Câu chuyện buồn phía sau bức tượng người phụ nữ trên những chuyến xe buýt ở Hàn Quốc

GYA RADOS SPIDERUM |

Ở Hàn Quốc, khi đặt chân lên xe buýt trong khoảng thời gian này, bạn có thể sẽ nhìn thấy những bức tượng một cô gái đi chân trần, cắt tóc ngắn, mặc trang phục truyền thống hanbok và ngồi lặng lẽ trên một chiếc ghế.

Đây là hình ảnh gợi nhớ đến những người phụ nữ từng bị cưỡng ép làm nô lệ tình dục trong các nhà thổ quân sự ở Nhật Bản vào thời Chiến tranh thế giới thứ 2.

Vào hôm thứ 2 vừa qua, đúng vào ngày "phụ nữ giải khuây" quốc tế, những bức tượng này đã được đặt trên 5 tuyến xe buýt chạy vòng quanh thủ đô Seoul (Hàn Quốc). Được biết, hiện nay, 37 phụ nữ Hàn Quốc, từng làm nghề mua vui cho quân đội Nhật Bản, vẫn còn sống và đều ở độ tuổi 80.

Câu chuyện buồn phía sau bức tượng người phụ nữ trên những chuyến xe buýt ở Hàn Quốc - Ảnh 1.

Hàn Quốc vẫn còn đến 37 "phụ nữ giải khuây", và phần lớn trong số họ đều là những người trên 80 tuổi.

Ý nghĩa của bức tượng "phụ nữ mua vui"?

Thuật ngữ "phụ nữ mua vui" hay "phụ nữ giải khuây" dùng để chỉ những cô gái trẻ bị ép buộc làm kỹ nữ nhằm thoả mãn nhu cầu nhục dục cho binh lính Nhật Bản. Đa phần những tội ác chiến tranh như thế này thường diễn ra ở Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan và Philippines.

Theo các nhà hoạt động xã hội tại Hàn Quốc, khoảng 200.000 phụ nữ ở những quốc gia kể trên đã phải trải qua những tháng ngày đen tối dưới thân phận là kẻ mua vui cho binh lính Nhật Bản.

Câu chuyện buồn phía sau bức tượng người phụ nữ trên những chuyến xe buýt ở Hàn Quốc - Ảnh 2.

Những bức tượng này đã không ít lần khiến Nhật Bản cảm thấy khó chịu, nhưng Hàn Quốc kiên quyết công khai sự thật phũ phàng.

Nỗi tủi nhục của những "phụ nữ giải khuây"

Những người phụ nữ mua vui này đã phải trải qua biết bao đau đớn về cả thể xác lẫn tinh thần. Cho đến tận bây giờ, mỗi khi nhắc đến cụm từ "phụ nữ giải khuây", nhiều người dân Hàn Quốc nói riêng và gia đình của những nạn nhân không khỏi xót xa vì những gì họ đã phải chịu đựng trong thời chiến.

Khoảng ba phần tư số phụ nữ giải khuây đã chết. Những người may mắn sống sót đều bị vô sinh do chịu tổn thương nặng ở vùng kín và mắc phải nhiều loại bệnh lây qua đường tình dục.

Đánh đập và tra tấn thể xác phụ nữ trở thành "trò chơi độc ác" phổ biến trong đời sống của binh lính Nhật vào thời chiến tranh thế giới thứ hai.

Một phụ nữ Hàn Quốc tên Kim Hak Sun đã trả lời trong một bài phỏng vấn vào năm 1991 về việc cô đã bị cưỡng ép để trở thành nô lệ tình dục như thế nào. "Khi mới 17 tuổi, tôi và người bạn của mình bị những người lính Nhật đánh đập và lôi vào thùng của một xe tải.

Họ dùng lời lẽ ngon ngọt lừa chúng tôi rằng, chúng tôi sẽ được "ăn ngon mặc đẹp" và sẽ kiếm được rất nhiều tiền trong một xưởng dệt. Chỉ sau đó một ngày, chúng tôi liên tục bị cưỡng hiếp, thậm chí 30 đến 40 lần.

Những ngày sau đó, bà Kim Hak Sun cảm thấy vô cùng tủi nhục và đau đớn, cả về thể xác lẫn tinh thần. Thậm chí, một bác sĩ quân đội Nhật Bản, Asou Tetsuo còn xác nhận rằng, những người phụ nữ như vậy chỉ đơn thuần là "toilet công cộng" theo đúng nghĩa đen.

Không chỉ dừng lại ở những cơn tra tấn về thể xác, bà Kim Hak Sun và những người phụ nữ Hàn Quốc khác còn phải hiến máu của mình để chữa trị cho binh lính bị thương.

"Bản thân tôi là phụ nữ nhưng chưa một ngày nào tôi được sống yên ổn như một người phụ nữ bình thường. Tôi cảm thấy sợ hãi mỗi khi đối diện với đàn ông.

Không chỉ đối với những người đàn ông Nhật Bản, tôi cảm thấy run sợ khi nhìn thấy chồng mình, người đã cứu tôi ra khỏi nhà chứa." Nỗi ám ảnh vẫn mãi ở đấy và không bao giờ có thể nguôi ngoai được.

Ai là người làm nên những bức tượng này?

Chính vì điều đó, chủ tịch công ty vận tải đặt trụ sở tại Seoul, ông Lim Jin Wook, đã đề ra ý tưởng về những bức tượng làm bằng nhựa đặt trên các tuyến xe buýt phổ biến ở Seoul. Ông khẳng định thêm rằng chính phủ hoàn toàn không có sự can thiệp nào vào vấn đề này.

Câu chuyện buồn phía sau bức tượng người phụ nữ trên những chuyến xe buýt ở Hàn Quốc - Ảnh 3.

Mỗi khi đi ngang qua đại sứ quán Nhật tại Hàn Quốc, bài hát dân ca truyền thông "Arirang" sẽ được phát lên

Tuy nhiên sau đó, thành phố Seoul đã đồng tình với ý tưởng của ông Wook. Theo như dự kiến, chiến dịch đặt tượng của ông Lim sẽ kéo dài đến hết tháng 9 tới đây.

Thị trưởng thành phố Seoul, ông Park Won Soon đã đi làm bằng xe buýt vì ông cho rằng "đó là một hành động bày tỏ lòng kính trọng với các nạn nhân".

Đại sứ quán Nhật ở Seoul là một trong những điểm dừng đặc biệt trong lộ trình của tuyến xe buýt vòng quanh thành phố này.

Và mỗi khi dừng lại tại đây, chiếc xe buýt sẽ phát bài hát dân ca truyền thống "Arirang". Ngoài ra, chuyến xe buýt này cũng sẽ đưa du khách đi qua các điểm du lịch phổ biến khi họ tới Seoul.

Câu chuyện buồn phía sau bức tượng người phụ nữ trên những chuyến xe buýt ở Hàn Quốc - Ảnh 4.

Những bức tượng này thậm chí còn được khoác áo len, khăn choàng và được dâng hoa nhằm tưởng nhớ ngày quốc tế "phụ nữ giải khuây" hàng năm

Theo ông Lim, ông không hề có ý định khiến người dân Nhật Bản cảm thấy không thoải mái, nhưng ông cũng không muốn vấn đề "phụ nữ mua vui" bị chìm vào quên lãng. Đây không phải là lần đầu tiên các bức tượng những người phụ nữ này được đặt ở các địa điểm tại Hàn Quốc.

Trước đó, vào năm ngoái, các nhà hoạt động xã hội thậm chí còn đặt bức tượng "phụ nữ giải khuây" ở bên ngoài Đại sứ quán Nhật Bản tại thành phố Busan.

Có thể nói, đằng sau những bức tượng vô hồn này lại là những câu chuyện ám màu bi kịch. Ông Lim Jin Wook đã chia sẻ rằng: "Chúng tôi không hề muốn quên đi lịch sử đau thương." Bởi một lẽ, đây là những tội ác đáng bị lên án, ngay cả trong thời hiện đại.

Hơn thế, ngày quốc tế "phụ nữ giải khuây" là một dịp đặc biệt để mọi người bày tỏ lòng cảm thông đến các nạn nhân cũng như gia đình của nạn nhân vì đã phải nếm chịu nhiều mất mát.

Những bức tượng này cùng với sự cảm thông sâu sắc của những người dân Hàn Quốc sẽ phần nào làm nguôi ngoai những đớn đau về cả thế xác lẫn tinh thần mà những người "phụ nữ giải khuây" đã phải trải qua trong thời chiến.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại