Đối với nhà sản xuất hàng may mặc Bangladesh Viyellatex Group (BVG), căng thẳng thương mại Mỹ-Trung giúp cho công việc kinh doanh của họ khởi sắc đáng kể. Thuế quan Mỹ áp lên hàng hóa Trung Quốc khiến nhiều khách hàng tìm tới nhà sản xuất hàng may mặc lớn thứ 2 trên giới.
"Phần lớn hàng xuất khẩu của chúng tôi là sang thị trường châu Âu. Nhưng kể từ khi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung bắt đầu, chúng tôi nhận được nhiều đơn đặt lớn từ khách hàng Mỹ", ông David Hasanat, Chủ tịch BVG cho biết.
Khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nổ phát súng khơi mào cho cuộc chiến thương mại vào năm ngoái, 3 khách hàng từng quay lưng với doanh nghiệp của Bangladesh cách đây 2 năm đã quay lại và đặt hàng với số lượng lớn.
Hiện tại 3 trong số 10 khách hàng lớn của BVG tới từ Mỹ, trong đó có các thương hiệu hàng đầu thế giới như Calvin Klein và Tommy Hilfiger. Doanh thu của công ty gần đạt 200 triệu USD trong năm 2018.
Giống như Bangladesh, các nền kinh tế châu Á, nơi tập trung các trung tâm gia công sản xuất giá rẻ như Việt Nam, Thái Lan, Malaysia đều được hưởng lợi nhất định khi nhiều doanh nghiệp lớn đang tìm cách chuyển dây chuyền sản xuất hoặc cung ứng ra khỏi Trung Quốc.
Với Việt Nam, cơ hội tươi sáng mở ra trong ngành nội thất và may mặc. Với Malaysia là ngành khí tự nhiên hóa lỏng còn Thái Lan là ngành công nghiệp ô tô. Cả 3 cùng hưởng lợi trong ngành công nghệ thông tin và sản xuất điện tử. 3 quốc gia Đông Nam Á cũng cho thấy bản thân sẵn sàng đón nhận làn sóng đầu tư mà cuộc chiến thương mại mang lại, bất chấp sự sụt giảm về xuất khẩu trên toàn khu vực.
Theo ông Siwage Dharma Negara, học giả cao cấp thuộc Viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore, thương chiến Mỹ-Trung đang tạo điều kiện để ASEAN trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Ông Michael Taylor, Giám đốc điều hành của Moody's Investors về chiến lược và tiêu chuẩn tín dụng nhận định việc Washington và Bắc Kinh ăn miếng trả miếng tạo thêm nhiều cơ hội cho các nền kinh tế Đông Nam Á đang phát triển. Nhưng chỉ những quốc gia đặt nền tảng chính xác mới có thể tận dụng được cơ hội đó. Việt Nam, Thái Lan và Malaysia đang làm rất tốt điều này.
Công nhân làm việc trong một nhà máy sản xuất hàng dệt may ở Việt Nam. (Ảnh: Reuters)
Luật sư thương mại quốc tế cao cấp Jon Cowley tới từ Hồng Kông phân tích, thông thường, các công ty sẽ ngại đầu tư vào những nhà máy mới trong một thời điểm không chắc chắn. Nhưng khi thương chiến Mỹ-Trung được dự báo sẽ còn kéo dài, nhiều công ty bắt đầu chấp nhận đầu tư cho năng lực sản xuất mới. Đông Nam Á đang ở vị trí đắc địa để hưởng lợi từ điều này. Tuy nhiên cho tới nay, hầu hết sự thay đổi xảy ra trong các ngành công nghiệp không đòi hỏi quá nhiều kỹ năng như dệt may thay vì các ngành kỹ thuật cao như CNTT. Có vẻ như nhiều doanh nghiệp vẫn chưa dám mạo hiểm mà vẫn chờ đợi, nghe ngóng tình hình.
Tuy nhiên, bức tranh không hoàn toàn là màu hồng. Các chuyên gia kinh tế cảnh báo, nhiều quốc gia Đông Nam Á là nhà cung cấp các bộ phận và linh kiện cho Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ sẽ phải gián tiếp đối mặt với tác động từ cuộc chiến thương mại. Cùng với đó, sự suy yếu của đồng Nhân dân tệ có thể khiến hàng hóa của Trung Quốc có giá thành cạnh tranh hơn với các nước Đông Nam Á.
Công ty cao su Guangken ở miền nam Thái Lan, nhà cung cấp chính cho các nhà sản xuất lốp xe của Trung Quốc đã bị cắt giảm hàng loạt đơn hàng sau các đòn đánh thuế đáp trả giữa 2 siêu cường.
"Chúng tôi cảm nhận được tác động của cuộc chiến thương mại kể từ năm ngoái. Khách hàng của chúng tôi ở Trung Quốc chủ yếu là các nhà sản xuất xuất lốp xe và chúng tôi chỉ xuất khẩu sang Trung Quốc. Chúng tôi thường xuyên gửi 3.000-4.000 tấn cao su chế biến tới Trung Quốc mỗi tháng, nhưng vài tháng qua, con số này giảm xuống còn 2.500-3.000 tấn", ông Panida Ta-en, Phó Giám đốc Tiếp thị tại nhà máy có trụ sở tại tỉnh Satun cho biết.
Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất ở khu vực châu Á giữa vòng xoáy tranh chấp Mỹ-Trung là các nền kinh tế phát triển cao như Hàn Quốc và Nhật Bản hay các nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào thương mại và trung chuyển như Singapore và Hồng Kông. GDP của họ phụ thuộc nhiều vào hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ nên việc xuất khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ giảm sẽ trở thành một cơn ác mộng. Các công ty muốn chuyển dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc thường không hứng thú chọn các nền kinh tế nằm trong chuỗi cung ứng ở châu Á này bởi giá nhân công cao.
Nhưng theo SCMP, tới cuối cùng, tất cả sẽ trở thành người thua cuộc. Mặc dù một số nền kinh tế ở Đông Nam Á có thể có lợi trong ngắn hạn và thậm chí là trung hạn, các nhà kinh tế cảnh báo sự thay đổi toàn cầu đối với chủ nghĩa bảo hộ thương mại là tin xấu trong dài hạn cho nền kinh tế toàn cầu.
Ngay cả với những lợi ích của việc chuyển đổi sản xuất ở số quốc gia nhất định, xuất khẩu giảm liên tục trên toàn thế giới có nguy cơ làm suy giảm kinh tế toàn cầu.
IMF ước tính, cuộc chiến thương mại nếu kéo dài có thể làm giảm tăng trưởng toàn cầu xuống mức 0,8% trong năm tới. Tháng trước, Ngân hàng Phát triển Châu Á dự báo, tăng trưởng khu vực sẽ giảm xuống còn 5,7% trong năm nay, thấp hơn 0,2% so với năm ngoái và cảnh báo con số này có thể sẽ còn xuống mức thấp hơn 5,6% trong các năm tiếp theo.