"Em trai, chị sẽ tuân thủ lời hứa của chúng ta, bởi vì chúng mình đã ngoéo tay rồi mà", tôi nghĩ trong lòng.
2
Đó là chuyện sau khi tan học ngày hôm trước, em trai đứng trước cửa phòng học chờ tôi mãi, nhìn thấy tôi đi ra từ trong phòng học, nó dường như vô cùng vui vẻ.
"Chị ơi, em nói với chị một bí mật", em trai nhẹ giọng nói tiếp, "Sáng nay trước khi ra khỏi nhà, em lấy trộm 10 đồng trong túi của mẹ".
"Mẹ sẽ tức giận đó". Tuy miệng nói như vậy, nhưng trong lòng tôi biết rõ, sự tức giận của mẹ mãi mãi không đổ lên người em trai.
"Chỉ cần chị không nói là được thôi". Em trai móc từ trong túi ra tờ giấy bạc 5 đồng ve vẩy: "Cầm lấy đi mua đồ ăn vặt đi, đây là phần của chị".
Tôi do dự một hồi, lấy đồng bạc đó từ tay em trai. Bánh cay ở cổng trường bán 1 hào 1 cái, nếu mỗi ngày ăn một cái, vậy tôi có thể ăn liên tiếp năm ngày liền.
Tuy trong lòng có hơi sợ, tuy nhiên tôi không thể nào kháng cự được sự mê hoặc của 5 hào này.
"Vậy chúng ta hứa nha, cho dù thế nào cũng không được để lộ". Em trai cười cười, đưa ngón tay út thanh mảnh trắng trẻo ra trước mặt tôi: "Móc ngoéo nhé, một trăm năm cũng không được thay đổi!".
Tôi nhìn dáng vẻ ngây thơ của em trai, trong lòng không thôi cảm động. Ai ngờ được, bây giờ lại biến thành như thế này.
Sau khi buông tóc tôi ra, xông thẳng vào trong bếp, tôi không biết mẹ muốn làm gì nữa. Không phải là muốn giết tôi đó chứ?
Trước đây mẹ từng nói, nếu bà muốn giết tôi, sẽ đặt một cái ghế đẩu lên bàn, tôi đứng bên trên, mẹ chỉ cần nhẹ nhàng ấn công tắc quạt trần, cánh quạt trần sẽ quay cho đầu tôi thành sinh tố dưa hấu.
Tôi run rẩy chờ một hồi, mẹ đi từ trong bếp ra, trong tay cầm một con dao thái rau. Tôi không kìm chế được nỗi sợ hãi mà túa mồ hôi ra ướt hết da đầu.
Tôi lại nhìn về phía em trai một cái, nó đang gãi vết bị muỗi đốt ở sau gáy. Em trai, mẹ muốn giết chị!
"Chị ơi, chúng ta hứa rồi đó nhé". Tuy em trai không hề ngoái đầu lại, nhưng tôi có thể nghe rõ lời trong lòng nó muốn nói với tôi.
Tay nắm con dao lủng lẳng bên đùi, mẹ tôi bước từng bước về phía tôi.
Tôi bất lực quỳ sụp xuống nền đất, muốn nói gì đó nhưng trong đầu trống rỗng, rõ ràng mỗi từ tôi đều biết, nhưng hình như lại quên hết sạch ý nghĩa của chúng, chúng cứ thế nghẹn lại ở cổ tôi, cho dù tôi có cố gắng thế nào cũng chỉ phát ra tiếng "hấc hấc" vô nghĩa.
Chính là vào lúc này, phòng khách bên ngoài vang lên tiếng tra chìa khóa vào ổ. Một người đàn ông lưng đeo túi vải, mặc một bộ quần áo màu xanh đậm xuất hiện ở cửa.
Chú trở về rồi.
Tôi ngước lên đôi mắt cầu cứu chú, ông ấy nhìn tôi một cái, lại nhìn mẹ một cái, trên miệng hơi nhếch một nụ cười, bước thẳng đến bên tủ lạnh, lấy ra một chai bia, không hề ngoái đầu lại một cái đi thẳng vào phòng ngủ.
Lúc này mẹ đã đi đến sau lưng tôi, bà giơ cao con dao, kề dao vào cổ tôi nói: "Tao chưa thấy đứa con nít nào hư như mày, mày không thể ngoan ngoãn nghe lời như em trai mày sao?". Cái mẹ dùng là sống lưng của con dao.
