Cậu bé 10 tuổi bán vé số và câu chuyện buồn giữa đêm mưa Sài Gòn

Ngân Hà |

Em bé 10 tuổi lang thang một mình mưu sinh giữa đêm mưa khiến những ai bắt gặp cảnh tượng này đều thương cảm và mong muốn giúp đỡ phần nào.

Cậu bé nhọc nhằn mưu sinh giữa Sài Gòn hoa lệ

Cậu bé - nhân vật chính trong câu chuyện dưới đây dù chỉ mới 10 tuổi nhưng phải lưu lạc giữa Sài Gòn đông đúc, ồn ã, hàng ngày nhọc nhằn đi bán vé số kiếm tiền mưu sinh,

Tình cờ bắt gặp cậu bé giữa đêm mưa mùa hè, cô bạn Du Uyên, hiện đang sống và học tập tại thành phố Hồ Chí Minh đã chia sẻ câu chuyện khiến nhiều người không khỏi ngậm ngùi, xót xa. 

"Ngày hôm nay, vô tình, vô tình thôi. Gia đình mình đi ăn vặt ở quận 7. Trời mưa rất to và lạnh nữa. Đâu đó giữa con đường ướt và lạnh ngoài kia, một cậu bé nhỏ nhắn bước vào quán, đến bàn chúng tôi đang ngồi.

Nhìn em thật sự thấy rất thương. Hỏi mới biết em 10 tuổi. Em ngoài miền Bắc vào đây, bán vé số.

Cậu bé 10 tuổi bán vé số và câu chuyện buồn giữa đêm mưa Sài Gòn - Ảnh 1.

Cậu bé bán vé số ngập ngừng khi được hỏi về những kẻ theo dõi mình...

- Em thích ăn kem không?

- Dạ thích

- Vậy mình ăn nha, em thích cái nào?

- Dạ, cái này! ( Em vừa nói vừa chỉ vào hình trong menu)

...

Xong mình kêu ra và em ngồi ăn ngon lành.

Ngay lúc đang hỏi thăm em, mình thấy có hai tên trùm mặt mũi kín mít, vừa đi xe ngang qua đã nhìn chằm vào em và gia đình mình.

Mình nhanh chóng nhận ra! Vì chẳng ai vừa quẹo vào một con đường lại nhìn chằm vào người không quen biết cả, tại sao không là người khác, mà lại nhìn em?

Đến lúc mình chỉ hai tên đấy và nói với người lớn: "Tự nhiên hai người đó nhìn cậu bé hoài kìa", thì hai tên lạ mặt đó quay đi, giả vời không chú ý đến bàn mình ngay. Cái này gọi là thích diễn sâu nhưng không có trình nên diễn chưa tới!

Thanh niên trai tráng lại không tự mình lao động, kiếm đồng tiền chân chính bằng sức lực của mình hay sao mà phải ăn bám một đứa bé chứ?

Mình hỏi gì em cũng bảo:  "Dạ không, không..." rất ngập ngừng. Nhìn vào ánh mắt em, mình biết em đã phải chịu rất nhiều áp lực từ bọn người xấu kia.

Cậu bé 10 tuổi bán vé số và câu chuyện buồn giữa đêm mưa Sài Gòn - Ảnh 2.

Đúng thật, chỉ người với người hại nhau thôi. Chẳng giúp gì được cho em cả vì chỉ khi em tự lên tiếng thì em mới cứu được chính mình mà thôi.

Chẳng dám cho em tiền, chỉ sợ em về lại bị kẻ khác nẫng tay trên. Nên tốt nhất là bỏ vào bụng. Sau này, nếu em có lâm vào hoàn cảnh khó khăn, mà em nghĩ mình sẽ làm việc xấu giống những con người kia thì hãy nhớ đến những người đối xử tốt với em nhé!"

Câu chuyện khiến nhiều người cảm thấy xót xa cho hoàn cảnh đáng thương của cậu bé tội nghiệp, tuy dáng người nhỏ nhắn nhưng lại rất kiên cường, già dặn so với tuổi.

Cô bạn Du Uyên chia sẻ thêm: "Bé 10 tuổi rồi mà nhìn nhỏ xíu, cao chừng 1m30, người ốm yếu mà đạp chiếc xe Martin lớn, nhìn thương lắm.

lại mời nhà mình mua vé số, nhưng mình nghĩ kiểu giờ mua về cũng bị người ta cướp tiền vì 90% trẻ em vô gia cư đều bị chăn dắt như thế, nên mình quyết định mua đồ ăn cho bé ăn tại chỗ.

