Đông Hán những năm cuối thiên hạ đại loạn, trước có khởi nghĩa Khăn Vàng, sau có Tam Quốc tranh bá, chiến tranh liên miên suốt mấy chục năm ròng, giai đoạn này được xem là "lò"đào tạo ra các anh hùng hào kiệt.
Đứng từ một góc độ nào đó mà nói, Tam Quốc chính là thời đại sản sinh ra các võ tướng, các võ tướng này xông pha chiến trường trận mạc, không ngừng tạo ra các kì tích, tên tuổi của ho cũng dần trở thành một "thương hiệu" của thời Tam Quốc và được lưu truyền cho tới tận ngày nay.
Trong số các võ tướng Thục Hán, Ngũ hổ tướng chắc chắn là nhóm thu hút được nhiều sự chú ý nhất, nhưng họ không phải là tất cả anh hùng của Thục quốc lúc bấy giờ.
Sự nổi tiếng và phủ rộng khắp của Ngũ hổ tướng hầu như là ở thời kì trước của Tam Quốc, còn sau khi Lưu Bị qua đời, danh tiếng của họ đã có phần giảm sút, chỉ còn lại một người khá lớn tuổi là Triệu Vân.
Nói cách khác, sau khi Lưu Bị qua đời, Ngũ hổ tướng đã trở thành một nhóm võ tướng hết thời.
Lấy khởi điểm là khi Lưu Thiện đăng cơ, Khương Duy, Vương Bình... đã nhanh chóng nổi lên như một thế hệ mới, trở thành nhân vật chính trong các cuộc chiến tranh trong và ngoài nước Thục.
Nhân vật Gia Cát Lượng trên màn ảnh nhỏ.
Đối với Gia Cát Lượng mà nói, thái độ của ông đối với hai thế hệ võ tướng cũng rất khác biệt.
Những lão tướng như Ngũ hổ tướng đều là những người đã theo Lưu Bị từ lúc mới khởi nghiệp, họ đều do một tay Lưu Bị đề bạt mà lên, luận kinh nghiệm và công lao, rất nhiều người có thể ngang hàng với Gia Cát Lượng, sự ràng buộc hay mệnh lệnh của Gia Cát Lượng đối với họ cũng có giới hạn.
Còn đối với thế hệ võ tướng mới, về cơ bản đều do một tay Gia Cát Lượng đề bạt, Gia Cát Lượng trong mắt họ có một vị trí vô cùng cao, có thể chỉ huy được bọn họ.
Trong số các võ tướng thế hệ mới, nếu hỏi Gia Cát Lượng xem trọng ai nhất, thích ai nhất, rất nhiều người đều cho rằng đó là Khương Duy.
Nhưng thực tế không phải như vậy. Khương Duy dù bản lĩnh có giỏi tới đâu thì cũng có xuất thân từ Ngụy quốc, mức độ tin tưởng của quân thần Thục Hán với Khương Duy cũng có những dè dặt nhất định.
Chân dung Hướng Sủng.
Gia Cát Lượng trong "Tiền xuất sư biểu" đã trả lời câu hỏi này. Trong biểu văn trình lên Lưu Thiện, Gia Cát Lượng chỉ nhắc đến một võ tướng duy nhất là Hướng Sủng.
Nguyên văn lời nói của Gia Cát Lượng đó là: "Tướng quân Hướng Sủng, tính hành thục quân, hiểu sướng quân sự", "tiên đế xứng chi nhật năng", "cung trung chi sự, ác dĩ tư chi, tất năng sử hành trận hòa mục, ưu liệt đắc sở"(đại ý muốn nói Hướng Sủng là người vô cùng tài giỏi, tính tình ôn hòa, rất giỏi việc quân), ông đánh giá rất cao năng lực quân sự của Hướng Sủng.
Gia Cát Lượng cả đời chỉ đề cử với Lưu Thiện đúng một võ tướng là Hướng Sủng, ngay đến cả Khương Duy cũng chưa từng được hưởng vinh dự này, vì vậy, Hướng Sủng có thể được xem là võ tướng mà Gia Cát Lượng xem trọng và tán thưởng nhất.
Hướng Sủng ban đầu chỉ là một võ tướng tầng trung dưới trướng Lưu Bị, vào giai đoạn Ngũ hổ tướng nổi như cồn, Hướng Sủng có rất ít cơ hội để xuất đầu lộ diện.
Nhưng vào năm Chương Võ thứ 20 (tức năm 223), khi trận Di Lăng diễn ra, Hướng Sủng đã không nề hà nguy hiểm, ung dung không sợ hãi mà chỉ huy quân đội đâu ra đấy, cuối cùng, quân đội mà ông chỉ huy hầu như không có sự thương vong nào, trở thành điểm sáng duy nhất trong trận Di Lăng.
Tượng Hướng Sủng.
Thục Hán giai đoạn sau, nhân tài thiếu thốn trầm trọng, nếu Hướng Sủng có thể dốc hết sức cho Thục Hán trong một thời gian dài, vậy thì kết cục của Thục Hán có lẽ đã khác.
Nhưng đáng tiếc là, Lưu Thiện không để lời của Gia Cát Lượng vào tai, Hướng Sủng cho tới sau này vẫn mãi không được trọng dụng.
6 năm sau khi Gia Cát Lượng qua đời, tức năm 240, tộc Tứ Di ở phía Nam Thục Hán nổi loạn, Hướng Sủng đem quân đi dẹp loạn.
Trong trận chiến, Hướng Sủng không màng nguy hiểm tiên phong xông vào giết địch, kết quả không may đã qua đời, thuộc hạ đã tìm mọi cách để đưa được thi thể ông về Thục quốc.
Một điều đáng tiếc khác đó là Gia Cát Lượng trọng dụng Hướng Sủng tới vậy, nhưng trong "Tam Quốc diễn nghĩa", Hướng Sủng đến một cơ hội lộ mặt cũng không có.
La Quán Trung chỉ là trích nguyên lại lời trong cuốn "Tiền xuất sư biểu" nên mới nhắc tới tên Hướng Sủng đúng một lần, căn bản là không hề có ý đồ sắp xếp cơ hội cho Hướng Sủng lộ mặt, khiến rất ít người biết tới vị võ tướng tài giỏi này.
*Tư liệu tham khảo: "Tam Quốc chí"