3
Học kì I năm lớp 5 trong tiết học Tự nhiên, cô giáo kêu chúng tôi tự chọn lấy một người bạn tạo thành một nhóm nhỏ, tiến hành nghiên cứu một loại sinh vât nào đó.
Sau khi cô giáo buông phấn, bạn bè lũ lượt đứng dậy khỏi chỗ ngồi, di chuyển trong phòng học để tìm bạn làm chung. Tôi không có bạn bè, vậy nên lúc Mã Lực đứng trước mặt tôi, tôi hơi ngạc nhiên.
"Cùng nhau làm đi", cậu ấy đưa một tay về phía tôi, tay còn lại miết miết bề mặt bóng loáng của bàn học, "dù gì mình cũng không có bạn chơi cùng".
Tôi có ấn tượng rất sâu đậm về Mã Lực, cậu ấy là kiểu người không thể để thầy cô yên tĩnh, trong giờ học luôn đưa ra những câu hỏi kì quái: Bầu trời vì sao lại có màu xanh, chim sao lại biết bay, nước biển từ đâu tới...
Mẹ nói, trẻ con không nên có quá nhiều câu hỏi, cô giáo tuy rằng không nói gì, nhưng tôi nhìn ra được cô ấy cũng nghĩ như vậy.
"Cổ của cậu...", Mã Lực nghiêng đầu nhìn vết hằn trên cổ tôi, đây là do hôm qua mẹ tôi dùng sống dao để lại, "mình trước đây đã muốn hỏi cậu, trên người cậu sao lúc nào cũng có vết thương vậy?".
"Tại mình bị ngã". Đây là câu trả lời mẹ dạy tôi.
"Thôi được rồi, cậu muốn nghiên cứu đề bài nào?".
"Bươm bướm."
"Tại sao lại là bươm bướm?"
"Sâu lông xấu xí như vậy, mẹ nó nhất định rất ghét nó, nhưng nó cuối cùng lại có thể mọc cánh và bay lên, trở thành một con bướm vô cùng xinh đẹp". Tôi nói: "Nó rốt cục làm thế nào nhỉ?".
Buổi chiều sau khi tan học, Mã Lực mời tôi đến nhà cậu ấy chơi.
Nhà Mã Lực là một tòa biệt thự ba tầng, trong khu vườn xinh đẹp trồng rất nhiều loài thực vật mà tôi không biết. Cậu ấy nói trong vườn hoa có bươm bướm, chúng tôi có thể quan sát chúng ở đó.
Chúng tôi ngồi bên bàn trà trong phòng khách ở lầu một, mẹ Mã Lực mang lên cho chúng tôi hai ly nước ép trái cây.
Cô ấy là một người phụ nữ rất dịu dàng, đuôi mắt luôn nheo nheo nét cười, nghe nói chúng tôi đang làm bài tập nghiên cứu về bươm bướm.
Cô ấy rất vui và nói: "Mã Lực rất ít khi dẫn bạn bè về nhà chơi, sau này cháu có thể thường xuyên đến chơi không? Cô lúc nào cũng mong có một đứa con gái đáng yêu như cháu".
Tôi không tin lời của cô ấy, mẹ thường nói với tôi: "Việc tao hối hận nhất là sinh ra đứa con gái bẩn thỉu như mày".
Tôi không tin có người sẽ thích tôi, nhưng tôi rất thích nhà của Mã Lực.
Lúc rời khỏi nhà Mã Lực, ở chậu cây trước cổng, tôi nhìn thấy trong một chậu cây khác để rất nhiều những viên sỏi nhiều màu trong suốt, chúng đang phản chiếu ánh sáng mặt trời lung linh vô cùng đẹp.
"Cậu thích không?", Mã Lực hỏi tôi.
"Có"
Tôi nhặt một viên sỏi lên, đưa lên mắt nhìn bầu trời qua viên sỏi.
Đó là một thế giới khác.
4
Tủ áo ở trong phòng khách, tôi qua khe hở nhìn ra sô pha, nhớ lại ngày hôm đó.
Trong phòng ngủ không có chỗ cho tôi. Em trai, mẹ và chú cùng nhau ngủ trong phòng ngủ duy nhất. Tối hôm đó như những buổi tối khác, tôi nằm trên sô pha chuẩn bị đi ngủ.
Trong mơ, tôi nhìn thấy bố, ông ấy rất cao to, trên mặt phủ một lớp sương mờ. Ông ấy từ ngoài cổng bước vào, dịu dàng nắm lấy tay tôi nói: "Chúng ta bay lên thôi".
Thế là tôi bay lên từ sô pha, đội vòng hoa trắng trên đầu, càng bay càng cao. Chúng tôi bay lên, bay tới những nơi thật cao, những toàn nhà trên mặt đất biến thành khối gỗ đồ chơi nhỏ xíu. Gió mùa hạ ấm áp lướt qua mặt tôi, khiến tôi cảm thấy an toàn và thoải mái.
Chúng tôi bay qua những tầng mây, trên mây có một cái máy bay, mọi người trong cabin nhìn chúng tôi qua cửa kính, bọn họ thì thầm hỏi nhau đứa trẻ này từ đâu đến. Tôi nắm chặt lấy tay bố tôi.
"Nhưng mà bố ơi, sao bố lại phải đi?", tôi hét lên hỏi bố, tiếng tôi theo những đám mây mờ bị thổi bay đi, tôi gần như không nghe thấy tiếng bố tôi trả lời.
Năm ấy tôi 4 tuổi, bố bị một thanh thép đâm xuyên qua người, ông ấy nằm trên giường, như một thanh kẹo hồ lô.
Mẹ tôi cuộn tròn người trong góc tường, ôm đầu gối khóc mãi không thôi. Lúc đó mẹ không hay đánh tôi, tôi hỏi sao bố không nói gì, mẹ bảo bố đi rồi, không cần chúng tôi nữa rồi.
Sau đó mẹ tôi đập vỡ mọi đồ đạc trong nhà. Sau khi đập hết đồ, bà ấy bắt đầu đánh đập tôi. Lúc đó tôi vẫn rất nhẹ, mẹ có thể nâng tôi lên một cách dễ dàng.
Khuôn mặt mẹ dường như không có bất kì biểu cảm nào, đôi mắt bà đờ đẫn, giống như đang nghĩ điều gì đó. Mẹ đưa tôi lên cao, rồi buông tay. Tôi rơi bịch xuống mặt đất và mẹ lại đưa tôi lên...
Năm 4 tuổi, tôi mong rằng mặt đất là một cục kẹo dẻo.
"Chúng ta mỗi người đều sẽ rời đi", giọng của ông có một loại sức mạnh khiến người ta trấn tĩnh, "chúng ta ngồi trên xe bus, thế gian này là trạm đầu tiên, bố đi trạm sau sớm một chút, nhưng bố sẽ chờ con, ở trạm sau".
"Bố, con muốn đi cùng với bố, thế giới này không thích trẻ con", tôi nói với ông, "sau khi chú đến, có em trai rồi mẹ mới lại thích trẻ con, nhưng mẹ vẫn không thích con".
Bố không nói, ông nắm chặt tay tôi, tiếp tục bay lên cao. Bầu trời trở nên mỏng hơn, tôi hơi khó thở, mặt trời thiêu đốt tôi, nhưng tôi mặc kệ.
Chúng tôi bay qua mặt trăng, miệng núi lửa trên mặt trăng trông như một vết sẹo xấu xí, có phải có người đã cắn mi giống như em trai cắn ta không?
Tôi tính hỏi bố, nhưng khi tôi chuẩn bị hỏi, có một cánh tay nắm lấy tay tôi.
Tôi mở mắt, chú đang ngồi xổm bên sô pha.
"Công chúa nhỏ của chúng ta lớn rồi", ánh mắt ông ấy dừng lại trên ngực tôi, tôi cảm thấy hơi không thoải mái.
Chú luôn luôn về nhà rất muộn, hễ ngủ là có thể ngủ đến trưa ngày hôm sau, bởi vậy tôi và ông ấy rất ít gặp nhau, bình thường cũng chẳng có gì nói chuyện.
Mẹ nói chú rất vất vả, công việc của ông ấy là giao cơm cho những người không muốn nấu cơm. Điều này khiến tôi rất hiếu kì, sao lại có người không muốn nấu cơm nhỉ?
"Chúng ta làm một việc dễ chịu nhé", chú nói, "nhưng mà mày không được nói với người khác, đây là ước hẹn của chúng ta".
Râu của chú rất cứng, tay của chú có rất nhiều vết chai. Tôi rất đau, nhưng tôi rất vui vẻ. Tôi vui vẻ vì có thể khiến chú vui vẻ.
5
Trên thân cây có những cái ổ sâu màu trắng lấm tấm đốm đen, giống như trái trứng chim thu nhỏ lại vài chục lần. Tôi và Mã Lực nín thở, chăm chú nhìn chúng.
Cái ổ run rẩy, giống như có thứ gì đó đang vật lộn muốn chui ra. Sau đó có một cái đầu nhỏ nhăn nheo ló ra, bên trên còn có vài đôi mắt đầy cảnh giác.
"Những con sâu bướm không thể trèo ra khỏi vỏ đã chết trong bước đầu tiên trên con đường trở thành bướm", Mã Lực dựa vào thân cây và nói với tôi, "đây chỉ là may mắn thôi".
Tôi nhìn lại con sâu nhỏ đang từ từ bò trên thân cây và thầm cầu nguyện cho tương lai của nó.
"Vết thương trên mặt bạn không phải là vết hôm qua có phải không?". Tôi vô thức đưa tay lên che vết thương trên mặt. Đây là vết trầy khi mẹ tôi đánh tôi bằng một hộp bút tối qua.
"Mình vô tình cào cây bút bi trúng thôi"
"Cậu bị đánh phải không?"
"Không phải"
"Năm ngoái mình đã nói với cô giáo, nhưng cô bảo rằng mình không được nghe tin đồn từ người khác", Mã Lực lắc đầu, "người lớn không được đánh trẻ em, điều này là sai đó".
Những điều Mã Lực nói làm tôi hơi bối rối. Có chuyện gì vậy? Có phải mẹ không đúng khi đánh tôi? Mẹ nói bà ấy sinh ra tôi, bà ấy có quyền đánh, thậm chí giết tôi cơ mà.
Nhưng cái gì là đúng? Tôi không biết. Không có ai nói với tôi cái gì là đúng.
"Có phải bố mẹ cậu đã đánh cậu không? Đừng sợ, mình sẽ bảo vệ cậu".
"Mẹ của cậu có bao giờ đánh cậu không?", tôi hỏi lại.
"Không, mẹ mình nói rằng đánh con là không đúng, chỉ những người lớn tồi tệ nhất mới có thể đánh con để trút giận", Mã Lực đáp.
Mẹ có phải là người lớn tồi tệ nhất không? Tôi tự nhủ: "Nhưng mẹ cho mình ăn, cho mình đi học và mua quần áo cho mình. Mẹ nói rằng mình nợ mẹ...".
"Đó là những gì người trưởng thành nên làm", giọng nói của Mã Lực run rẩy, và tôi không biết là do cậu sợ hay giận dữ nữa.
Tôi gật đầu và nước mắt không hiểu sao lại chảy ra, nhưng tôi không cảm thấy gì cả. Mã Lực đưa tay lên lau nước mắt cho tôi. Tôi không hiểu ý của cậu ấy?
"Cậu cũng muốn làm một việc dễ chịu với mình sao?". Đôi mắt mở to của Mã Lực mở to có vẻ bối rối, dường như cậu ấy không hiểu ý tôi.
6
Khi chuông cửa vang lên đã là 7 giờ tối. Em trai đang xem phim hoạt hình, tôi đang rửa chén ở bồn rửa.
Mẹ càu nhàu ra mở cửa, chú hỏi: "Ai vậy?". Nhưng ngay sau đó, bọn họ không hẹn mà cùng im bặt.
Tôi quay đầu nhìn, một chú mặc đồng phục đang tiến vào phòng khách, chú ấy nhìn mẹ một cái đầy chán ghét, trên mặt đầy vẻ thiếu kiên nhẫn.
"Chúng tôi nhận được tin báo, nghi ngờ bà thường sử dụng bạo lực gia đình với con gái bà", chú ấy nhìn về phía tôi, "là cháu hả, cháu cũng lại đây ngồi đi".
Chú từ phòng ngủ đi ra, trên tay cầm một hộp thuốc lá thơm, chú châm thuốc đưa cho chú mặc đồng phục, nhưng bị từ chối.
"Ai báo, làm sao có thể như vậy chứ?", giọng nói của mẹ đầy nịnh nọt.
"Viết khai báo trước đi rồi nói". Chú mặc đồng phục sau khi bảo mẹ đăng kí một số thông tin vào sổ, nói với mẹ: "Dạy con cái thế nào chẳng được, sao lại đi đánh đập chúng?".
"Anh hiểu giúp, đây hoàn toàn là lời đồn mà, chúng tôi đối xử với nó vô cùng tốt". Mẹ đẩy em trai vô phòng ngủ, khóa cửa lại.
Lúc này, tôi chú ý thấy mặt chú trắng bệch.
"Vết thương trên mặt cháu tại sao lại có?", chú mặc đồng phục hỏi tôi, chú ấy móc từ trong túi áo đồng phục ra một cây bút, hình như muốn ghi gì đó, "có phải là mẹ cháu đánh không?".
Mẹ nhìn về phía tôi, đôi mắt bình tĩnh lạnh lùng khiến tôi không nhìn ra được bất cứ tình cảm nào trong đó.
Nếu mẹ muốn giết chết tôi, sẽ dùng cách gì nhỉ? Tôi nhìn lên quạt trần trên đầu, nếu bị xay thành nước ép dưa hấu, nhất định là sẽ rất đau.
Tôi nghĩ như vậy, thẩn người. Rất nhanh, một giọng nói đầy bực bội kéo tôi trở lại: "Bạn nhỏ, chú đang hỏi cháu đó".
"Mẹ cháu có phải thường hay đánh cháu không?", chú mặc đồng phục lại nhìn sang chú, chú bị dọa đến run lên, "hay là ông ta?".
"Không có ạ, mẹ không đánh cháu".
Tuy không nghe thấy, nhưng tôi chắc chắn nghe thấy trong không gian nhỏ hẹp này có người thở nhẹ một cái.
"Anh xem, đứa bé này chẳng phải cũng nói rồi sao, chúng tôi sao lại có thể đánh nó chứ? Là ai ăn no rồi không có việc gì làm đi báo cảnh sát hại chúng tôi? Thần kinh chắc?".
"Chị quản con mình cho đàng hoàng, đừng để nó đi kết bạn lung tung", chú mặc đồng phục nói và đứng dậy, "suốt ngày phải đi xử lý ba loại điện thoại tố cáo kiểu này, chúng tôi cũng không thể nghỉ ngơi".
Nói xong, chú ấy gấp sổ, mẹ tiễn chú ấy ra tận cửa, hai người thì thầm một hồi. Tôi nhìn sang chú, tay chú vẫn nắm chặt bao thuốc lá thơm, mồ hôi đã thấm ra ướt hết cả áo.
Chú nhìn tôi chòng chọc, ánh mắt đầy hiểm ác.
7
Trong văn phòng, mẹ đang ngồi bên cạnh cô giáo, trước mặt bà đặt một ly trà nóng. Ánh mắt của cô giáo nhìn không tập trung xung quanh mẹ, tôi đứng bên cạnh họ, nhìn những vết nứt trên tấm thảm trải sàn.
"Mã Lực đứa trẻ này bình thường đúng là không hay nghe lời, nhưng tôi cũng không nghĩ nó lại to gan như vậy. Chị cũng bớt giận, chuyện trong trường mà ồn ào ra ngoài cũng không hay."
Mẹ nói đầy kích động: "Cảnh sát thiếu chút nữa là nhốt cả nhà tôi lại. Đùa ác thì cũng phải có giới hạn chứ, con nhà có tiền thì có thể muốn làm gì thì làm sao?
Còn nhỏ đã hư hỏng như vậy, lớn lên còn không biết thành ra cái loại gì?"
Hành lang truyền tới tiếng bước chân, trong đó nghe rõ tiếng giày cao gót bước đi trên nền đá.
Mã Lực bị mẹ cậu ấy kéo tay vào văn phòng. Cậu ấy cúi đầu, không nhìn rõ biểu cảm. Tôi nhìn về phía mẹ cậu ấy, vừa đúng lúc bắt gặp ánh nhìn của cô ấy.
Cô ấy giống như bị rắn độc cắn một cái, ngay lập tức nhìn đi chỗ khác, khuôn mặt từng tươi cười dịu dàng của cô ấy bây giờ đầy ác cảm.
Cô ấy không phải thật sự thích thôi, tôi đã biết từ lâu rồi. Chẳng có người nào thật sự thích tôi cả.
"Xin lỗi". Mẹ Mã Lực nói: "Xin lỗi cô ấy đi".
"Chuyện con không làm sai, sao lại phải xin lỗi?" Mã Lực ngẩng đầu lên đầy quả quyết, tôi lúc này mới thấy đôi mắt cậu ấy đỏ hoe. Cậu ấy cắn chặt răng, gương mặt vô cùng bướng bỉnh.
"Dạy dỗ thật là tốt", mẹ nhẹ nhàng xì ra một câu, "Sau này chắc là người làm việc lớn nhỉ?"
Mặt mẹ Mã Lực lập tức tối sầm lại, ngay sau đó, cô ấy dùng hết sức giơ tay tát Mã Lực một cái: "Xin lỗi cô ấy đi!".
Nước mắt của Mã Lực nhỏ xuống thềm nhà nhẵn bóng.
Tất cả đều là do tôi sao? Tôi làm sai rồi sao? Vì tôi không nói sự thật nên cậu ấy mới phải khóc. Nếu lúc đó tôi nói khác đi, có thể đã không khiến cậu ấy bị tổn thương...
"Mã Lực, con xin lỗi đi, cô giáo biết con là đứa trẻ biết sai sẽ sửa mà".
"Trắng là trắng, đen là đen! Đúng là đúng, sai là sai! Tại sao con phải xin lỗi?" Mã Lực lớn giọng hét, cậu ấy hình như có nhìn tôi một cái, tôi vội vã cúi đầu: "Con sẽ không xin lỗi đâu, cứ nhốt con lại đi, con sẽ không xin lỗi đâu".
Nói xong, Mã Lực chạy ra khỏi văn phòng, lúc chạy tới cửa, cậu ấy ngoảnh đầu nhìn tôi một cái. Đôi mắt ấy ngập tràn sự hoài nghi, tức giận và không tin tưởng.
Mọi người sững lại, sau đó, mẹ Mã Lực nở nụ cười ngại ngùng, lấy một phong bì từ túi xách ra nhét vào tay mẹ tôi: "Thật sự vô cùng xin lỗi chị, trẻ con không hiểu chuyện, xin chị đừng truy cứu nữa".
Mẹ dường như từ đã biết sẽ như vậy, đón lấy phong bì: "Lần này coi như bỏ qua, sau này dạy dỗ nó cho đàng hoàng".
"Nhất định rồi chị".
Mẹ Mã Lực đi khỏi văn phòng, ngoài hành lang truyền tới tiếng nói: "Nhớ chưa, lần sau đừng có lo chuyện bao đồng nữa". Giọng nói rất to, dường như là để nói cho toàn bộ những người trong văn phòng cùng nghe.
8
Mẹ đưa tôi về, chỉ bỏ lại một câu: "Đợi tao về xử tội mày" rồi đi làm. Tôi ngạc nhiên thấy hôm nay chú không ra ngoài làm việc.
Ông ấy ngồi trên sô pha, trong gạt tàn thuốc trước mặt đầy đầu lọc, hình như đang chờ đợi điều gì.
"Còn nhớ ước hẹn của chúng ta không?", ông ấy vỗ vỗ vào chỗ trống bên cạnh, vẫy tôi lại gần.
Tôi không động đậy nửa bước.
"Chú, việc chú làm với con, là việc xấu phải không?"
"Sao lại là việc xấu được chứ, con đúng thật là...", trên mặt chú treo một nụ cười giả tạo.
"Vậy sao chú không cho con nói với người khác? Nếu là việc tốt, sao lại không thể nói?".
Nụ cười của ông ấy lập tức đông cứng lại, "Không nói cho người khác thì chú có thể cho con tiền tiêu vặt, hoặc con muốn gì nào? Không muốn mẹ đánh con nữa cũng được, chú sẽ nói với bà ấy".
"Vậy có được không? Con không nói ra việc mẹ đánh con, nhưng Mã Lực lại bị mẹ cậu ấy tát, cậu ấy là bạn tốt của con, con không muốn làm tổn thương cậu ấy". Tôi lắc lắc đầu: "Con rất hối hận".
Chú dần thu lại nụ cười, cả người chú run rẩy như đang kìm nén gì đó. Chú đứng lên, từng bước từng bước lại gần tôi, chú nhấc chân lên, đạp vào bụng tôi.
Tôi cảm thấy rất đau.
"Con ngoan, không nói với người khác, được không?". Chú ngồi xổm bên cạnh tôi, mồ hôi nhễ nhại rơi xuống mặt tôi.
Tôi lắc lắc đầu.
Sự nhẫn nại của chú dường như đã đến cực điểm, chú thở dốc, ngũ quan vặn vẹo méo mó, đôi tay thô ráp nghiến chặt lấy cổ tôi.
Cảm giác khó thở tiếp tục đến cả phút, tôi từ bóng tối ngắn ngủi choàng tỉnh, tôi cảm thấy dễ chịu đến khó tin, là cảm giác trước nay chưa từng có.
Tôi hiểu rằng mình bị bó buộc trong cơ thể này, nhưng tôi có thể qua nó để nhìn ngắm mọi thứ của thế giới ngoài kia.
Chú ngồi trên ghế, hút từng điếu từng điếu thuốc, chú di di đầu lọc trên sàn nhà, mãi cho đến khi mẹ đẩy cửa bước vào.
Bọn họ cãi nhau rất kịch liệt, nhưng cuối cùng hình như đã thoả thuận xong gì đó. Mẹ bế tôi từ trên sàn lên. Mẹ có hơi phải dùng sức, tôi đã không còn nhẹ như đứa trẻ 4 tuổi năm ấy nữa rồi.
Mẹ nhét tôi vào tủ áo, một viên sỏi trong suốt từ trong tay tôi trượt rơi xuống sàn nhà.
Tối hôm đó, bố đến.
9
Mấy con ruồi hình như để lại thứ gì đó trên người tôi, dần dần lớn lên thành con vật gì đó, chúng bò bò trên người tôi. Tôi hơi ngứa, nhưng không thể đưa tay gãi.
Ngày hôm đó bố từ thiên đường bay xuống, mở cửa tủ quần áo, tôi hỏi: "Bố ơi, bây giờ bố có thể đưa con đi chưa? Trạm tiếp theo của xe bus là ở đâu vậy ạ?".
Bố nói, đợi thêm một chút nữa bố sẽ đưa con đi.
Bố, con sẽ rất ngoan nhé, con đi đâu cũng được. Thế giới này có phải từ trước đến nay đều toàn là màu đen, không có ai yêu con, cũng không có ai quan tâm đến con.
Bố mỉm cười nói: "Con xem kìa". Tôi nhìn theo tay bố, tôi nhìn qua bức tường bê tông dày và từng bậc từng bậc cầu thang, tôi thấy cậu bé ấy đứng dưới lầu nhà tôi, cặp lông mày rậm nhíu lại như một lưỡi dao.
Cậu ấy cầm tay chú cảnh sát, kéo chú lên lầu. Sắc mặt của người lớn lúc nào cũng thiếu kiên nhẫn như thế, cứ như mỗi câu nói của trẻ con đều lãng phí thời gian của họ vậy.
Chú cảnh sát theo bước chân của Mã Lực bước vào phòng, cậu ấy nhìn qua khe cửa tủ, đối diện với ánh mắt của tôi.
Cậu ấy kéo cánh cửa tủ.
Cảnh sát che mắt cậu ấy lại.
Tôi nhìn thấy cậu ấy run rẩy dữ dội, phát lên những tiếng nức nở rên rỉ như con thú bị thương. Tôi muốn ôm cậu ấy, nhưng tôi không làm được.
Tôi ngoảnh đầu nhìn bố, bố bảo đi thôi.
Thế là tôi dang cánh bay lên.
Tác giả Thy Nga học ngành Ngữ Văn và ngành ngôn ngữ Trung Quốc, hiện đang là giáo viên tiếng Trung của một trung tâm tại TP. HCM.
Thy Nga có sở thích đọc và thích dịch những câu chuyện ý nghĩa chia sẻ với mọi người. Bài viết này nhanh chóng nhận được rất nhiều lượt like, share trên MXH.