Chắc đói quá rồi nên bé chẳng ngần ngại gì cả, ngồi ăn ngon lành lắm. Bé đang ăn thì mình thấy có hai người đàn ông kia mặt trùm kín, vừa quẹo vào đường đã nhìn chằm chằm vào thằng bé.

Mình muốn giúp cũng không biết làm sao vì hỏi gì bé cũng ậm ừ bảo không".

Chủ nhân câu chuyện này chia sẻ, thông qua những dòng tâm sự này, cô bạn hi vọng rằng xã hội sẽ có những biện pháp thiết thực để giúp đỡ trẻ em vô gia cư và chấm dứt tình trạng này.

Bởi lẽ, tình trạng trẻ em bị biến thành công cụ kiếm tiền dưới hình thức bán hàng rong vẫn còn phổ biến và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, nhất là ở các thành phố lớn.

Hết đứa trẻ này rồi lại đến những đứa trẻ khác, những đứa trẻ bị mang đi bán hàng rong này không còn nét thơ ngây của trẻ em lên 8 lên 10 nữa, thay vào đó là sự chai sạn, già dặn của một đứa trẻ bị cướp mất tuổi thơ.

Ngoài ra, cũng không ít những người tàn tật, người lớn lành lặn bồng bế theo con nhỏ đi bán hàng rong trên những con đường.

Những đứa trẻ bị trục lợi qua nạn chăn dắt ăn xin sẽ khiến cho chính các em sẽ là nạn nhân bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Các em bị tước quyền đi học, sức khỏe kém; trí tuệ phát triển lệch lạc, nhận thức kém, những tác động xấu sẽ có ảnh hưởng rất lớn tới nhân cách sau này.

Cậu bé 10 tuổi bán vé số và câu chuyện buồn giữa đêm mưa Sài Gòn - Ảnh 3.

Với sức vóc và độ tuổi còn quá nhỏ của các em thì công việc duy nhất phù hợp để kiếm tiền ở các thành phố lớn chính là bán hàng rong (Ảnh minh họa)

Chủ nhân câu chuyện cũng hi vọng rằng, cậu bé bán vé số kia sẽ luôn vững vàng trong cuộc sống sau này.

"Mình chỉ mong em hãy nhớ rằng, cuộc đời này vẫn còn rất nhiều người tốt. Hi vọng rằng, trong tương lai em sẽ là một trong số đó. Cố lên cậu nhóc à, thành người tốt em nhé!

Còn những con người kia...thì mình cũng chẳng biết phải nói gì. Chỉ muốn họ thức tỉnh và chấm dứt hành động không có tình người này, vì một xã hội mà tất cả trẻ em đều được yêu thương và sống hồn nhiên, tự do đúng với lứa tuổi của chúng".

Câu chuyện mà Du Uyên chia sẻ khiến nhiều người suy ngẫm về thực trạng trẻ em bị bóc lột sức lao động bởi những kẻ xấu, tuy đã trưởng thành nhưng lại chuyên sống "ký sinh" trên sức lao động của những đứa trẻ ngây thơ.

Facebook Tạ Thành Nguyên bình luận: "Bữa ngồi uống cà phê bên Phú Nhuận, thấy thằng nhóc bán vé số còm nhom, đen nhỏm nó mời rất lễ phép. Mua cho nó một tờ, với cho nó cái bánh tiêu mua để dằn bụng, nó cảm ơn lễ phép rồi ăn ngon lành.

Lát đi hết một vòng quán, nó còn ghé bàn mình chào rồi mới đi.

Tội thằng nhỏ. Cứ đọc được hay thấy được những cảnh đời bé thơ như thế này lại thấy buồn và chạnh lòng vô cùng!"

Nickname Nhan Nguyen cũng kể lại câu chuyện mà mình từng chứng kiến: "Hồi trước đi học về thấy thằng nhỏ, đen thui, lủi thủi cầm xấp vé số giữa trưa, nó mời mua, mà trước giờ chả bao giờ đụng vô vé số.

Nên hỏi nó ăn cơm chưa, nó bảo chưa, mình mới mời nó dĩa cơm, thế là rủ nhau vô quán mỗi đứa một dĩa. Nó ăn ngon lành một mạch hết cả dĩa.

Thằng bé cực kì lễ phép và vui tính. Nó còn chào rồi xin phép trước khi chạy ra ngoài đường bán tiếp. Mà tự nhiên nó đi rồi nghĩ lại thấy vui vui..." 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại