Tam Quốc không chỉ là thời loạn mà còn là thời kì sản sinh ra rất nhiều anh hùng. Tuy nhiên, thời cổ đại, thông tin có phần khép kín, một người dù có tài nhưng không được ai biết đến thì cũng là uổng phí.
Vậy là sao để người khác biết mình có tài năng?
Cái này cần có người khác cân nhắc, đề xuất bản thân và Thủy Kính tiên sinh Tư Mã Huy là một lựa chọn vô cùng sáng giá, ông đức cao vọng trọng, có địa vị và danh tiếng nhất định trong xã hội, những lời nói của ông luôn được người khác xem trọng.
Bản thân Tư Mã Huy cũng là một người rất có mắt nhìn người, những người mà ông đề xuất, sau này đều trở thành người có tiếng tăm lừng lẫy, đóng những vai trò khá quan trọng trong công cuộc tam phân thiên hạ.
Tư Mã Huy (?- năm 208), tự Đức Tháo. Là người Dĩnh Xuyên (nay thuộc tỉnh Hà Nam, Trung Quốc), là một danh sĩ cuối thời Đông Hán, tinh thông kinh học, có biệt hiệu là "Thủy Kính".
Tư Mã Huy phong thái thanh nhã, rất có mắt nhìn người, ông từng giới thiệu Gia Cát Lượng và Bàng Thống cho Lưu Bị, tuy nhiên, tài năng của ông lại chưa bao giờ được tỏa sáng, cuộc đời cũng rất "yên ắng".
Theo lịch sử ghi chép, Tư Mã Huy không chỉ rất tao nhã mà còn có một phong thái hiên ngang, bác học đa tài, ông tinh thông đạo học, kì môn, binh pháp, kinh học, là một trong nhân tài hiếm hoi "giỏi toàn diện" trong Tam Quốc.
Hơn nữa, cầm nghệ của ông cũng vô cùng cao, ông có thể đàn lên những khúc vọng lay động núi non sông nước, cái thế vô song, là "người tài hơn" trong câu nói "người giỏi còn có người tài hơn", tuy nhiên, ông lại lựa chọn cho mình cách sống ẩn dật, lánh xa thế sự nhân tình.
Thủy Kính tiên sinh có một màn xuất hiện khá chớp nhoáng trong Tam Quốc, nhưng những lời dự đoán của ông lại trường tồn suốt cả câu chuyện.
Ngay khi gặp được Lưu Bị và tiến cử Gia Cát Lượng cho Lưu hoàng thúc, ông đã dự đoán trước được rằng Lưu Bị ắt vong, Gia Cát Lượng ắt thảm, "Gia Cát Lượng gặp được minh chúa song không gặp thời. Đáng tiếc thay!"
Sự thật lịch sử cũng đã chứng minh những lời dự đoán của ông là hoàn toàn chính xác.
Hán thất lúc này vốn dĩ đã là "gỗ mục không khắc được tượng", nhưng Lưu Bị lại luôn muốn đi ngược lại với ý trời, Gia Cát Lượng cũng nỗ lực hết mình cho sự nghiệp tam phân thiên hạ.
Trận Di Lăng càng như một điềm báo xấu cho những tinh anh của Thục Hán, Lưu Bị bệnh không khỏi, mọi trách nhiệm đổ dồn lên đôi vai của Gia Cát Lượng, ngũ hổ tướng, người chết, người bệnh, Thục Hán đứng trước nguy cơ "vỡ bờ", muốn tiêu diệt Tào Ngụy và Đông Ngô chẳng khác nào nằm mơ giữa ban ngày.
Kết cục thì ai cũng biết, Lưu Bị mất đi, Gia Cát Lượng vì quá lao lực mà cũng ra đi ở độ tuổi 53, một độ tuổi cũng không quá già...
Vậy là lời dự đoán "không gặp thời" năm đó của Tư Mã Huy đã hoàn toàn ứng nghiệm.