Sáng 20/2, huyện Thanh Oai (Hà Nội) tổ chức buổi giao nhận tân binh tại nhà văn hóa huyện. Trong giây phút chia tay bịn rịn giữa các tân binh và người thân, hình ảnh bà cụ vào tận hàng quân đưa cháu trai gói muối vừng vừa thức cả đêm làm khiến nhiều người rưng rưng.
Người cháu đó là Nguyễn Thành Long, chàng tân binh sinh năm 2000, ở thôn Bình Đà 2, xã Bình Minh, huyện Thanh Oai, Hà Nội.
"Tôi đã thức cả đêm qua để làm muối vừng để cho cháu mang vào đơn vị ăn. Tôi từng đưa tiễn con trai tôi (cậu của Long) đi lính nhưng lần này vẫn không khỏi bồi hồi xúc động", bà Nguyễn Thị Xuân (80 tuổi, bà ngoại Long) cho hay.
Long luôn là niềm tự hào của bà Xuân, là một trong những đứa cháu bà Xuân yêu thương nhất.
Trong khi nhiều tân binh xao xuyến, bật khóc khi sắp xa gia đình thì Long lại tỏ ra hân hoan, phấn khởi và còn động viên người thân: "Đi lính 2 năm thì ngoảnh đi ngoảnh lại cũng như giấc ngủ trưa thôi, mọi người cứ yên tâm con sẽ hoàn thành nhiệm vụ".
Sau lời nói tự tin với người thân, Long đến thủ thỉ với mẹ bằng giọng hài hước: “Mẹ ở nhà nhớ giữ gìn sức khỏe. Nếu không khỏe là con về mua cho mẹ một quả đồi lên ở đó luôn”.
Thấy cậu con trai hân hoan trong ngày nhập ngũ, bà Đinh Thị Tuyết (SN 1968, mẹ của Long) cảm thấy tự hào về con khi đã nối tiếp truyền thống yêu nước từ bố và ông nội.
Bà Tuyết cho hay, trong đợt nhập ngũ này, Long được ưu tiên không phải đi lính nhưng cậu vẫn hăng hái lên đường.
“Ông nội và bố Long từng đi lính, sau đó bố Long mất sớm, giờ trong gia đình chỉ có Long là con trai, các chị đi lấy chồng hết.
Nếu cháu không muốn đi, thì cháu có thể được ưu tiên không phải đi. Tuy nhiên, cháu rất hăng hái ngay từ lúc xã thông báo cháu đi khám tuyển nghĩa vụ quân sự”, bà Tuyết tâm sự.
Bà Tuyết tâm sự về cậu con trai Nguyễn Thành Long vừa lên đường nhập ngũ.
Được biết, khi bà Tuyết mang thai Long được hơn 4 tháng, thì chồng bà mất. Long lớn lên trong sự thiếu thốn về vật chất, thiếu sự quan tâm của người bố nhưng cậu vẫn rất ngoan, chịu khó học hành.
Trong 12 năm học, Long luôn được nhận giấy khen vì học lực khá, giỏi. Lên lớp 12, dù học hành vất vả nhưng biết mẹ đi làm thợ xây lương thấp, thương mẹ, cậu lại đi làm thêm.
“Khi rảnh là nó đi làm thêm ở nhà hàng, hay chạy xe ôm công nghệ để kiếm thêm thu nhập đỡ đần mẹ”, bà Tuyết chia sẻ.
Trước kỳ thi đại học, Long mơ ước trở thành sinh viên 2 trường là Đại học Luật và Đại học sân khấu điện ảnh. Thấy vậy, bà Tuyết khuyên con thích trường nào thì tập trung thi một trường thôi. Vậy là Long quyết định theo nghiệp diễn viên.
Để tiếp thêm niềm đam mê cho nghề, Long tham gia các vai diễn quần chúng với các đoàn làm phim.
"Đợt thi trượt đại học, nó không tâm sự với mẹ vì sợ mẹ buồn. Tuy nhiên, khi xuống gặp tôi nó khóc thút thít như một đứa trẻ.
Hôm nay, cháu đã dũng cảm vượt qua được những nỗi buồn đó và hăng hái lên đường nhập ngũ, tôi cảm thấy rất phấn khởi", bà Nguyễn Thị Xuân (80 tuổi), bà ngoại của Long tâm sự.
Trong kỳ thi đại học, Long bị thiếu ít điểm, khiến cô giáo Nguyễn Thị Hà (giáo viên Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên Hà Đông) đến nay vẫn tiếc nuối: “Tôi thấy tiếc cho Long, tôi khuyên cậu ấy hay để sang năm thi nhưng Long bảo cậu không thích và muốn đi bộ đội”.
Ngày đi khám nghĩa vụ quân sự , chàng trai cao 1m70 nặng 60kg tâm sự với mẹ: “Con chấp nhận là con đi luôn từ đầu, con không nề hà gì cả”.
Bà Tuyết cho hay, Long đóng quân ở Sóc Sơn (Hà Nội), là lính Phòng không không quân.
Người mẹ tin tưởng rằng, khi trải qua 2 năm quân ngũ, con trai bà sẽ trưởng thành hơn. Bên cạnh đó, bà cũng hy vọng con có duyên với con đường quân ngũ để ở lại để phục vụ Tổ quốc, còn không, khi ra quân thì cho Long theo học ngành nghề yêu thích.