Theo Guardian, đây là bức ảnh chụp một người lao động nhập cư ngồi bên vệ đường ở Delhi, Ấn Độ.
Gương mặt của người đàn ông nhăn nhó, đầy đau khổ khi đang nghe cuộc gọi điện thoại từ vợ mình nói cậu con trai bé bỏng ở nhà đang bị ốm nặng.
Anh chỉ muốn trở về với gia đình ngay lập tức nhưng lại không còn một đồng tiền nào trong túi, trong khi đất nước vẫn đang phong tỏa nghiêm ngặt vì đại dịch Covid-19.
Và anh chấp nhận dấn thân vào cuộc hành trình trở về nhà đầy khắc nghiệt bằng cách đi bộ hàng nghìn km.
Con qua đời nhưng không thể về nhà
Khó khăn của anh Rampukar Pandit, một công công nhân xây dựng, là tình cảnh chung của những người lao động nhập cư ở Ấn Độ.
Không có phương tiện giao thông công cộng để anh có thể trở về nhà ở Begusarai, bang Bihar, cách nơi đang làm việc 1.200km, người đàn ông cũng giống như bao người lao động nghèo khổ khác quyết định đi bộ trở về nhà.
Tuy nhiên, khi đến cây cầu Nizamuddin, anh Pandit bị kiệt sức và đói lả, anh không thể nào đi tiếp được nữa.
Atul Yadav, nhiếp ảnh gia của Press Trust of India, đang đi làm về ngang qua cây cầu vào chiều muộn ngày 11/5 thì bắt gặp anh Pandit, 38 tuổi, đang ngồi đó khóc nức nở.
Nhiếp ảnh gia này sau đó đã cho anh Pandit chút nước và bánh quy nhưng bị từ chối. Pandit nói đồ ăn sẽ làm anh mắc nghẹn vì anh không thể nuốt nổi khi đứa con trai 11 tháng tuổi đang ốm nặng ở nhà.
“Nhìn anh ấy rất xúc động nên tôi đã dừng lại để chụp ảnh. Anh ấy đã ngồi trên đường 3 ngày rồi”, Yadav nói.
Bức ảnh anh Rampukar Pandit ngồi bên vệ đường bật khóc vì không thể về nhà khi con ốm "gây sốt" mạng xã hội.
Ngay sau khi bức ảnh được chụp, vào tối cùng ngày, anh Pandit nhận được cuộc gọi của vợ báo rằng con trai của họ đã qua đời.
Người đàn ông gần như bị quỵ ngã khi hay tin. "Con trai tôi thậm chí chưa tròn 1 tuổi. Nó đã chết mà tôi không thể ở bên. Đó là một tin sét đánh đối với tôi", người đàn ông cho hay.
Anh Pandit nói rằng một người phụ nữ ở Delhi và nhiếp ảnh gia Yadav chính là những vị cứu tinh của mình. "Tôi ngồi đó bên lề đường trong tình trạng hoàn toàn bị kiệt sức và lúc đó tôi chỉ nghĩ làm sao có thể về nhà nhanh nhất.
Một nhiếp ảnh gia đã đến hỏi thăm tôi và cố gắng giúp tôi kiếm một chiếc xe để trở về nhà nhưng không được.
Một người phụ nữ khác đã cho tôi thức ăn, tiền đi đường và đã tìm cách đặt vé tàu giúp tôi. Và đó là cách duy nhất giúp tôi có thể về nhà", người đàn ông cho hay.
“Anh ấy đã bật khóc vì biết ơn sự giúp đỡ của những người lạ”, nhiếp ảnh gia kể lại khoảnh khắc anh không bao giờ quên về người cha đầy khắc khổ ấy.
Pandit cho hay anh có 3 người con gái và 1 người con trai tên là Rampravesh.
Cậu con trai út là tài sản quý giá đối với anh nhưng cuối cùng Pandit phải nhận tin dữ ở nơi đất khách quê người, không thể nhìn thấy con trai bé bỏng của mình lần cuối.
Người đàn ông khắc khổ không có tiền về nhà để nhìn thấy con trai mình lần cuối.
Bức ảnh chấn động toàn cầu
Bức ảnh chụp anh Pandit nhanh chóng được lan truyền mạnh mẽ trên các phương tiện truyền thông đại chúng và gây chấn động thế giới.
Bức hình đã khắc họa nỗi thống khổ của hàng triệu lao động nhập cư ở Ấn Độ, những người đang tuyệt vọng trên đường trở về nhà với gia đình khi họ rơi vào tình trạng thất nghiệp vì Covid-19.
Họ đã tìm mọi cách để được trở về nhà như đi xe tải, xe đạp, xe lam và thậm chí cả đi bộ. Một số hành trình như của anh Pandit lên tới cả ngàn km.
Đói, khát và cái nóng như thiêu như đốt của mùa hè Ấn Độ càng khiến chặng đường thêm khốc liệt. Có những người đã chết vì kiệt sức và say nắng. “Nếu tôi chết, tôi muốn được chết cùng bố mẹ”, một người lao động trẻ nói.
Cuộc di cư vẫn diễn ra hàng ngày với dòng người dài bất tận. Các cư dân của khu ổ chuột Dharavi ở Mumbai đang trốn chạy lên tới cả nghìn người mỗi ngày.
Với điều kiện sống tù túng, dễ nhiễm bệnh trong khi thành phố đã có hơn 1.100 ca nhiễm virus corona, nhiều người lao động cảm thấy như “ngồi trên đống lửa”.
Nhiếp ảnh gia Yadav, 44 tuổi, đã ghi lại tình cảnh của những người lao động Ấn Độ trong nhiều tuần qua, từ khi lệnh phong tỏa có hiệu lực hôm 25/3.
Nhưng điều khiến anh bất ngờ nhất là phản ứng của dư luận trước bức ảnh của anh Pandit. Nó được lan truyền trên khắp truyền thông và mạng xã hội Ấn Độ.
Chưa dừng lại ở đó, bức hình còn gây chấn động dư luận quốc tế và nhận được sự quan tâm đặc biệt của hàng triệu người.
Người lao động nghèo ở Ấn Độ không có tiền, chấp nhận đi bộ hàng nghìn km để trở về quê hương.
Nhiếp ảnh gia Yadav còn nhận được các cuộc gọi từ California và New York, đề nghị được giúp đỡ anh Pandit. “Trong sự nghiệp của tôi từ trước đến giờ, đây là bức ảnh thể hiện rõ nhất nỗi đau của một con người”, anh nói.
Yadav cho hay anh không hề sắp xếp bố cục hay chỉnh sáng cho bức ảnh hoặc cố tìm cho mình một góc chụp để lột tả được cảm xúc một cách nhiều nhất về người cha bất hạnh.
Bức ảnh được chụp theo cách hoàn toàn tự nhiên và nhanh chóng.
Tuy nhiên, chính sự tự nhiên đó đã khiến bức ảnh chạm đến trái tim của hàng triệu người trên thế giới, họ thấu hiểu và đồng cảm về nỗi đau đớn, sự thống khổ của người cha bất lực khi không thể trở về nhà ngay được.
Theo các trang tin địa phương, Pandit đã đến Bihar, bang quê nhà anh, vào tuần trước. Anh được đưa vào trung tâm kiểm dịch và đã được xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2. Anh không thể chờ đợi thêm nữa để được về nhà.
Và người đàn ông cũng không thể ngờ rằng anh đã trở nên nổi tiếng trên toàn thế giới và gây xúc động mạnh mẽ đến như vậy.
Nỗi lo lắng cho tương lai
Sau khi trở về nhà, Pandit cho hay anh không kịp thực hiện việc an táng cho con trai bé bỏng.
Trong khi đó, nỗi lo cơm áo gạo tiền đang nặng trĩu trong lòng người đàn ông khắc khổ này. Anh Pandit là trụ cột chính trong gia đình, vợ của anh thì vốn có thể trạng ốm yếu, không thể lao động được.
Giờ đây trước tình hình khó khăn chung của cả nước, anh chưa biết phải làm gì để có thu nhập nuôi sống gia đình.
Bimal Devi, vợ của anh cho hay một người đàn ông đã đến nhà của họ sau khi biết được hoàn cảnh của anh Pandit thông qua bức ảnh nổi tiếng trên truyền thông.
Người đàn ông này đã đem đến cho gia đình anh Pandit một ít gạo, chút gia vị và một số đồ dùng thiết yếu khác giúp gia đình anh tạm thời không rơi vào cảnh chết đói trước mắt.
Người lao động nhập cư Ấn Độ không biết tương lai về sau sẽ thế nào?
Về phía Pandit, anh cho hay, mình sẽ không bao giờ quay lại Delhi để tiếp tục làm công việc trước kia nữa. Anh sẽ tìm công việc khác tại quê nhà. “Tôi sẽ tự kiểm soát cuộc đời của mình. Những gì đã trải qua là quá đủ đối với tôi”, anh nói.
Tuy nhiên, nếu Pandit có cơ hội trở lại Delhi, anh cho biết sẽ đến gặp người phụ nữ giúp anh trả tiền vé tàu.
Trước khi rời đi, cô ấy đã đưa cho anh địa chỉ nhà mình đề phòng trường hợp anh cần giúp đỡ thêm. “Tôi muốn gặp lại cô ấy. Cô ấy là thiên thần của tôi”, anh Pandit nói.