Canh không có muối không bằng nước suông, người không có tiền không bằng quỷ ma. Ở thời điểm nghèo nàn, người ta mới nhận ra bạn bè chân thành xung quanh có ít ỏi đến nhường nào.
Ngược lại, đa số xung quanh là phường tiểu nhân xu nịnh, chỉ nhìn tới ích lợi. Chỉ có ai chân chính trải qua sự thiếu thốn, người ta mới hiểu đắng cay chua xót đằng sau.
Thế nhưng, càng vội tính toán, tiền bạc lại càng tránh xa mình.
Thay vì bốc đồng lao vào những cuộc chơi tìm kiếm tài lộc giàu sang, hãy tích lũy cho bản thân 3 điều này trước. Sau đó, bạn sẽ đợi được thời cơ thích hợp để “cá chép hóa rồng”.
1. Làm việc trong khả năng của mình, dù nhỏ đến mấy
Khi không có tiền tài trong tay là lúc tâm trạng thấp thỏm, bất an nhất. Lúc này người ta có xu hướng nghi ngờ bản thân, thậm chí trở nên sa đọa, đánh mất động lực phấn đấu, đồng thời lãng phí giá trị bản thân.
Thế nhưng, Oscar Wilde, một nhà văn nổi tiếng của Ireland, từng nói: “Dù bạn sinh hoạt trong cống ngầm, bạn vẫn có tư cách ngắm nhìn những vì sao”.
Cho dù ở vào thời điểm sa cơ thất thế nhất thì chúng ta vẫn phải tin rằng “trời sinh ra ta, ắt có chỗ dùng”.
Có thời gian rảnh rỗi, hãy cứ tranh thủ làm việc trong khả năng của mình, bắt đầu từ những việc đơn giản trong tầm tay rồi dần dần tiến bước.
Trong quá trình làm việc, dù nhỏ đến mấy, thì chúng ta cũng đang tự xây dựng thái độ nghiêm túc, tinh thần chịu trách nhiệm, tâm trí bình tĩnh, giữ được sự kiên nhẫn và một tâm thái hoàn toàn bình thường.
Đây chính là một dấu hiệu của sự tiến bộ.
2. Học hỏi để cải thiện
Trong cả khía cạnh sự nghiệp hay cuộc sống thường nhật thì thương vụ đầu tư tốt nhất cho một người chính là thời gian để không ngừng học tập.
Kiên trì đầu tư vào đại não của bản thân, bạn sẽ thay chính mình mở ra rất nhiều cơ hội tài lộc mới.
Đừng nghĩ rằng nghèo khó tức là vô sản vì kỳ thực, tài sản giá trị nhất của bạn chính là kiến thức.
Không có tiền bạc trong tay, bạn vẫn còn có thời gian và công sức để nâng cao giá trị của bản thân thông qua việc tích lũy tri thức, rèn luyện trí tuệ.
Không có ai trong số những vị tỷ phú, triệu phú kiếm ra hàng triệu USD mỗi ngày sẽ biết được cách thức để kiếm số tiền đó ngay từ đầu.
Họ phải trải qua một quá trình không ngừng thất bại từ cả tư duy và thực tế, sau đó học được cách rút kinh nghiệm, đứng lên và bắt đầu lại. Do đó, dù là với bất cứ ai, việc nỗ lực học tập và tích lũy mỗi ngày là một quá trình không thể bỏ qua.
Quá trình tự cải thiện này không quá khó khăn, nhưng cần tới rất nhiều sự kiên định, thái độ cương quyết, một tâm thế sẵn sàng để lao vào những thử thách. Nếu không, bạn sẽ không bao giờ có thể tiến gần hơn đến những mục tiêu của mình.
Nếu bạn thường xuyên cải thiện trí tuệ bằng cách thu nạp nhiều tri thức mới, bạn sẽ luôn cảm thấy mình là người kiểm soát cuộc sống của chính mình.
Không có gì tự do hơn việc học hỏi một điều gì đó mới; nó có thể làm tăng cả sự tự tin lẫn mở ra cơ hội để xây dựng các mối quan hệ chất lượng cao.
