Câu chuyện về Charles Richard Drew - Nhà khoa học khởi xướng ngân hàng máu, cứu sống hàng triệu người

Lưu Ly |

Phát minh vĩ đại của Charles Richard Drew đã trực tiếp góp phần cứu sống hàng ngàn sinh mạng trong Chiến tranh thế giới thứ II, và tiếp tục đóng góp cho công cuộc cứu người của toàn bộ nền y học thế giới sau này.

Là một trong những bác sĩ phẫu thuật, nhà giáo dục và nhà cách tân quan trọng nhất của thế kỷ 20, Charles Richard Drew đã mở đường cho việc lưu trữ, xử lý và vận chuyển huyết tương an toàn. Di sản của ông không chỉ cứu nhiều sinh mạng trong suốt thời kì chiến tranh, mà còn tạo ra một cuộc cách mạng trong việc lưu trữ huyết tương thông qua quy trình ngân hàng máu.

Niềm thôi thúc theo học ngành y

Sinh năm 1904, Drew là con cả trong gia đình có 5 người con. Ngay từ khi còn nhỏ, ông đã thể hiện năng khiếu học tập và thể thao. Khi đang học trung học, em gái của ông đột ngột qua đời vì bệnh lao, và điều này đã thôi thúc Drew quyết tâm theo học ngành y.

Năm 1922, năng khiếu thể thao đã giúp ông giành được một học bổng bóng đá và điền kinh để theo học Cao đẳng Amherst ở Massachusetts. Drew là một trong 13 học sinh da đen duy nhất trên tổng số 600 học sinh, và trên sân bóng, ông đã phải vượt qua rất nhiều những kì thị từ các đội khác

Drew hoàn thành bằng cử nhân của trường Cao đẳng Amherst vào năm 1926 nhưng thiếu nguồn lực để theo học ngành y. Để xoay xở, ông nhận vị trí giảng viên sinh học và huấn luyện viên cho Trường Cao đẳng Morgan (nay là Đại học Bang Morgan) ở Baltimore trong hai năm, trước khi vào học tại Đại học McGill ở Montreal, Canada.

Tại McGill, Drew ngay lập tức chứng tỏ được bản thân, giành giải J. Francis Williams về Y khoa và giải thưởng học bổng hàng năm về phẫu thuật thần kinh, làm việc trên Tạp chí Y khoa McGill và được bầu vào tổ chức danh dự y tế Alpha Omega Alpha. Ông hoàn thành bằng y khoa và thạc sĩ phẫu thuật vào năm 1933.

Câu chuyện về Charles Richard Drew  - Nhà khoa học khởi xướng ngân hàng máu, cứu sống hàng triệu người - Ảnh 1.

Phát kiến cứu hàng ngàn sinh mạng

Sau khi tốt nghiệp, Drew bắt đầu thực tập nội trú tại cả Bệnh viện Hoàng gia Victoria và Bệnh viện Đa khoa Montreal. Từ lúc này, ông đã bắt đầu xem xét các vấn đề liên quan đến truyền máu, hay còn gọi là quá trình truyền máu qua đường tĩnh mạch (IV).

Khi bắt đầu theo học tiến sĩ tại Đại học Columbia, nơi ông làm việc với một bác sĩ tên là John Scudder, Drew tiếp tục nghiên cứu trong lĩnh vực truyền máu nói trên. Cả hai đã cùng tiến hành các nghiên cứu sâu rộng trong việc bảo quản máu và thay thế chất lỏng, với đỉnh cao là phát triển một ngân hàng máu thử nghiệm, được vận hành êm đẹp trong 7 tháng.

Luận án tiến sĩ năm 1940 của Drew với tên gọi "Dự trữ máu: Nghiên cứu về bảo quản máu" càng củng cố vị thế hàng đầu của ông trong lĩnh vực này.

Câu chuyện về Charles Richard Drew  - Nhà khoa học khởi xướng ngân hàng máu, cứu sống hàng triệu người - Ảnh 3.

Những đột phá của Drew trong bảo quản máu là rất đúng lúc, vì lúc đó Chiến tranh Thế giới thứ II đang diễn ra ở châu Âu, và Vương quốc Anh cần một lượng lớn máu và huyết tương để chữa trị cho những người lính bị thương. Tận dụng ngân hàng máu thử nghiệm mà họ vừa xây dựng, Drew và Scudder là những người đi đầu chương trình “Máu cho nước Anh” để vận chuyển huyết tương ra nước ngoài.

Vận chuyển huyết tương là một yêu cầu quan trọng trong cấp cứu. Máu chứa hai thành phần chính là hồng cầu và huyết tương. Công việc của hồng cầu là vận chuyển oxy đi khắp cơ thể, còn huyết tương vận chuyển nước cùng protein và chất điện giải.

Mặc dù không chứa tế bào hồng cầu, huyết tương có vai trò quan trọng trong việc giúp thay thế chất lỏng thiết yếu và điều trị sốc - hai nhiệm vụ thiết yếu để cứu một sinh mạng. Ngoài ra, bản thân huyết tương cũng dễ bảo quản và vận chuyển hơn, và có thể được sử dụng với bất kỳ nhóm máu nào.

Câu chuyện về Charles Richard Drew  - Nhà khoa học khởi xướng ngân hàng máu, cứu sống hàng triệu người - Ảnh 4.

Dưới sự chỉ đạo của Drew, nhóm của ông đã phát triển những cách mới để chiết xuất, bảo quản và vận chuyển huyết tương trên quy mô lớn, cho phép vận chuyển tới 5.000 lít huyết tương cứu sinh đến Anh.

Nguồn cảm hứng sống mãi

Sau thành công của chương trình “Máu cho nước Anh”, Drew được bổ nhiệm làm trợ lý giám đốc cho hệ thống ngân hàng máu của Hoa Kỳ, do Hội Chữ thập đỏ Hoa Kỳ và Hội đồng Nghiên cứu Hoa Kỳ tài trợ.

Trong thời gian này, ông đã xây dựng một số trạm hiến máu di động, sau này được biết đến với tên gọi là các trạm vận chuyển máu. Tuy nhiên, ngay khi Hoa Kỳ tham chiến, các lực lượng vũ trang đã ban hành một chính sách ngăn cản người da đen hiến máu vì lí do phân biệt chủng tộc. Quyết định sai lầm này đã dẫn đến việc Drew từ chức Ngân hàng Máu Quốc gia vào tháng 4 năm 1941.

Sau khi rời Ngân hàng Máu Quốc gia, Drew tập trung vào việc đào tạo và cố vấn sinh viên tại Trường Y khoa Howard. Theo Bảo tàng Quốc gia Hoa Kì về Chiến tranh Thế giới thứ hai, ông thường tự bỏ tiền túi để giúp các sinh viên của mình tham dự các hội nghị và trình bày nghiên cứu của họ.

Câu chuyện về Charles Richard Drew  - Nhà khoa học khởi xướng ngân hàng máu, cứu sống hàng triệu người - Ảnh 5.

Vào ngày 1 tháng 4 năm 1950, bi kịch xảy đến. Drew gặp một tai nạn xe hơi nghiêm trọng khi đang trên đường đến một hội nghị lâm sàng và qua đời vì vết thương nghiêm trọng. Dù đột ngột ra đi, những di sản của ông vẫn được tiếp nối qua những người mà ông đã truyền cảm hứng, trong đó có cả cả con gái ông, Charlene Drew Jarvis, tiến sĩ đồng thời là nhà khoa học nghiên cứu tại Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia Hoa Kì.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại