Nữ sinh nghèo đam mê khoa học
Maria Sklodowska sinh tháng 11 năm 1867 ở Ba Lan. Bà là con út trong gia đình 5 anh chị em, cha mẹ là những giáo viên nghèo.
Ngay từ nhỏ, Marie đã bộc lộ tư chất thông minh hơn người, luôn tìm tòi, vượt qua mọi khó khăn, thử thách trong thế giới khoa học nhiều bí ẩn, lý thú.
Ở Ba Lan thời đó, các trường đại học không nhận phụ nữ, Marie đành theo học "trường đại học lưu động" do các trí thức yêu nước bí mật thành lập.
Nữ sinh Marie phải làm gia sư cho nhà điền chủ giàu có trong vùng để có tiền trang trải việc học. Sau 5 năm kiên trì làm gia sư, nhờ sự giúp đỡ của chị gái cả, khi 24 tuổi Marie mới được sang học Đại học danh tiếng Sorbone ở Paris.
Với những nỗ lực phi thường, chỉ một thời gian ngắn sau Marie nhanh chóng trở thành một trong những sinh viên xuất sắc nhất của trường.
Bà đã được cấp bằng Thạc sĩ Vật lý khi còn là sinh viên năm thứ 3, bằng Thạc sĩ số học khi học năm thứ 4. Ngoài ra, Marie còn nói, viết thành thạo tiếng Pháp, Anh, Đức, Nga.
Cuộc sống của Marie khi học đại học chỉ trông chờ vào số tiền đã dành dụm được trong 5 năm làm gia sư.
Không có tiền thuê người giúp việc, không có tiền mua thức ăn, thậm chí Marie chỉ ăn bánh mì và uống nước trà trong vài tuần liền.
Thi thoảng, Marie mới có thể ăn một vài quả trứng, ít sô cô la hay một quả táo. Điều kiện sinh hoạt kham khổ khiến Marie bị thiếu máu và thường hay bị ngất.
Vùi đầu vào nghiên cứu, học tập, Marie dường như chưa từng nghĩ tới chuyện yêu đương, hôn nhân.
Hôn nhân định mệnh tạo nên bước ngoặt cuộc đời
Năm 1894, Marie gặp Pierre Curie, một nhà khoa học 35 tuổi, chưa vợ, nổi tiếng với những phát minh về hiện tượng điện áp, chiếc cân và định luật từ tính mang tên Curie.
Nhà Vật lý Pierre cũng là một người có tâm hồn nghệ sĩ, viết văn, làm thơ, yêu âm nhạc... và cùng niềm đam mê khoa học với Marie.
Họ kết hôn sau vài tháng gặp gỡ. Hai năm sau khi kết hôn, Marie sinh con gái đầu lòng và chuẩn bị bảo vệ luận án tiến sĩ. Bà chọn đề tài nghiên cứu là hiện tượng phóng xạ của nguyên tố Urani.
Hai vợ chồng Marie và Pierre phải chạy vạy mãi mới mượn được một gian hầm ẩm thấp làm phòng thí nghiệm và bắt đầu nghiên cứu với hàng ngàn phép tính toán và đo đạc.
Phải đến gần 10 năm sau, vợ chồng Curie phát hiện một nguyên tố phóng xạ có cường độ phóng xạ mạnh gấp 400 lần so với Urani nguyên chất.
Nguyên tố đó được đặt tên là Poloni theo tên của quê hương Ba Lan của bà. Ít lâu sau, họ tiếp tục phát hiện ra nguyên tố có cường độ phóng xạ cực mạnh là Radi.
Quá trình tinh luyện Radi từ quặng Pêchbơlăng rất vất vả, tốn kém nên vợ chồng nhà bác học đã quyết tâm tìm cách sáng chế.
"Sau khi từ phòng thí nghiệm về nhà, tôi và Pierre vẫn cứ suy nghĩ mãi về hiện tượng lạ trong phòng thí nghiệm.
Chúng tôi đã cùng quay lại và sững sờ khi vừa mở cửa. Chất Radi trong lọ phát ra tia huỳnh quang màu xanh lấp lánh.
Chúng tôi đã ôm lấy nhau, ứa nước mắt vì sung sướng", Marie nhớ lại quãng thời gian hai vợ chồng bà cùng nghiên cứu.
Sau 4 năm trời đằng đẵng với hàng ngàn thí nghiệm, họ không có tiền, cũng không có người nào giúp đỡ.
Tuy nhiên, đó là "thời kỳ anh dũng và cũng hạnh phúc nhất trong cuộc sống của hai vợ chồng tôi", Marie bồi hồi nhớ lại.
Cuối cùng, họ cũng đã luyện thành công chất Radi. Với thành tựu này, ông bà Curie đã được Viện Khoa học Hoàng gia London trao tặng Huy chương Devy và Viện Hàn lâm khoa học Thụy Điển trao tặng giải Nobel Vật lý.
Năm 1906, tai nạn đột ngột giáng xuống cuộc đời của Marie Curie khi người chồng bà nhất mực yêu thương gặp tai nạn giao thông và qua đời.
Bà mất đi người bạn đời và cả người chiến hữu đồng cam cộng khổ trên con đường chinh phục đỉnh cao khoa học.
Một năm sau, Marie thay thế chồng nhận chức Giáo sư, giảng dạy ở trường đại học và trở thành nữ giáo sư đầu tiên ở trường Đại học Paris.
Chú tâm vào công việc hơn bao giờ hết, bà tiếp tục nghiên cứu về Radi và Poloni. Năm 1910, bà đã thu được Radi nguyên chất, một thứ kim loại màu trắng lóng lánh và tìm được điểm nóng chảy của nó là 700 độ C.
Cũng trong năm ấy bà công bố công trình: "Chuyên luận về sự phóng xạ" dày 971 trang.
Vừa nuôi con một mình, vừa đảm đương công việc dạy học và nghiên cứu, quả thực Marie Curie phải có một nghị lực phi thường.
Năm 1911, bà một lần nữa được nhận giải Nobel Hóa học vì tách được Radi nguyên chất và tiếp theo đó là Huân chương Bắc đẩu bội tinh của Chính phủ Pháp.
Là người đầu tiên tìm ra nguyên tố phóng xạ và nửa cuộc đời chịu đau đớn vì chính nó
Marie Curie là một nhà khoa học lỗi lạc và vô tư. Khi nghiên cứu về Radi, người ta phát hiện tia phóng xạ của nó có thể xuyên qua cơ thể, phá hủy các tế bào bệnh lý. Vì thế Radi trở thành một vũ khí chống lại bệnh ung thư.
Bởi vậy phương pháp tinh luyện Radi của Marie Curie được người ta đua nhau trả giá thật cao để có được.
Tuy nhiên, Marie cho rằng, phát minh khoa học là để mưu cầu hạnh phúc cho nhân loại chứ không phải để trục lợi cá nhân. Bà quyết định công bố cho toàn thế giới biết phương pháp tinh luyện Radi.
Công trình khoa học về bức xạ và tinh lọc Radi của vợ chồng Curie đã góp phần quan trọng vào việc nghiên cứu sự phóng xạ và nguyên tử...
Năm 1914, Marie Curie được cử làm Giám đốc Viện Radi ở Paris - cơ sở đầu tiên ứng dụng Radi để điều trị ung thư.
Sự phóng xạ cũng cho khả năng phát hiện và chữa một số bệnh. Nhờ liệu pháp tia X người ta có thể diệt một số tế bào ung thư bằng cách "bắn phá" nó bằng bom, tức là phát những tia bức xạ của côban vào các tế bào có bệnh.
Đến thập niên 1920 - 1930, người ta bắt đầu hiểu rõ hơn những hậu quả độc hại của phóng xạ đối với cơ thể con người.
Những nhà bác học cùng làm việc bên cạnh ông bà Curie trong thời kỳ đầu của phát minh đều bị những triệu chứng mà phóng xạ gây ra như: khó chịu đường tiêu hoá, rát bỏng, lở loét, ung thư...
Tiên phong trong nghiên cứu về phóng xạ, Marie Curie đã phải chịu đựng bệnh phóng xạ trong thời gian hơn nửa cuộc đời. Các bác sĩ cho biết, bà bị trúng độc Radi, do bị bức xạ lâu dài, nội tạng của bà bị tổn thương nghiêm trọng
Năm 1934, bà qua đời sau thời gian dài chịu đựng những đau đớn do bệnh tật bởi nhiễm xạ. Thi hài của bà được mai táng tại ngoại ô Paris, bên cạnh người chồng quá cố Pie Curie.
Dù đã qua đời, nhưng các chuyên gia đã bình chọn nhà vật lý Marie Curie là người phụ nữ có tầm ảnh hưởng nhất thế giới, theo danh sách công bố năm 2018 trên BBC History.
Nữ bác học lừng danh mọi thời đại này chứng minh một người thành công không cần đến phòng thí nghiệm hiện đại, phòng thu lớn hay những trang thiết bị tối tân.
Tất cả những gì họ cần là sự tò mò trước những điều mới lạ, một mục đích rõ ràng, sự cống hiến không ngừng nghỉ và tốt hơn hết, có một người đồng hành cùng hướng đến những điều tốt đẹp nhất trong công việc.