Số phận đã không mỉm cười với cô gái trẻ Sing Yu (tên nhân vật đã được đổi theo yêu cầu của cha mẹ), 24 tuổi, đến từ Singapore khi mắc căn bệnh GBM, loại ung thư não độc hại nhất mà hiện nay thế giới vẫn chưa có phương pháp chữa trị.
Quá khứ tươi đẹp
Trong căn phòng ngủ có diện tích không quá lớn nhưng chứa đầy thuốc men và máy móc y tế, những đồ vật mà Sing Yu từng rất ưa thích vẫn còn.
Đó là tủ quần áo ngập tràn những trang phục màu xanh polka hay những bức ảnh gia đình treo trên tường. Những vật dụng này cho thấy Sing Yu từng là một cô gái rất năng động và biết cách tạo dáng trước máy ảnh.
Sing Yu xinh đẹp và năng động ngày nào.
“Khi học trung học, con bé rất nổi tiếng ở trường. Mọi người thích con bé, đặc biệt là các chàng trai vì nó xinh đẹp“, ông KY Lim, 68 tuổi, cha của cô gái, chia sẻ.
Bà Mdm Goh, 62 tuổi. mẹ của Sing Yu, cho biết thêm: “Khi lên 7 tuổi, con bé rất thích nhảy múa. Chính tôi đã ghi danh cho con bé đi học múa ballet.
Ngoài nhảy múa, Sing Yu cũng tham gia các lớp piano, đàn cố tranh và cả violin. Nhưng sau cùng, múa ballet vẫn là niềm yêu thích lớn nhất của con bé“.
Múa ballet là niềm yêu thích lớn nhất của Sinh Yu.
Đôi giày múa của cô ngày nào.
“Khi con bé múa, tôi biết nó thực sự thích bộ môn này“, bà Mdm Goh cầm trên tay đôi giày múa đã mòn nhưng được gói ghém cẩn thận, vì bà hy vọng một ngày nào đó, Sing Yu lại có thể một lần nữa đi chúng.
“Con quái thú” mang tên bệnh tật
Tháng 8/2013, khi đang tham gia học múa tại trường đại học, Sing Yu bắt đầu có triệu chứng nôn mửa, thậm chí còn gặp khó khăn khi thực hiện động tác quay đầu. Tuy nhiên, sau đó, khi chụp MRI, bác sĩ không phát hiện ra dấu hiệu gì bất thường trong cơ thể cô gái.
Các bác sĩ cho rằng, cô chỉ bị mắc chứng rối loạn ăn uống. Dù vậy, những triệu chứng khó chịu ấy vẫn dai dẳng theo đuổi cô gái suốt một năm. Bác sĩ cũng không thể chẩn đoán được chính xác và chỉ kê đơn thuốc để ngăn hiện tượng nôn ói.
Mãi cho một lần tái chụp MRI, khi khối u ở cấp độ 2, bác sĩ mới phát hiện não của Sing Yu có vấn đề. Giai đoạn 2 vẫn được coi là thời kỳ chậm phát triển của khối u. Vì vậy, tháng 11/2014, Sing Yu đã lập tức tiến hành phẫu thuật để loại bỏ nó.
Một tuần sau khi tiến hành phẫu thuật, cô gái trẻ đã rất lạc quan vì nghĩ rằng mình đã thoát khỏi “con quái thú”. Thậm chí, sau khi xuất viện, gia đình Sing Yu đã tới Nhật Bản để du lịch. Sing Yu đã rất thích chuyến đi đó.
Sing Yu hào hứng khi được tới Nhật Bản.
Cứ ngỡ mọi chuyện sẽ tốt đẹp, năm 2015, khối u của Sing Yu tái phát và còn có kích thước lớn hơn 30% so với ban đầu. Gia đình cô bé thật sự hoảng loạn. Các bác sĩ cũng không thể giải thích được điều này. Sing Yu lại phải tiếp tục điều trị bằng phương pháp hóa trị và xạ trị.
Đúng ngày sinh nhật lần thứ 22 vào tháng 10/2015, một phim chụp MRI khác cho thấy khối u của Sing Yu đã phát triển sang cấp độ 4, cũng chính là thời kỳ nguy hiểm của căn bệnh GBM quái ác.
Nếu như không tiến hành phẫu thuật, Sing Yu sẽ chỉ sống được từ 1-3 tháng. Còn nếu như phẫu thuật, cô cũng chỉ có thể sống thêm 6 tháng, hoặc sẽ trở thành người thực vật, hoặc có thể tử vong ngay trên bàn mổ.
“Gia đình chúng tôi không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc chiến đấu với nó“, ông KY Lim nói.
Ca phẫu thuật tuy thành công trong việc loại bỏ hầu hết khối u, nhưng đã khiến một bên thân não của Sing Yu bị ảnh hưởng, khiến cô gái vui tươi ngày nào chuyển sang giai đoạn sống thực vật và phải nhờ tới sự trợ giúp của máy thở.
Nhận thấy tình hình không khả quan, các bác sĩ đã khuyên gia đình nên rút máy thở để Sing Yu có thể đến thế giới mới, nhưng ông KY Lim buồn bã từ chối. Ông nói rằng sẽ đưa con gái về nhà chăm sóc.
Căn nhà nhỏ cũng chính là bệnh viện
Nhiệm vụ đầu tiên của gia đình khi chuyển Sing Yu về nhà là phải tìm được một người chăm sóc chuyên nghiệp tại gia. Một người đến thử việc nhưng rời đi chỉ vài ngày sau đó vì cho rằng tình trạng của Sing Yu khá “căng thẳng”.
Vì căn bệnh quái ác, cô gái 24 tuổi phải sống thực vật, không cử động, nhận thức cũng bị hạn chế. Thậm chí đến cả việc nuốt hay chớp mắt cũng khó khăn. Cô gái luôn cần có người túc trực chăm sóc 24/24.
Ông KY Lim đã quyết định đảm đương việc chăm sóc con gái. Người cha phải túc trực bên Sing Yu cả ngày. Vì Sing Yu không thể nuốt, nên ông KY Lim phải tìm cách đổ sữa vào dạ dày thông qua một ống dẫn.
Đối với bà Mdm Goh, mọi việc còn khó khăn hơn khi bà bị ám ảnh mỗi lần nhìn thấy kim tiêm và máu: “Ban đầu, tôi thậm chí còn không dám nhìn. Nhưng vì con bé tôi vẫn phải cố gắng làm quen“.
Biết vợ mình sợ hãi, nên ông KY Lim đã nhận trách nhiệm thuốc thang, còn bà Mdm Goh chăm lo việc thay tã và vệ sinh cơ thể cho Sing Yu. Đêm nào cũng vậy, bà luôn nắm chặt cánh tay bất động của con gái, và cứ hai tiếng sẽ lại tỉnh giấc một lần để kiểm tra.
Từ ngày rời bệnh viện, mẹ Sing Yu luôn nằm ngủ cùng con gái.
Ban ngày bà là người vệ sinh cho cô.
Thực tế, bà và chồng đã từ bỏ tất cả mọi thứ để có thể luôn bên cạnh chăm sóc cho cô con gái bé bỏng. “Tôi chỉ muốn con bé có một cuộc sống bình thường như bất kỳ cô gái nào ở lứa tuổi này. Nhưng khi nào thì Sing Yu mới được như vậy thì tôi cũng không biết“, Mdm Goh lặng lẽ nói.
Hai năm qua, ngày nào vợ chồng ông KY Lim cũng xoa bóp cho con gái để máu được lưu thông đều.
“Trên thế giới này có hai người mà tôi quan tâm nhiều nhất. Một là con gái tôi, hai chính là vợ tôi. Hai người phụ nữ này lúc nào cũng cần sự chăm sóc từ tôi”, ông KY Lim khẳng định.
Qua một người bạn, ông KY Lim tìm gặp được y tá Jayleen Toh, 26 tuổi. Cô đồng ý chăm sóc tại gia cho Sing Yu. Dù đã có 8 năm kinh nghiệm chăm sóc người gia, Jayleen Toh cũng gặp đôi chút khó khăn khi tiếp cận với Sing Yu.
Tuy nhiên với sự trợ giúp của bố cô gái, Jayleen Toh, nhanh chóng học được cách thấu hiểu SIng Yu thông qua những động tác, cử chỉ nhỏ của cô.
Không bao giờ ngừng hy vọng
Vào những ngày mà Jayleen Toh không thể đến, Sing Yu dường như có chút buồn bã, thậm chí đôi mắt còn ngấn chút lệ khi nghe thấy giọng của Jayleen Toh.
Hoặc mỗi khi bố mẹ cô nói về Nhật Bản, mắt cô gái sẽ “lấp lánh”. Sau thời gian luyện tập, Sing Yu đã có thể ngồi trên xe lăn trong hai giờ.
Ngoài bố mẹ, chỉ có Jayleen Toh là người khiến Sing Yu có cảm xúc nhất.
Dù chỉ là những cử chỉ đơn giản một cái động tay hay chớp mắt của Sing Yu cũng sẽ khiến cha mẹ cô cảm thấy hạnh phúc.
Sing Yu đã có thể ngồi được trên xe lăn trong thời gian ngắn.
Cha mẹ Sing Yu coi đây là dấu hiệu cho thấy con gái họ vẫn còn ý thức về những gì diễn ra xung quanh và nó mang lại cho họ hy vọng mỗi ngày.
Cứ 6 tháng một lần, Sing Yu lại được chụp MRI định kỳ. Và lần gần đây nhất vào tháng 12, kết quả cho thấy khối u của cô không có dấu hiệu tăng trưởng.
Hy vọng, sự lạc quan và tình yêu dành cho cô con gái nhỏ là những gì khiến vợ chồng ông KY Lim có thể tiếp tục cuộc sống. Tuy vậy, họ biết được rằng con đường phía trước còn rất nhiều chông gai, thử thách, đặc biệt khi tuổi tác hai người đã cao.
Bà Mdm Goh nói: “Tôi phải giữ gìn bản thân mình khoẻ mạnh để tôi có thể đi cùng con bé suốt chuyến hành trình gian khó này“.
Sau ba mùa Giáng sinh, Sing Yu vẫn ở bên cha mẹ. Đây là món quà vô giá dành tặng cho ông bà KY Lim.
Hiện tại, họ hy vọng giới y khoa sẽ tìm ra những phương pháp điều trị mới, giúp con gái họ giao tiếp bình thường hoặc ít nhất có thể truyền đạt đơn giản. Mong rằng mùa Giáng sinh sau, Sing Yu sẽ có nhiều đột phá hơn.
Dù cuộc sống khó khăn, nhưng ông KY Lim luôn giữ nụ cười trên môi.
“Dù một năm, hai năm hay nhiều năm nữa, miễn là cả hai chúng tôi còn có niềm tin vào tương lai, mọi chuyện sẽ luôn tốt đẹp. Sẽ có một ngày gia đình chúng tôi giành được chiến thắng vinh quang“, ông KY Lim khẳng định.