Vậy làm thế nào để nâng cao năng suất học tập và cải thiện?
Không ngừng sử dụng kiến thức mình đã biết, đã được học vào công việc thực tiễn và chủ động tìm hiểu những khía cạnh mình còn thiếu sót.
Phải có mục đích học tập, đó mới là phương pháp cải thiện tích cực đem lại kết quả rõ ràng nhất. Mục đích càng rõ ràng và tâm lý càng chủ động thì hiệu quả học tập càng tốt.
Liên tục rút kinh nghiệm từ sai lầm trong thực tiễn, của cả bản thân và những người xung quanh. Bạn không có nhiều cơ hội để sai lầm, vì vậy cần đúc rút càng nhiều từ đó càng tốt.
3. Lên kế hoạch quản lý tài sản
Làm ra tiền đã khó, nhưng chi tiêu tiền càng khó hơn. Khi không có tiền, chúng ta rất nhạy cảm với tài lộc cá nhân của mình.
Lúc này, bạn cần phân loại các khoản chi tiêu và thu nhập một cách rõ ràng để thiết lập lại khái niệm quản lý tài chính. Biết cách lên kế hoạch chi phối tài sản hợp lý sẽ giúp bạn trở nên tự chủ hơn, mở ra nhiều cơ hội phát triển hơn.
Bước đầu có thể là sẽ khá khó khăn với người đã quen với lối sinh sống và tiêu pha tự do, không phải suy nghĩ nhiều. Bạn nên sử dụng một cuốn sổ nhỏ hoặc lưu lại trên điện thoại tất cả chi phí phát sinh mỗi ngày.
Mục tiêu của việc này là để sau một thời gian, bạn sẽ tổng kết lại, phân chia những khoản tiêu dùng cần thiết và không cần thiết, từ đó phân bổ tiền tài khôn ngoan hơn.
Bạn có thể tham khảo phương pháp tiết kiệm của người Nhật, được gọi là sổ Kakeibo. Nguyên tắc áp dụng bao gồm trả lời 4 câu hỏi:
Bạn có bao nhiêu tiền?
Bạn muốn tiết kiệm bao nhiêu?
Bạn đã tiêu bao nhiêu?
Bạn có thể cải thiện bằng cách nào?
Thông qua đó, phương pháp này trực tiếp chỉ ra và giúp bạn theo dõi các luồng thu và chi của mình hiệu quả hơn.
Chỉ cần bạn biết cách kìm nén những ham muốn nhất thời của mình, hiệu quả quản lý sẽ được gia tăng đáng kể.
Một cây son mới, một đôi giày mới, hoặc một bộ quần áo thời trang… thì ai mà không thích. Nhưng sự yêu thích phải đi cùng với kế hoạch.
Cũng đừng bao giờ mua hàng cho tương lai chỉ với cảm giác nhu cầu ở hiện tại.
Chẳng hạn, trong thời điểm dịch bệnh bùng nổ, bạn lo sợ tương lai sẽ xuất hiện tình trạng khan hiếm thức ăn, phải tranh đoạt khó khăn nên vội vàng mua tích trữ hàng thùng mì ăn liền.
Hậu quả là “tương lai mà bạn lo sợ” không hề xảy ra, còn tình hình tài chính thì bội chi rất nhiều, không hề tương thích với nhu cầu sử dụng.
Đây là hiện tượng thường thấy khi đại đa số chúng ta đều từng đưa ra đánh giá sai về nhu cầu thực tiễn của bản thân đối với một món hàng trong tương lai gần. Hiện tượng này được gọi là lỗi "thiên lệch dự đoán" (projetion bias).
Do đó, trước khi quyết định mua hàng, nhất là với những mặt hàng có giá trị không nhỏ, bạn cần cân nhắc kỹ lưỡng để đánh giá đúng hơn nhu cầu bản thân.
Tránh việc chi tiêu bằng cảm giác nhất thời sẽ giúp bạn hạn chế những khoản chi không cần thiết hiệu quả hơn.