Cassini bắt đầu bay những vòng cuối cùng quanh quỹ đạo Sao Thổ

Quang Niên |

Tàu vũ trụ Cassini của NASA chuẩn bị bắt đầu những vòng quay cuối cùng của nó quanh Sao Thổ.

Đây là 5 vòng bay cực gần với khí quyển của hành tinh này trước khi kết thúc sứ mệnh.

Cassini bắt đầu vòng quay đầu tiên trong năm vòng quay quanh Sao Thổ vào 14.8, đến điểm gần nhất với hành tinh này ở khoảng cách vào khoảng 1.630 km và 1.710 km phía trên những đám mây cao của thượng tầng khí quyển Sao Thổ.

Con tàu vũ trụ sẽ phải bay vào lớp khí quyển dày đặc, nên những động cơ đẩy cỡ nhỏ của nó phải hoạt động để giữ cân bằng cho chuyến bay. Điều này cũng đã từng xảy ra tương tự trong quá khứ khi tàu bay ngang qua vệ tinh Titan của Sao Thổ, nơi cũng có một bầu khí quyển dày đặc.

"Chuyến bay ngang Titan là một bước chuẩn bị cho chuyến bay ngang Sao Thổ lần này của Cassini.

Nhờ kinh nghiệm trong quá khứ, chúng tôi tin tưởng tàu sẽ hoạt động tốt theo mô hình mà nhóm nghiên cứu đã dự đoán trước", Earl Maize - Giám đốc dự án Cassini tại Phòng thí nghiệm Động cơ phản lực (JPL) của NASA tại California cho biết.

Nếu bầu khí quyển không dày đặc như dự tính ban đầu, các kỹ sư sẽ giảm độ cao tiếp cận gần nhất của tàu xuống, có thể xuống đến 200 km so với những đám mây cao nhất.

Như vậy các thiết bị đo đạc của tàu sẽ có được những dữ liệu chính xác hơn về khí quyển của Sao Thổ, hay thậm chí là những tầng khí quyển sâu bên trong.

"Sau khi hoàn thành 5 vòng quay quanh quỹ đạo cuối cùng, Cassini sẽ trở thành tàu vũ trụ đầu tiên thăm dò bầu khí quyển của Sao Thổ. Đây là mục đích được đặt ra từ lâu và nó sẽ là bước đệm đầu cho những cuộc thăm dò trong tương lai", Linda Spilker, nhà khoa học tại dự án Cassini cho biết.

Trong lúc bay quanh Sao Thổ, các dụng cụ khoa học khác nhau của Cassini sẽ có những hoạt động khác nhau để quan sát chi tiết và đo đạc về cực quang, từ trường, nhiệt độ, và những xoáy bão lục giác ở cực của Sao Thổ.

Vào ngày 11.9 tới, tàu sẽ bay ngang vệ tinh Titan lần nữa nhưng ở khoảng cách khá xa, nhờ vào lực hấp dẫn của Titan và Sao Thổ, tàu sẽ tự làm chậm lại và bẻ đường quỹ đạo bay của mình rồi tiến sâu hơn vào Sao Thổ từ ngày 15.9.

Trong 5 vòng quay, tất cả 7 thiết bị dụng cụ đo đạc khoa học đều hoạt động hết công suất và liên tục gửi tín hiệu về Trái Đất, cho đến khi tàu đi vào quá sâu trong khí quyển Sao Thổ để rồi mất kết nối và lao vào hành tinh này và tự chôn mình vĩnh viễn, chấm dứt sứ mệnh.

Nguồn: Phys.org

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại