Cậu bé 14 tuổi bị 5 bạn cùng lớp đánh đập đến chết và câu chuyện có nên đánh trả khi bị bạo lực học đường?

CHAN |

Cái chết thương tâm của cậu học sinh mới 14 tuổi ở Trung Quốc gióng lên hồi chuông về sự đáng sợ của tình trạng bạo lực học đường, đồng thời cũng tạo ra những luồng ý kiến trái chiều về cách giáo dục con trẻ đối phó với những kẻ bắt nạt.

1

Vào cuối tháng 4 năm ngoái, dư luận Trung Quốc bàng hoàng với tin tức một cậu bé 14 tuổi ở Lũng Tây, tỉnh Cam Túc bị các bạn cùng trường đánh đến tử vong chỉ vì cái tai nghe.

Sự việc xảy ra vào lúc 13h40 ngày 23/4/2019, cậu học sinh Trương Khải bị 5 học sinh khác chặn lại và đánh đập tàn nhẫn ở một con hẻm cạnh trường. 

Theo báo cáo sơ bộ, nạn nhân bị "vỡ xương sọ sau, xương góc mắt trái; gãy xương sườn, xuất huyết não, nhiễm trùng phổi và thân dưới sưng tấy nặng nề".

Sau khi nhận được thông báo con trai đang trong tình trạng nôn mửa, người mẹ ngay lập tức đến trường và đưa Trương Khải đi cấp cứu nhưng cậu bé đã không qua khỏi. 

Lúc này, cha nạn nhân đang đi làm việc công xa cũng nhanh chóng quay về khi nghe được tin dữ. 

Người đàn ông 45 tuổi đau đớn nói rằng đây là lần đầu mình đi máy bay nhưng lại là để về nhận thi thể đứa con trai duy nhất.

Cậu bé 14 tuổi bị 5 bạn cùng lớp đánh đập đến chết và câu chuyện có nên đánh trả khi bị bạo lực học đường? - Ảnh 1.
Cậu bé 14 tuổi bị 5 bạn cùng lớp đánh đập đến chết và câu chuyện có nên đánh trả khi bị bạo lực học đường? - Ảnh 2.

Cậu bé 14 tuổi bị 5 bạn học đánh đến tử vong (trái) - Người cha đau đớn cầm di vật của đứa con trai độc nhất.

Được biết do phải đi làm xa mưu sinh, ông Trương Minh Đức không có nhiều thời gian ở nhà nên không biết rõ về tình hình ở trường của con. 

Người bố chỉ luôn nhắc nhở Trương Khải hãy cố gắng học hành chăm chỉ, nghe lời mẹ và "nếu có ai đó muốn đánh con, hãy nhanh bỏ chạy".

2

Ngày 24/9, trên toa tàu điện ngầm đông đúc ở thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô một người đàn ông sau khi đứng dậy nhường chỗ cho người già thì bắt đầu quát mắng cậu học sinh 17 tuổi ở ghế bên cạnh vì cậu đã không nhường chỗ. 

Ngay khi cậu bé chưa kịp đáp lời, người đàn ông đã giơ chân đạp thẳng vào ngực cậu trai trẻ. Nhưng từ đầu đến cuối, cậu vẫn im lặng chịu đựng những cú đá của một người lạ ngay trên chuyến tàu mà không hề phản kháng.

Cậu bé 14 tuổi bị 5 bạn cùng lớp đánh đập đến chết và câu chuyện có nên đánh trả khi bị bạo lực học đường? - Ảnh 3.

Phụ huynh thường hay giáo dục con trẻ không được sử dụng bạo lực với người khác, phải biết lịch sự và khoan dung. 

Nhưng đôi khi chúng ta lại quên nhắc nhở con đôi khi cũng phải biết tự bảo vệ mình khi bị kẻ khác làm hại và thậm chí là dũng cảm chống trả. 

Khi nhìn thấy hình ảnh một cậu bé trạc tuổi con mình bị hành hung ở nơi công cộng như thế này, nhiều bà mẹ đã rơi nước mắt xót xa.

3

Giáo sư Lý Mai Cẩn, chuyên gia về tâm lý tội phạm tại Đại học Công an Trung Quốc từng tham gia một buổi diễn thuyết và được khán giả hỏi: "Nếu con mình bị đánh, chúng ta có nên ủng hộ nó đánh trả không?".

Bà đã trả lời bằng cách kể lại câu chuyện về đứa cháu gái đang đi học mẫu giáo của mình. Cô bé bị bạn nam cùng lớp nhấc người lên rồi ném xuống dẫn đến bị đập đầu, sưng vù ở trán. 

Giáo sư Lý Mai Cẩn biết được liền khuyên cháu gái mình nếu còn gặp chuyện tương tự thì phải dùng tay kéo mạnh tai của bạn nam đó để cậu ta thả mình ra.

Thời điểm đó, tuyên bố của bà Lý Mai Cẩn đã vấp phải nhiều tranh cãi khi phần lớn cho rằng đó chính là cổ suý trẻ em sử dụng bạo lực và sẽ khiến chúng học theo những hành vi không tốt. 

Vậy phải giáo dục con trẻ thế nào khi tình trạng bạo lực trong môi trường học đường và thậm chí ở ngoài xã hội ngày càng nghiêm trọng hơn? 

Khi những nạn nhân như cậu bé Trương Khải, như chàng trai 17 tuổi trên tàu điện ngầm ngày càng nhiều thêm, họ vẫn không dám đứng lên chống lại cái xấu, chỉ cố gắng chịu đựng cho đến khi trút cả hơi thở cuối cùng...

Cậu bé 14 tuổi bị 5 bạn cùng lớp đánh đập đến chết và câu chuyện có nên đánh trả khi bị bạo lực học đường? - Ảnh 4.

4

Hiện tại, trên các diễn đàn và mạng xã hội xứ Trung vẫn liên tục tranh cãi về vấn đề có nên dạy con phải biết đánh trả khi bị bạo lực. 

Trước đây, những tôn chỉ như "dĩ hoà vi quý", "một điều nhịn chín điều lành" vẫn luôn được người ta coi trọng cho đến khi cậu bé Trương Khải - được phụ huynh căn dặn cùng lắm là bỏ chạy khi bị đánh - ra đi vì bạo lực học đường.

Vậy rốt cuộc có nên dạy con đánh trả không?

Những vết thương cả trên thân thể lẫn tinh thần mà bạo lực học đường gây ra đôi khi có thể theo một người đến suốt cuộc đời. 

Đây là vấn nạn của rất nhiều quốc gia trong hàng chục năm qua nhưng vẫn chưa có cách giải quyết triệt để.

Tuy nhiên, trước khi dạy trẻ cách đối phó với bạo lực học đường, các bậc cha mẹ nên dạy con làm sao để tránh gặp phải bạo lực học đường. 

Những trẻ em vốn có tính cách nhút nhát, yếu đuối thường là đối tượng thường xuyên gặp phải tình trạng bị bạo lực khi đang ngồi trên ghế nhà trường nhất. 

Và việc không chống trả trong thời gian dài sẽ dần đến đứa trẻ bị bắt nạt dần bị tổn thương nặng nề về tâm lý, thu mình lại và sống cùng sự ám ảnh với các ác suốt cả cuộc đời.

Trên thực tế, phụ huynh không nên định nghĩa việc "phản kháng" hay "đánh lại" là sử dụng bạo lực để áp chế bạo lực, mà phải dạy trẻ cách nói không với bạo lực và không để mình trở thành nạn nhân của bắt nạt học đường bằng những cách dưới đây:

Biết lên tiếng

Nhà tâm lý học trẻ em David Coleman chỉ ra rằng: Một khi những đứa trẻ nhận thấy sự bắt nạt của mình có xu hướng "được chấp thuận" hay nói cách khác là "phục tùng", cũng không bị phản kháng, trách mắng hay bất cứ phản hồi tiêu cực nào, chúng sẽ tiếp tục "phát huy" nó. 

Kẻ bắt nạt không ngừng thử thách những giới hạn của người bị bắt nạt và chỉ nghĩ đến việc dừng tay khi nhận được sự "phản kháng" của đối phương.

Vì vậy kể cả khi không phản kháng bằng việc đánh trả, trẻ em cũng nên được dạy về cách biết tự lên tiếng để bảo vệ mình ngay từ tấm bé kể cả khi phải đối mặt với những kẻ hung hãn ở trường học.

Yêu cầu giúp đỡ một cách kịp thời

Khi nhận thấy những cảnh cáo bằng lời nói không thể ngăn chặn ác ý của đối phương và kẻ bắt nạt có khả năng sẽ gây tổn thương đến mình, hãy dạy cho con trẻ tự bảo vệ bản thân bằng một cách khác. 

Lúc này, điều cần thiết nhất chính là phải thông báo cho người lớn như giáo viên nhà trường, phụ huynh hoặc thậm chí là báo cảnh sát.

Dũng cảm chống trả

Sau khi có sự can thiệp của cả phụ huynh và phía nhà trường nhưng kẻ bắt nạt vẫn không chịu dừng lại, xin hãy nói với những đứa trẻ rằng đã đến lúc chúng cần dũng cảm phản kháng, chống lại kẻ xấu. 

Lòng bao dung, sự nhường nhịn không dành cho những kẻ sử dụng bạo lực để ức hiếp người khác và dồn nạn nhân vào bước đường cùng như trường hợp của cậu bé Trương Khải xấu số kia.

Hãy là chỗ dựa vững chắc cho con trẻ

Bố mẹ hãy cho con biết rằng bản thân sẽ là chỗ dựa vững chắc nhất cho con. 

Bất cứ khi nào gặp phải những kẻ bắt nạn hay thường xuyên đối mặt với tình trạng bạo lực học đường, nhất định không được giữ im lặng hay giấu diếm mà phải nói với người lớn.

Sự hỗ trợ và quan tâm của bậc phụ huynh không chỉ giúp trẻ có cảm giác an toàn mà còn có cả lòng can đảm, biết chịu trách nhiệm và tự bảo vệ bản thân mình. 

Và chính điều này cũng khiến những đứa trẻ biết "phản kháng" một cách đúng đắn nhất.

Kết

Trên con đường trưởng thành của con trẻ, việc xảy ra xung đột và xử lý xung đột luôn là chủ đề muôn thủa khiến đấng sinh thành đau đầu. 

"Phản kháng" không nhất thiết là bạo lực và cũng không phải là tự phụ. "Phản kháng" là dạy cho con biết dũng cảm đối đầu với cái xấu để trở thành một người có nguyên tắc, lương thiện và hạnh phúc.

Là cha mẹ, hãy giúp con trở thành người không được phép bắt nạt người khác, nhưng cũng không dễ dàng để kẻ khác bắt nạt.

Bố mẹ không thể bảo vệ con cả đời, vậy nên hãy học cách tự bảo vệ mình.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại