Cậu bé từ rừng già theo chân cha ra phố thăm họ hàng, lỡ chân đi lạc mà “trôi dạt” 40 năm mới đoàn tụ

Thiên Yết |

Từ thuở lên năm, lên sáu, gặp ai anh cũng kể mình tên Dón, nhà ở ven rừng, có suối nước trong… để tìm manh mối về cánh rừng có nhà cha mẹ. 40 năm sau anh mới gặp lại gia đình, nhưng người cha nắm tay anh dắt lên thành phố năm ấy, giờ chỉ là nắm xương tàn nằm dưới mộ…

“Nhà em ở ven rừng, có cây rất bự, có suối nước trong”

Nhà của em ở trong rừng, gốc cây nào gốc cây nấy bự bự cỡ 3 - 4 người ôm không à. Kế bên nhà em có suối nước trong, lâu lâu em ra suối tắm. Ở đó, thưa thưa mới có căn nhà. Ba em làm nghề xẻ gỗ”, từ thuở bé cho đến khi trưởng thành, làm chồng, làm cha của hai đứa nhỏ, anh Trắng đều kể chuyện đó với những người mình gặp. Anh bảo, phải kể để khỏi quên, để nhắc mình phải đi kiếm lại gia đình ruột.

Cậu bé từ rừng già theo chân cha ra phố thăm họ hàng, lỡ chân đi lạc mà “trôi dạt” 40 năm mới đoàn tụ - Ảnh 1.

Anh Ừng Mình Dón (Nguyễn Thanh Trắng) được cha bế trên tay trong ảnh chụp gia đình

Hồi lạc nhà, anh mới là cậu bé lên năm, lên sáu, từng mải mê rong chơi dưới những tán cây trong rừng già. Hôm ấy, cha và Dón lên xe reo cùng những khúc gỗ tròn ra khỏi rừng, lên thành phố thăm bà con của cha. Đó là lần cuối cùng anh nhìn thấy rừng. 

Sau này, mỗi lần mơ về gia đình, trong đầu anh lại hiện những gốc cây cổ thụ, những lần theo chị ra tắm con suối trong vắt, những mái nhà lấp ló xa xa ven rừng.

Cha đưa anh vào thành phố Hồ Chí Minh chơi, đến nhà bà con trong một khu rất nhiều hẻm nhỏ lắt léo nhau. Người ta cho cha Dón đôi dép mủ, nhưng bị chật, cha kêu anh đem đi đổi. 

Đứa bé sống trong rừng từ nhỏ, vào thành phố lạ lẫm không thể định hình đường đi lối lại; thằng bé đi cùng lại chạy nhanh quá, hụp lên hụp xuống, Dón đuổi theo không kịp, thế là mất dấu. 

Dón cứ cầm đôi dép mủ và chai dầu cù là đi tìm lại căn nhà có cha đang đợi, mà càng tìm càng thấy xa lạ. Đi 2 - 3 ngày, từ trong phố, Dón lạc xuống tận khu Nhà Bè, loanh quanh trước khu nhà của bố mẹ nuôi. 

"Hồi đó nhỏ quá, em suy nghĩ không tới, nếu em ở một chỗ chắc cha sẽ đi tìm em. Nếu em ngồi một chỗ đợi, chắc giờ em sẽ không nhớ cha nhớ mẹ nhiều đến như vầy đâu", anh nói, sau khi ôm nỗi đau lạc nhà 40 năm.

Cậu bé từ rừng già theo chân cha ra phố thăm họ hàng, lỡ chân đi lạc mà “trôi dạt” 40 năm mới đoàn tụ - Ảnh 2.

Anh Dón luôn nhắc chuyện mình là một đứa trẻ đi lạc

Khác với những người khác thường giấu đi hoàn cảnh ly tán của mình, Dón đi đến đâu cũng kể mình là đứa trẻ thất lạc, luôn nhắc tên mình và tên chị Kiếu, để không bao giờ quên, để nhớ hoài gốc gác mình trong đầu. Anh gặp gia đình nuôi năm 1983.

Bà Huỳnh Thị Ẩn, mẹ nuôi của Dón nhớ lại, cậu bé khi ấy mặc quần cộc, áo sọc, ngơ ngác đi qua đi lại nhà bà mấy lần. Anh Nguyễn Thanh Ngàn, người dẫn Dón về nhà cũng ấn tượng khi đó Dón môi son đỏ chót, các anh chị đều thích. 

Hồi đón về, bố mẹ nuôi nhờ bà người Hoa ở hàng xóm phiên dịch xem Dón nói gì, rồi dạy dần để anh hòa nhập tiếng Việt.

Thực ra, ở với nhà cha mẹ nuôi được ít bữa, có người phụ nữ hiếm muộn trong xóm xin Dón về nuôi, bà Ẩn cũng cho. Nhưng sống chung xóm, cứ mỗi lần đụng mặt là Dón khóc oà lên, mấy người anh chị cũng khóc đòi em, bà lại đón về, nuôi nấng yêu thương như con út trong nhà. Anh được đặt lại tên là Nguyễn Thanh Trắng, nối tiếp cụm tên Muôn - Ngàn - Dặm - Trường - Sương - Tuyết của 6 người con trước, và gọi biệt danh là Trắng Ba Tàu.

Cậu bé từ rừng già theo chân cha ra phố thăm họ hàng, lỡ chân đi lạc mà “trôi dạt” 40 năm mới đoàn tụ - Ảnh 3.

Mẹ nuôi (áo đỏ) và chị Tuyết, anh Ngàn - gia đình nuôi của anh Dón

Cậu bé đi lạc năm 1983 giờ đã là cha của hai đứa nhỏ. Anh là thợ hàn, thường đi xa nhà theo các công trình dân dụng. Năm 15 tuổi, anh đã theo bác thợ hàn hàng xóm đi khắp các công trình ở Đồng Nai, Bình Phước, Long An, đi học nghề, đi để tìm khung cảnh cánh rừng trong ký ức của đứa trẻ lên 5.

Sau khi anh có vợ, sinh con, gia đình bà Ẩn mới làm được hộ khẩu, làm giấy chứng minh cho anh. Chỉ vì thủ tục thôi, chứ gia đình yêu Trắng đúng như cậu con út. Khi phải bán nhà, mẹ cũng chia tiền đều cho 7 anh em, không phân bì con ruột hay con nuôi.  

Anh Dón được gia đình nuôi làm chứng minh nhân dân, lo nhà cửa như 6 người con lớn

Mẹ bán hết tài sản tìm con, nước mắt cạn sau 40 năm mòn mỏi

Trong những năm tháng đi làm nơi này nơi kia, anh Dón đã đi Đồng Nai, Bình Phước, Long An… hỏi thăm người địa phương ở đó có cây rừng bự bự và có suối nước trong không, nhưng không có manh mối. Dù vậy, anh vẫn nghĩ quê anh ở miền Đông Nam Bộ chứ không phải là miền Tây. 

Những đội viên tìm kiếm của Như chưa hề có cuộc chia ly cũng phán đoán giống như anh, và dựa trên yếu tố khác nữa trong lời kể của anh: Tìm trong cộng đồng người Hoa. Họ tìm ra nơi anh Dón đi lạc là chợ Lớn, khu Phú Hòa quận 11, và nơi ở của mẹ anh là xã Bảo Bình, Huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai.

Hiện tại, con suối nước trong Dón tắm hồi nhỏ đã bị lấp, cánh rừng già cũng mất không còn một cây. Nông trường gần nhà mà ký ức trong anh còn lưu lại là nông trường Sông Ray. 

Chị Ừng Mình Muối, chị thứ hai của anh Dón kể, em trai mất tích ngày 18/3 âm lịch năm 1983. Bà Trương Cơ Lang, mẹ của anh, lưu giữ ngày này như một vệt không phai trong trí óc. “Hay tin mất con, bà má khóc dữ lắm. Nhà nghèo nhưng bán bắp non, bán đất, rồi vay tiền đi kiếm con bằng được. Rồi cũng không thấy”, chị Muối kể. 

Cậu bé từ rừng già theo chân cha ra phố thăm họ hàng, lỡ chân đi lạc mà “trôi dạt” 40 năm mới đoàn tụ - Ảnh 5.

Bà Lang, mẹ ruột anh Dón, mang theo nỗi đau mất con suốt 40 năm

Bất lực, bà Lang đôi lúc dựa vào tâm linh, đi coi bói, xem con còn sống hay đã chết. Thầy bói bảo: Con của bà đẹp trai lắm, 10 người thấy thì hết 10 người thương, bà không cần kiếm nó nữa. 

Đến năm 82 tuổi, bà Lang tai đã lãng, mắt đã mờ. Và như để không đau, bà không nhắc nhiều chuyện cũ, bà cũng không dám nuôi hy vọng đứa con trai đầu của bà, đứa con sinh năm 1977 đi lạc năm chưa đầy 6 tuổi, Ừng Mình Dón sẽ có ngày trở về trong vòng tay của bà.  

Điều mà người mẹ đã không nói ra, đó là việc đứa con trai đi lạc đã làm cho gia đình này tan rã. Bán hết đất đi tìm con không được, ông Ừng Mình Bạt về quê Trung Quốc thăm họ hàng. Đến lúc ông quay lại thì bà Trương Cơ Lang nhất định không chịu gặp chồng nữa. 

Cậu bé từ rừng già theo chân cha ra phố thăm họ hàng, lỡ chân đi lạc mà “trôi dạt” 40 năm mới đoàn tụ - Ảnh 6.

Sau khi lạc con, bà Lang và ông Bạt đã chia ly vĩnh viễn

Ông đành lên Định Quán làm thuê, trông rẫy cho người ta. 2 năm sau, người em trai kế của Dón ngã xuống ao sâu qua đời. Bà Lang thấy chán quá, dẫn con gái út - người mà năm Dón đi lạc mới được hơn tháng tuổi - lên thành phố làm thuê. 

Mãi hơn 70 tuổi mới quay lại đất Bảo Bình, nơi có cánh rừng xưa, khi gia đình còn đông đủ. 

Ông bà chia tay nhau là vĩnh viễn. 12 năm sau khi Dón đi lạc, chủ rẫy nơi ông Mình Bạt làm thuê gọi điện báo cho gia đình ông đang bệnh trọng. 

Bà và các con gái vào đến viện thì ông đã qua đời. Bà Lang cùng các con đưa ông về Bảo Bình an nghỉ. 

Trước ngày đoàn tụ với núm ruột lưu lạc, bà Lang ra đứng trước mộ chồng nói chuyện, khoe với ông đã kiếm được con rồi. Ngày gặp con ở trường quay Như chưa hề có cuộc chia ly, anh Dón kêu tiếng má, bà chỉ oà lên nức nở, mếu máo nắm chặt tay con nhưng không dám ngắm kỹ gương mặt. Sau 40 năm, người mẹ ấy không còn nước mắt để chảy nữa. 

Phút đoàn tụ của anh Dón và mẹ ruột

Còn trên ghế hàng khán giả, mẹ nuôi của Dón đầm đìa nước mắt. Bà mừng cho con trai út bé bỏng đã tìm thấy gia đình ruột thịt, mừng cho người phụ nữ đã sinh cho bà đứa con thứ bảy mà bà đã ấp ôm, che chở suốt 40 năm ròng. Từ hôm ấy, anh Dón đã được nắm tay cả hai người mẹ, dù như thế chẳng đủ cho nỗi nhớ nhung…  

Cuộc đi lạc 40 năm đã lấy của anh Dón nhiều điều, nhưng đã đem lại một gia đình yêu thương, che chở

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại