Những ngày vừa qua, chủ đề "Vì sao người trẻ ngày nay không tiết kiệm được tiền" được thảo luận rất sôi nổi trên mạng xã hội.
Trong đó, có một bình luận được rất nhiều lượt đồng tình như này:
"Tiền tháng 10 tiết kiệm được đều đổ vào đại hội Sale 11/11; tiền tháng 11 tiết kiệm được đều đổ vào 12/12; tiền tháng 12 tiết kiệm được lại đổ hết vào tiêu Tết…"
Tháng nào cũng có "lễ Sale", ngày nào cũng có người Livestream bán hàng.
Thanh niên thời hiện đại, vừa hưởng thụ vật chất dồi dào lại vừa trở thành những "người nghèo tiềm ẩn" với vẻ ngoài sanh chảnh nhưng thực tế lại khốn khó chồng chất.
Đáng sợ hơn nữa là "cái nghèo tiềm ẩn" của nhiều người không chỉ ở vật chất, mà còn ở mối quan hệ giữa con người với nhau và thế giới tinh thần.
Tuy nhiên, có một bộ phận người thông minh đã kịp thời thoát ra khỏi cạm bẫy của sự phù phiếm và khám phá ra một cảnh giới mới của cuộc sống.
01
Vật chất tối thiểu
Có một cặp vợ chồng ở Hồng Kông đã đạt đến một trong những cảnh giới sống mới - sự tối giản về vật chất.
Người chồng có tên là Mo Haoguang, tốt nghiệp Khoa Giáo dục của trường Đại học Hồng Kông và cũng có bằng thạc sĩ của Đại học Baptist, Hồng Kông.
Tuy nhiên, sau khi tốt nghiệp, Mo haoguang không tới thành phố để tìm kiếm việc làm mà lựa chọn cùng người vợ đồng chí hướng của mình dọn ra ngoại ô, làm một nông phu.
Mười mấy năm trôi qua, anh chưa từng mua thêm một bộ quần áo mới, cũng không nghĩ tới chuyện mua thêm nhà thêm xe, ở nơi tấc đất tấc vàng như Hồng Kông, cả gia đình chi tiêu mỗi tháng chỉ hết 2000 tệ (khoảng 7 triệu đồng).
Quần áo nếu đã sờn, anh đi tìm mua quần áo hàng thùng; bữa cơm xem rau là chủ đạo; đi ra ngoài, nếu có thể đi bộ thì sẽ đi bộ, nếu đi xe sẽ ngồi xe công cộng.
Ngay cả hôn lễ, hai vợ chồng cũng đồng ý làm đơn giản nhất có thể, chiếc nhẫn mà hai người trao cho nhau cũng được làm từ gỗ.
Người ngoài trông thấy không hiểu nổi, nhưng hai người họ lại thấy vô cùng hạnh phúc.
Bởi lẽ sống giữa cuộc sống vật chất giản tiện, họ không chỉ giảm bớt rác thải cho trái đất, mà còn tìm thấy được cho mình sự thanh thản, đồng thời cũng bồi dưỡng được kha khá kỹ năng.
Trong một cái thời đại mà chỉ cần ra khỏi cửa thôi cũng có thể bị so sánh từ A tới Z như hiện nay, rất nhiều người dù vật chất có phong phú tới đâu, nội tâm cũng vẫn luôn cảm giác nặng trĩu.
Bởi lẽ, một cuộc đời đặc sắc không nằm ở việc có bao nhiêu vật chất mà nằm ở chỗ bạn có trong tay bao nhiêu khoảng thời gian mà mình cảm thấy hạnh phúc.
Khi thoát được ra rồi, bạn mới phát hiện ra, cảnh giới cao nhất của cuộc sống thực ra chính là sự tối giản về vật chất.
Bạn không cần phải giống như vợ chồng Mo Haoguang sống cuộc sống ẩn cư, nhưng bạn có thể sắp xếp lại một chút cuộc sống của mình, giữ lại những thứ quan trọng, dứt khoát bỏ đi những thứ không cần thiết, thoát ra khỏi sự lệ thuộc vào vật chất như vốn có.
Đừng vì chút sĩ diện mà đi so sánh, đừng vì chán mà mua mua mua, cũng đừng vì cảm thấy trống trải mà thử dùng vật chất để bù đắp.
Biết đâu, giữa cuộc sống tối giản, bạn sẽ tìm ra được "thế giới cổ tích" của chính mình.
02
Quan hệ cực giản
Có người khổ sở vì vật chất, có người lại chật vật vì các mối quan hệ.
Còn người thông minh lại sớm đã hiểu được rằng những mối quan hệ dễ chịu, thực ra không nằm ở số lượng, tri kỉ, 2-3 người là đủ.
Một Blogger có biệt danh Z từng chia sẻ một câu chuyện như này.
Khi còn học đại học, anh là Trưởng ban Tổ chức Hội Sinh viên, đồng thời là Phó tổng biên tập Tạp chí Văn học của trường, sau mỗi một hoạt động, anh lại kết được thêm vô số bạn bè.
Bài đăng nào lên trang cá nhân cũng được hàng trăm like; gửi một tin nhắn trong nhóm, ai nấy đều thi nhau đáp lại; đi tới đâu trong trường cũng có người chào hỏi.
Z vốn nghĩ đây là tài nguyên xã giao mà mình tạo dựng được.
Nhưng sau khi tốt nghiệp, có một khoảng thời gian Z không đủ tiền trả tiền thuê nhà, Z hỏi những người từng nhận là anh em tốt của mình nhờ giúp đỡ, nhưng không một ai đáp lại.
Tới lúc này, Z mới nhận ra rằng, đứng trước thời gian và tiền bạc, những "mối quan hệ" mà anh từng vô cùng tâm đắc ấy lại không đáng một xu.
Trong một chương trình truyền hình thực tế của Trung Quốc có tên "Xin nhờ Tủ lạnh", MC của chương trình là Hà Cảnh chia sẻ rằng Lý Vũ Xuân (ca sĩ nổi tiếng tại Trung Quốc) không bao giờ tham gia after party sau các buổi lễ trao giải.
Lý Vũ Xuân giải thích rằng vì mình không giỏi xã giao, phần lớn thời gian đều ở một mình.
Toàn bộ khoảng thời gian không có lịch trình công việc, cô đều dùng để sáng tác, suy nghĩ và học tập.
Thời gian trôi qua, từ một người vô danh, cô dần trở thành ca sỹ nhạc sỹ nổi tiếng, biểu tượng thời trang, còn bồi dưỡng một vài sở thích như chụp ảnh, nấu ăn…
Hiện tại, những người bạn của cô tuy không nhiều, nhưng mỗi một mối quan hệ đều vô cùng chất lượng.
Thực ra, thời gian và sức lực của một người đều có hạn.
Tinh giản vòng tròn xã giao, không chỉ giúp chúng ta "lắng" lại để sống thật với chính mình, còn có thể giúp ta dành ra được thời gian cho những người thực sự quan trọng.
Những mối quan hệ kém chất lượng, có thể nói tạm biệt hãy tạm biệt; những mối quan hệ khiến bạn không thoải mái, có thể rời đi hãy rời đi.
Giống như một người từng nói: "Sau 25 tuổi, thời gian của bạn sẽ càng ngày càng ít, đừng chia sẻ nó cho những người không xứng đáng."
Dẫu sao thì bản chất của một cuộc sống tốt đẹp chính là liên tục đơn giản hóa các mối quan hệ giữa các cá nhân, vứt bỏ mọi phiền nhiễu không cần thiết trong cuộc sống, và tìm thấy trạng thái thoải mái và tỏa sáng nhất của chính mình.
03
Tinh thần phong phú
Tối thiểu hóa vật chất, cực giản hóa các mối quan hệ, có lẽ khi ấy, bạn sẽ dần dần tìm được trạng thái cuộc sống tốt nhất của mình – tinh thần phong phú.
Tsai Chih Chung, một họa sỹ truyện tranh nổi tiếng của Đài Loan chính là người như vậy.
Ông từng nói:
"Niềm vui của cuộc sống không phải là thưởng thức đồ ăn ngon, không phải đi du lịch nghỉ dưỡng, không phải đạt được danh vọng, mà là chuyên tâm, hoàn thành ước mơ của chính mình."
Có một lần, ông ngồi một mạch 58 tiếng đồng hồ chỉ để hoàn thành một đầu phim hoạt hình dài 4 phút.
Còn một lần nữa, ông tự nhốt mình trong phòng, 42 ngày không ra khỏi cửa, chỉ để hoàn thành một tác phẩm quan trọng.
Ông cũng từng một thân một mình đến Tokyo trong 4 năm, chỉ để học các kỹ năng về manga...
Có thể làm được như vậy, đó là bởi mọi sự tập trung của ông đều đặt hết vào việc mà ông đam mê, và theo thời gian, thế giới tinh thần của ông cũng đạt được tới cảnh giới phong phú, viên mãn chưa từng có.
Mỗi khi đắm chìm trong thế giới hội họa, Tsai Chih Chung chỉ có thể nghe thấy tiếng bút chì sột soạt trên giấy và tiếng nhịp tim của chính mình.
Dường như chỉ có một người trong vũ trụ, nhưng dường như có cả thế giới.
Thế giới tinh thần trở nên phong phú nhờ sự tập trung, lúc này não cũng tiết ra endorphin, con người không chỉ cảm thấy vui vẻ mà còn có cảm giác thành tựu.
Không biết bạn đã bao giờ mất ăn mất ngủ vì việc mình thích chưa? Không biết bạn đã cố gắng hết sức vì ước mơ của mình hay chưa?
Nếu có, vậy thì tôi tin rằng thế giới tinh thần của bạn sẽ trở nên phong phú hơn nhờ sự tận tâm của bạn; nếu không, bạn cũng có thể cố gắng trau dồi một số sở thích cho riêng mình.
Đó có thể là viết, là vẽ, là bóng rổ, là yoga...
Khi bạn tập trung làm điều gì đó bạn thích, không chỉ cuộc sống tẻ nhạt sẽ trở nên đặc sắc hơn mà chính bản thân bạn cũng sẽ trở nên rạng rỡ hơn từ trong ra ngoài.
Cũng giống như Carnegie đã nói: "Mỗi người nên có sở thích để tâm hồn thêm phong phú và để thêm hứng thú cho cuộc sống".
Trong cuốn sách nước ngoài có tên "Cuộc sống cực giản" có một câu nói như này:
"Những vật chất không đâu xung quanh chúng ta cũng giống như chất béo trên cơ thể vậy, càng ít chất béo, trái tim càng thư thái."
Càng có nhiều thứ, con người ta càng không "biết đủ"; những mối quan hệ không thoải mái càng nhiều, càng khiến ta đánh mất đi chính mình.
Ngược lại, chỉ khi giữ vật chất ở mức tối thiểu, tối giản các mối quan hệ, và làm cho tinh thần phong phú, chúng ta mới có thể tìm thấy tự do đích thực.
Và đó có thể là trạng thái cao nhất của cuộc đời, để dù có ở trong hoàn cảnh nào, bạn cũng luôn có thể bình tĩnh và không sợ hãi bất cứ điều gì.