Ngày 16/5, Triều Tiên phóng thử tên lửa nhưng không thành công. Động thái này được thực hiện ngay sau lễ duyệt binh hoành tráng kỷ niệm 105 năm ngày sinh cố Chủ tịch Kim Nhật Thành bất chấp nhiều lời cảnh báo của Mỹ về khả năng tấn công nếu Triều Tiên tiếp tục có hành động gia tăng căng thẳng trong khu vực.
Liên quan vấn đề này, VTC News phỏng vấn Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Trường, Đại sứ Việt Nam tại Thụy Điển và Mexico, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển Quan hệ quốc tế, theo Tiến sỹ Trường, bán đảo Triều Tiên đang trong tình trạng bên "miệng hố chiến tranh" và những thay đổi ở khu vực sẽ đến sau cuộc bầu cử tổng thống mới của Hàn Quốc.
Ngày 16/4, Triều Tiên bắn thử tên lửa nhưng thất bại. (Ảnh minh họa)
- Căng thẳng Mỹ - Triều Tiên những ngày qua gia tăng nhanh chóng khiến nhiều người lo ngại về khả năng xảy ra chiến tranh, ông có nhận định gì về tình hình hiện nay?
Về mặt nguyên nhân, Mỹ, Hàn Quốc và cả Trung Quốc đều gây sức ép để Triều Tiên không thử hạt nhân vào dịp kỷ niệm 105 năm ngày sinh cố Chủ tịch Kim Nhật Thành.
Trong cuộc gặp riêng, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có những trao đổi để kiểm soát vấn đề hạt nhân của Triều Tiên.
Ngoài ra, động thái Mỹ đưa nhóm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson đến bán đảo Triều Tiên trong mối lo ngại Bình Nhưỡng tổ chức thử hạt nhân khiến tình hình trở nên căng thẳng.
Cả Washington và Bình Nhưỡng đều đưa ra những tuyên bố cứng rắn, khẳng định sẵn sàng tấn công hoặc đáp trả khiến bán đảo Triều Tiên một lần nữa rơi vào tình trạng "bên miệng hố chiến tranh".
- Vậy các hành động của các bên liên quan ảnh hưởng gì đến tình trạng này?
Đây không phải lần đầu bán đảo Triều Tiên rơi vào tình trạng này. Hiện nay, có thể nói không nước nào muốn xảy ra xung đột.
Với Mỹ, họ đang tìm cách gây sức ép trực tiếp với Triều Tiên đồng thời làm việc với Trung Quốc để Bắc Kinh có động thái kiềm chế Bình Nhưỡng về vấn đề Triều Tiên.
Tuy nhiên, Bắc Kinh hiện vẫn chưa có động thái rõ rệt nào để làm đòn bẩy cho vấn đề Triều Tiên ngoài việc điều 150.000 binh sỹ đến biên giới.
Đây có thể xem là hành động nhằm gây áp lực của Trung Quốc với các bên liên quan tới Triều Tiên và cũng đề phòng khả năng xảy ra chiến tranh. Dù xung đột có nổ ra hay không, nhiệm vụ chính của số quân này vẫn là ngăn chặn người tị nạn Triều Tiên đổ qua biên giới.
Việc điều hàng trăm ngàn quân đến biên giới Triều Tiên, cũng có thể hiểu là lời cảnh báo của Trung Quốc đến Mỹ, Hàn Quốc và Triều Tiên về "lằn ranh đỏ" mà Bắc Kinh có thể chấp nhận.
- Ông đánh giá thế nào về khả năng xảy ra xung đột?
Theo tôi, không thể loại trừ khả năng xảy ra xung đột, nhất là với tính khó dự đoán của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Tuy nhiên, người đứng đầu Nhà Trắng sẽ không thể hành động ở Triều Tiên như với Syria. Syria là nơi đang xảy ra chiến tranh, có nơi tồn tại các phần tử khủng bố nguy hiểm, trong khi đó, bán đảo Triều Tiên đang duy trì trạng thái hòa bình.
Ngoài ra, Nhật Bản và Hàn Quốc có thể xem là "con tin" đối với vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên. Hiện nay, Mỹ duy trì quân ở Nhật Bản và Hàn Quốc là để đảm bảo an ninh, nếu xảy ra xung đột, hai quốc gia đồng minh của Washington này sẽ phải hứng chịu hậu quả nặng nề.
Vì vậy, mặc dù đang "bên miệng hố chiến tranh" nhưng không quốc gia nào sẽ muốn bước thêm. Mặc dù tình hình đang căng thẳng nhưng sẽ có một bên xuống thang, đấu dịu áp lực trong khu vực.
- Theo ông, ai sẽ đảm nhận vai trò này?
Có thể sau bầu cử Tổng thống Hàn Quốc trong tháng 5 tới, tổng thống mới của nước này sẽ tuyên bố đối thoại với Triều Tiên và tìm cách sắp xếp để Washington đối thoại trực tiếp với Bình Nhưỡng, điều mà Triều Tiên mong muốn.
- Vậy ông nghĩ sao về việc Triều Tiên không thử hạt nhân vào ngày sinh nhật cố Chủ tịch Kim Nhật Thành nhưng phóng tên lửa ngay sáng sớm hôm sau, dù thất bại?
Đây có thể xem là hành động vớt vát của Triều Tiên. Trước đó, các hình ảnh vệ tinh cho thấy Triều Tiên đã có những động thái chuẩn bị ở khu vực thử hạt nhân, tuy nhiên, sức ép lần này quá lớn và ông Trump đã tuyên bố sẽ tấn công nếu Triều Tiên thử hạt nhân nên Bình Nhưỡng đã không có động thái gì ngoài duyệt binh vào ngày 15/4.
Quân đội Triều Tiên có nhiều nét hiện đại trong duyệt binh ngày 15/4.
Bên cạnh đó, việc thử tên lửa thất bại cũng có thể xem như hành động giữ thể diện của Triều Tiên. Nhất là khi cộng đồng quốc tế gần như không có phản ứng hay phát ngôn gì về động thái này.
Có thể nói, vấn đề Triều Tiên sẽ có bước phát triển sau cuộc bầu cử tổng thống sắp tới của Hàn Quốc. Còn hiện nay, khả năng xung đột là rất thấp, cũng như nhiều lần trước, các bên sẽ lùi khỏi "miệng hố chiến tranh" sau khi để xảy ra tình trạng này.
Xin cảm ơn ông!