Đường dây cáp điện trong khu bị hỏng, không xem được ti vi, không vào được mạng, đến chiếc điện thoại di dộng trên tay cũng sắp hết pin, mất tín hiệu… Và như thế, cô gái như bị ném vào một hòn đảo hoang, đoạn tuyệt liên lạc với thế giới bên ngoài.
Ra khỏi nhà hỏi, mới biết phải ba ngày nữa đường dây cáp mới sửa xong. Cô gái quyết định đi mua một bọc nến to và mỳ tôm đủ dùng cho ba ngày. Rút một quyển sách bám đầy bụi trên giá xuống, cô tính đây sẽ là việc mình phải làm để sống qua ba ngày không có điện.
Lâu lắm rồi không đọc sách dưới ánh nến, cảm giác thật thú vị. Mùi dầu khói nhàn nhạt, ngọn lửa cháy nhè nhẹ phập phồng khiến cô cảm thấy bớt chán ngán ngày mất điện.
Ảnh minh họa.
Ngày mất điện thứ ba, trong lòng bất giác có chút cảm giác bất an. Lại sắp đến ngày phải giao một số bài tạp chí, điện không có, làm thế nào để viết mà nộp đây?
Vài ngày không xuất hiện trên mạng, bạn bè liệu có ai nhắn nhủ, gửi tin nhắn gì không? Gửi tin nhắn cho mình, mình không trả lời, điện thoại lại hết pin, liệu mọi người có hiểu lầm mình đã gặp chuyện gì hệ trọng?
Lo lắng thể hiện ra ngoài qua những cái nhăn mặt, đọc sách không vào, ngồi cũng không yên, cô gái hết lần này đến lần khác chạy ra ngoài hỏi tiến độ sửa chữa đường dây cáp đến đâu.
Thật may mắn là đến sáng ngày thứ tư, công tác sửa chữa đã được hoàn tất. Còn chưa kịp ngủ dậy, cô gái đã nghe thấy cây máy tính ở bên ngoài kêu "thưng" một tiếng.
Cuối cùng thì điện "đã về bản" rồi.
Phản ứng đầu tiên của cô khi nghe thấy âm thanh quen thuộc đó là nhảy khỏi giường, mở máy tính, trong thời gian máy khởi động thì nhanh tay sạc điện thoại, vào qq, blog, mail, trong lòng có chút phấn khích không tên, nghĩ bụng sẽ phải nhận được cả một cơn bão tin nhắn do bạn bè để lại.
Thế nhưng thực tế thật yên tĩnh, trên qq (phần mềm nói chuyện của Trung Quốc) có hai, ba người bạn nhắn: Có đó không?
Trong hộp thư điện tử cũng vậy, chẳng ai hỏi thăm xem cô đi đâu mà "mất tích" mất mấy ngày trời. Mở điện thoại, một đống tin nhắn xuất hiện, nhưng tất cả chỉ là tin dự báo thời tiết.
Thất vọng, cô vứt điện thoại sang một bên.
Trên thế giới bận rộn này, ai là người chú ý đến việc một người bỗng dưng biến mất đây?
Đang chán nản, điện thoại bỗng đổ chuông. Cầm điện thoại lên, là cậu em trai.
"Chị, chị làm gì đấy? Mấy hôm nay không gọi điện thoại về nhà, gọi cho chị thì điện thoại toàn tắt máy…", lời cậu em trai pha chút khó chịu.
"Trong khu mất điện ba ngày, điện thoại hết pin", cô gái trả lời em.
"Chị, chị làm sao thế? Điện thoại gọi mãi không được làm mẹ lo lắng, suýt chút nữa đã mua vé tàu chạy lên chỗ chị xem thế nào đấy. Chị mau gọi điện thoại cho mẹ đi".
Vừa tắt điện thoại của em trai, cô em gái lại gọi đến.
"Chỗ chị bị mất điện, không sạc điện thoại được…"
"Chị không thể ra ngoài gọi một cuộc điện thoại về được à?"
Em gái nói đúng, thế nhưng những hôm đó, cô chẳng mảy may nghĩ về gia đình.
Vội vàng bấm số gọi, chuông vừa đổ, đầu bên kia đã lên tiếng: "Anh đấy à con, con gọi điện về rồi…"
Trong điện thoại, mẹ cô mắng cô một câu nhưng không hề bực tức. Cô thậm chí còn tưởng tượng ra dáng mẹ đang nghe điện thoại như thế nào.
"Ba hôm nay không gọi điện được cho con, mẹ đã tưởng xảy ra chuyện gì. Xem ti vi thấy có tin bên Myanmar có động đất, khu Bạch Sắc ở Nam Ninh cũng bị ảnh hưởng, các con ở đó không sao chứ?" – mẹ cô hỏi.
"Con không sao, chỉ là trong khu bị mất điện, mới sửa xong…"
"Vậy thì tốt rồi, không việc gì là tốt rồi". Từ đầu đến cuối, mẹ không phê bình trách móc cô một câu, bà chỉ cần biết con gái bình yên vô sự, vậy là quá đủ.
Lời bình
Nhiều khi, chúng ta xem trọng các mối quan hệ với thế giới bên ngoài nhưng thực ra, trên thế giới này, có thiếu ai đi chăng nữa, thế giới vẫn quay.
Chúng ta thường hay xem nhẹ những thứ, những mối quan hệ nên được xem trọng nhất.
Nếu như có một ngày chúng ta mất tích thật, việc này chỉ kinh động đến một vài người, trong đó, người lúc nào cũng lo lắng cho chúng ta, chính là những người thân thiết nhất trong gia đình mà thôi.