Cảnh tượng đáng xấu hổ tại thiên đường du lịch Bali

VŨ UYÊN |

Bãi biển Kuta thuộc đảo Bali, Indonesia đang dần biến mất bên dưới núi rác thải khổng lồ và trở thành biểu tượng đáng xấu hổ cho vấn đề ô nhiễm môi trường tại xứ sở vạn đảo.

Với những hàng cọ xanh trải dài như vô tận, bãi biển Kuta, thuộc hòn đảo thiên đường Bali từng là một điểm đến lý tưởng dành cho khách du lịch: Họ có thể nằm dài ở bãi cát vàng cháy, lướt ván trên mặt biển xanh ngắt hoặc ngồi du thuyền ngắm cảnh dưới cái nắng ngọt ngào.

Tuy nhiên, khu vực tươi đẹp này lại đang dần biến mất bên dưới đống rác thải khổng lồ và trở thành biểu tượng đáng xấu hổ cho vấn đề ô nhiễm môi trường tại xứ sở vạn đảo.

"Bơi lội ở đây thực sự không thoải mái bởi tôi phải chứng kiến rất nhiều loại rác thải vương vãi khắp mọi nơi, ngày nào cũng như vậy! Tôi thấy chúng trôi dạt từ ngoài khơi vào bờ biển Kuta", nữ du khách người Áo cô Vanessa Moonshine nói.

1,3 triệu mét khối rác thải mỗi năm

Sở hữu lãnh thổ rộng lớn bao gồm 17.000 hòn đảo cùng dân số gần 260 triệu người, Indonesia chính là quốc gia có nhiều rác thải nhựa trên biển cao thứ hai trên thế giới, chỉ sau mỗi Trung Quốc.

Theo thống kê, quốc gia này tạo ra khoảng gần 1,3 triệu mét khối rác thải mỗi năm, gây nên nhiều vấn đề chưa có hướng giải quyết phù hợp: 

Tắc nghẽn hệ thống dẫn nước tại các thành phố lớn, làm tăng nguy cơ ngập lụt trong mùa mưa và gây ảnh hưởng tới cuộc sống của các loài động vật thủy sinh.

Mọi chuyện phát triển tồi tệ tới mức, chính quyền đảo Bali phải tuyên bố "tình trạng khẩn cấp về rác thải" trên một khu vực bờ biển kéo dài hơn 6km, bao gồm nhiều bãi biển hút khách du lịch như Jimbaran, Kuta hay Seminyak.

Cảnh tượng đáng xấu hổ tại thiên đường du lịch Bali  - Ảnh 1.

Indonesia là quốc gia có nhiều rác thải nhựa trên biển cao thứ hai trên thế giới.

Chính quyền điều động 700 nhân viên vệ sinh, tình nguyện viên cùng 35 chiếc xe tải cỡ lớn nhằm tích cực dọn dẹp khoảng 100 tấn rác thải mỗi ngày tại khu vực bờ biển, sau đó đưa chúng tới một điểm tập kết rác gần đó.

Du khách người Đức ông Claus Dignas cho biết: "Những người mặc bộ đồng phục màu xanh đã dọn dẹp toàn bộ rác thải, vậy mà ngày ngày hôm sau mọi chuyện vẫn tệ hại như thế.

Và mỗi lần ghé tới đảo Bali, tôi lại phải chứng kiến lượng rác thải ngày một gia tăng theo cách chóng mặt".

Cảnh tượng đáng xấu hổ tại thiên đường du lịch Bali  - Ảnh 2.

Nhiều du khách từng ghé tới các khu biển xinh đẹp thuộc hòn đảo Bali để bơi lội và tham gia lướt ván.

Vấn đề rác thải tại Bali trở nên tồi tệ nhất khi gió mùa ùa về. Lúc đó, những vật thể đang trôi nổi ngoài đại dương sẽ thi nhau tràn ngập ở các dòng sông lớn hoặc bị đẩy ra ngoài cửa biển một cách vô tội vạ.

"Chúng không tới từ người dân sống tại Kuta và nhiều khu vực lân cận. Bởi nếu làm như vậy, chẳng khác gì họ đang tự giết chết chính mình", ông Claus nhận định.

Cuộc chiến không hồi kết

Khoảng 72km cách khu bãi biển Kuta, núi lửa Agung đang có dấu hiệu sắp phun trào trong suốt hai tháng qua. Điều đó khiến một vài du khách quyết định hủy kế hoạch tới Indonesia, đồng thời hàng chục nghìn người dân tại địa phương này buộc phải rời nhà đi sơ tán.

Nhưng theo chuyên gia nghiên cứu môi trường đại dương Gede Hendrawan của trường Đại học Udayana, vấn đề rác thải cũng là mối đe dọa khá nguy hiểm và không hề kém cạnh.

Một chuyên gia nhận định: "Rác thải gây ảnh hưởng tới mặt thẩm mỹ của bãi biển, đặc biệt là rác thải nhựa bởi chúng có chứa các loại vi hạt nhựa (microplastic) mà động vật thủy sinh hay ăn phải.

Do vật liệu này rất khó tiêu hóa nên sẽ dần tích tụ trong cơ thể của chúng. Và sức khỏe con người cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu không may sử dụng động vật thủy sinh làm thực phẩm hằng ngày".

Cảnh tượng đáng xấu hổ tại thiên đường du lịch Bali  - Ảnh 3.

Cả người dân địa phương lẫn du khách nước ngoài đều phải chịu trách nhiệm cho tình trạng khủng hoảng rác thải tại hòn đảo Bali.

Indonesia là một trong số 40 quốc gia đã tham gia Chiến dịch Làm sạch Môi trường Biển của Liên Hiệp Quốc nhằm ngăn cản tình trạng rác thải nhựa gây ô nhiễm môi trường đại dương trên toàn cầu.

Một phần trong những cam kết cốt lõi mà chính quyền Indonesia đưa ra là giảm thiểu 70% lượng rác thải nhựa trên các vùng biển của nước mình vào năm 2025: 

Hạn chế việc sử dụng loại bao bì bằng nhựa, tăng cường dịch vụ tái chế rác thải, dọn dẹp khu vực bị ô nhiễm và nâng cao nhận thức của người dân.

Dẫu vậy, vì sở hữu số dân đứng thứ tư thế giới cùng hệ thống xử lý rác thải còn lạc hậu nên vấn đề mà xứ sở vạn đảo phải đối mặt chưa bao giờ là nhẹ.

Cảnh tượng đáng xấu hổ tại thiên đường du lịch Bali  - Ảnh 4.

Thiên đường du lịch Bali "tuyên chiến" với rác thải trên bờ biển.

Ông Hendrawan cho rằng, cả người dân địa phương lẫn du khách nước ngoài đều phải chịu trách nhiệm cho tình trạng khủng hoảng rác thải tại hòn đảo thiên đường, đồng thời yêu cầu phía chính quyền cần đầu tư nhiều hơn để giải quyết êm đẹp vấn đề nan giải này.

"Chính quyền đảo Bali cần dành thêm ngân sách hơn để nâng cao nhận thức của người dân về khái niệm bảo vệ môi trường, không tiếp tục đổ thẳng rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa ra môi trường xung quanh.

Họ cũng nên giảm thiểu việc sử dụng bao bì bằng nhựa và cấm phát túi nhựa miễn phí ở các cửa hàng tiện ích", ông Hendrawan nhấn mạnh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại